5 lầm tưởng phổ biến về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Không chỉ người lớn tuổi, nhiều người trẻ hiện nay vẫn có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao do lối sống kém lành mạnh.

Người mắc COPD gặp rất nhiều ảnh hưởng trong cuộc sống. Ảnh: Freepik.
Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nhóm các bệnh lý hô hấp tiến triển, chủ yếu gây ra tình trạng khó thở. Trong nhóm này, viêm phế quản mạn tính và khí phế thủng là hai dạng thường gặp nhất.
Người mắc COPD thường có triệu chứng ho kéo dài, thở khò khè và cảm giác khó thở tăng dần theo thời gian. Ở giai đoạn muộn, ngay cả những hoạt động đơn giản như thay quần áo hay bước vài bước cũng trở nên khó khăn. Dưới đây là một số lầm tưởng phổ biến về COPD, theo New York Post.
Chỉ người hút thuốc mới mắc COPD?
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra COPD nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Môi trường ô nhiễm, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và một số trường hợp hen suyễn cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, còn có những trường hợp mắc bệnh do yếu tố di truyền, cụ thể là thiếu hụt một loại enzym bảo vệ phổi - alpha-1 antitrypsin. Những người bị thiếu hụt enzym này có nguy cơ cao phát triển COPD, kể cả khi họ không hút thuốc.
COPD chỉ gặp ở người lớn tuổi?
Dù tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi, COPD không chỉ xảy ra ở người già. Tại nhiều quốc gia, vẫn có một tỷ lệ đáng kể người trẻ tuổi - kể cả ở độ tuổi đôi mươi - được chẩn đoán mắc bệnh. Những trường hợp này thường liên quan đến yếu tố di truyền hoặc tiếp xúc lâu dài với chất gây ô nhiễm.
COPD chỉ ảnh hưởng đến phổi?
Thực tế, COPD là bệnh có thể gây ảnh hưởng toàn thân. Người mắc bệnh này có nguy cơ cao mắc các bệnh khác như tim mạch, tăng huyết áp, loãng xương, tiểu đường và ung thư phổi. Điều này một phần xuất phát từ tình trạng viêm mạn tính toàn thân do COPD gây ra.
Người bị COPD không thể tập thể dục?
Nhiều người cho rằng việc vận động có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm, nhưng ngược lại, tập thể dục đúng cách là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị COPD.
Các chương trình phục hồi chức năng phổi được thiết kế để kết hợp các kỹ thuật thở với vận động thể chất, giúp tăng cường sức chịu đựng của hệ hô hấp, cải thiện chất lượng cuộc sống và làm giảm tần suất các đợt cấp tính.
Nếu đã bị COPD thì bỏ thuốc lá cũng không ích gì?
Từ bỏ thuốc lá là điều cần thiết ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Bỏ thuốc giúp làm chậm tiến triển của COPD, giảm tần suất các đợt cấp và cải thiện chất lượng cuộc sống. Càng bỏ sớm, lợi ích càng lớn, nhưng ngay cả khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc dừng hút thuốc vẫn đem lại những cải thiện rõ rệt.