5 loại thực phẩm bổ sung cần tránh nếu bạn bị huyết áp cao

Huyết áp cao (tăng huyết áp) là tình trạng sức khỏe phổ biến nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng tim mạch nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ.

Bên cạnh việc dùng thuốc và thay đổi lối sống, nhiều người tìm đến các loại thực phẩm bổ sung với mong muốn hỗ trợ. Tuy nhiên, không phải sản phẩm bổ sung nào cũng an toàn, thậm chí một số loại còn có thể gây hại cho người bị huyết áp cao. Các chuyên gia tim mạch đã chỉ ra 5 loại cần đặc biệt tránh xa.

Cam đắng (Bitter Orange)

Chiết xuất từ vỏ khô của quả cam đắng thường có mặt trong các sản phẩm hỗ trợ giảm cân và tăng cường hiệu suất thể thao. Tuy nhiên, đối với người bị huyết áp cao, thành phần này tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng.

Một phân tích tổng hợp cho thấy việc dùng cam đắng kéo dài có thể làm tăng huyết áp tâm thu (chỉ số trên) thêm 6 mmHg và huyết áp tâm trương (chỉ số dưới) thêm 4 mmHg. Việc sử dụng chiết xuất cam đắng cũng liên quan đến khả năng gia tăng các biến chứng nguy hiểm như đau tim, đột quỵ. Do cam đắng thường được kết hợp với các thành phần khác trong sản phẩm bổ sung, việc đọc kỹ nhãn là vô cùng quan trọng.

Rễ cam thảo (Licorice Root)

Rễ cam thảo với vị ngọt đặc trưng thường được dùng trong y học cổ truyền để hỗ trợ tiêu hóa, giảm đau họng. Tuy nhiên, nếu bạn bị huyết áp cao, tốt nhất nên tránh các sản phẩm bổ sung hoặc thực phẩm có chứa rễ cam thảo. Lý do là rễ cam thảo chứa axit glycyrrhizinic, hợp chất khiến cơ thể giữ lại natri và có thể làm tăng huyết áp.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả liều thấp axit glycyrrhizinic (100mg) từ rễ cam thảo cũng có thể tăng huyết áp đáng kể khi dùng thường xuyên. Ngoài ra, rễ cam thảo có thể làm giảm nồng độ kali, gây yếu cơ và rối loạn nhịp tim, tạo thêm gánh nặng cho tim.

Thực phẩm bổ sung chứa Caffeine

 Caffeine không chỉ xuất hiện trong cà phê hay trà mà còn là thành phần phổ biến trong nhiều loại thực phẩm bổ sung giúp tăng năng lượng, cải thiện sự tỉnh táo và hiệu suất tập luyện. Ảnh: GETTY IMAGES.

Caffeine không chỉ xuất hiện trong cà phê hay trà mà còn là thành phần phổ biến trong nhiều loại thực phẩm bổ sung giúp tăng năng lượng, cải thiện sự tỉnh táo và hiệu suất tập luyện. Ảnh: GETTY IMAGES.

Caffeine không chỉ xuất hiện trong cà phê hay trà mà còn là thành phần phổ biến trong nhiều loại thực phẩm bổ sung giúp tăng năng lượng, cải thiện sự tỉnh táo và hiệu suất tập luyện. Tuy nhiên, chất kích thích này có thể gây tăng huyết áp tạm thời, trở nên nguy hiểm cho người bị tăng huyết áp.

Một phân tích tổng hợp chỉ ra rằng các sản phẩm bổ sung caffeine có thể làm tăng cả huyết áp tâm thu và tâm trương thêm 2 mmHg. Dù mức tăng này có vẻ nhỏ, đối với người có nguy cơ tim mạch cao, ngay cả sự gia tăng nhẹ cũng đáng lưu tâm.

Lượng caffeine an toàn khác nhau ở mỗi người do khả năng chuyển hóa khác nhau; một lượng nhỏ cũng có thể gây tăng huyết áp ở người nhạy cảm, và mức tăng càng cao khi tiêu thụ càng nhiều.

Yohimbine

Yohimbine là hợp chất chiết xuất từ vỏ cây yohimbe, thường có mặt trong các sản phẩm bổ sung và trà quảng cáo công dụng giảm cân, tăng cường hiệu suất thể thao, cải thiện sức khỏe ... hỗ trợ huyết áp cao. Tuy nhiên, yohimbine tăng huyết áp bằng cách làm tăng nồng độ norepinephrine – một loại hormone và chất dẫn truyền thần kinh. Sự gia tăng này khiến mạch máu co lại, cản trở lưu thông máu và dẫn đến huyết áp cao hơn.

Cây ma hoàng (Ephedra)

Cây hoàng ma trị cảm lạnh, ho, sốt. Nó có thể hỗ trợ giảm cân, tăng cường năng lượng và hiệu suất tập luyện. Tuy nhiên, loại thảo mộc này chứa ancaloit ephedrine, một hợp chất kích thích mạnh có liên quan trực tiếp đến tăng huyết áp, đau tim, đột quỵ và thậm chí là đột tử.

Ephedra còn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị huyết áp và bệnh tim. Mặc dù vậy, ephedrine – hoạt chất của cây ma hoàng – vẫn có thể có mặt trong một số loại thuốc trị dị ứng và hen suyễn. Vì thế, người bệnh huyết áp cao cần đặc biệt cẩn trọng và luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ sản phẩm nào có thành phần này.

PHƯƠNG LÊ

Theo EatingWell

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/5-loai-thuc-pham-bo-sung-can-tranh-neu-ban-bi-huyet-ap-cao-post846527.html