5 mẫu điện thoại này đã góp phần làm nên Android ngày nay

Từ một hệ điều hành non trẻ, Android đã vươn lên trở thành nền tảng di động phổ biến nhất hành tinh, hiện diện trên hàng tỉ mẫu điện thoại.

Tuy nhiên, thành công này không đến trong ngày một ngày hai. Trên hành trình đó, một số chiếc điện thoại tiên phong đã đóng vai trò nền tảng, không chỉ giúp Android khẳng định tên tuổi mà còn định hình cách chúng ta tương tác với smartphone ngày nay.

1. T-Mobile G1 (HTC Dream)

Ra mắt ngày 23-9-2008, T-Mobile G1 (hay HTC Dream) chính là chiếc điện thoại Android thương mại đầu tiên trên thế giới. Sản phẩm mang thiết kế trượt với bàn phím QWERTY vật lý, kết hợp màn hình cảm ứng LCD 3,5 inch. Tuy còn thô sơ và thiếu các tính năng hiện đại, nhưng G1 đã đặt nền móng cho khái niệm “Android là một nền tảng mở và linh hoạt”.

Với hơn một triệu máy được bán ra chỉ trong vòng chưa đầy một năm, T-Mobile G1 không chỉ chứng minh Android có thể cạnh tranh được mà còn gợi mở tiềm năng to lớn cho các nhà phát triển và người dùng yêu thích sự tùy biến.

 Nếu mẫu điện thoại G1 thất bại, có thể hành trình của Android đã rẽ sang hướng khác.

Nếu mẫu điện thoại G1 thất bại, có thể hành trình của Android đã rẽ sang hướng khác.

2. Motorola Droid (hay Motorola Milestone)

Năm 2009, Motorola kết hợp với Verizon tung ra chiếc Droid, hay còn gọi là Motorola Milestone ở một số thị trường, và đây được xem là cột mốc đưa Android ra ánh sáng.

Với cấu hình mạnh (bộ xử lý Cortex-A8 550 MHz, màn hình sắc nét), cùng chiến dịch quảng bá mạnh mẽ "Droid Does" nhấn vào những gì iPhone không có, Motorola Droid nhanh chóng tạo được sức hút lớn tại Mỹ.

Verizon bán hơn một triệu chiếc chỉ trong vòng 74 ngày, khiến Droid trở thành chiếc điện thoại Android thành công nhất thời điểm đó. Quan trọng hơn, nó giúp Android trở thành lựa chọn phổ biến chứ không chỉ là một nền tảng thử nghiệm.

3. Samsung Galaxy S

Năm 2010, Samsung tung ra Galaxy S, mẫu máy đầu tiên trong dòng Galaxy S nổi tiếng, và đây được xem là thiết bị mang tính bước ngoặt trong lịch sử Android.

Với hàng loạt biến thể tùy chỉnh theo từng nhà mạng lớn tại Bắc Mỹ như AT&T Captivate, T-Mobile Vibrant hay Verizon Fascinate, Galaxy S nhanh chóng phủ sóng rộng rãi.

Chỉ trong ba năm đầu tiên, hơn 24 triệu máy Galaxy S được bán ra. Thành công đó không chỉ nâng tầm Samsung thành nhà sản xuất smartphone hàng đầu mà còn củng cố vị thế Android trong mắt người dùng phổ thông toàn cầu.

Về sau, dòng Galaxy S tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong hệ sinh thái Android, cạnh tranh trực tiếp với iPhone trong phân khúc cao cấp.

4. Google Nexus One

Nexus One đánh dấu bước đi đầu tiên của Google trong việc tạo ra chiếc điện thoại mang thương hiệu riêng. Sản xuất bởi HTC nhưng được thiết kế theo định hướng phần mềm của Google, Nexus One chạy phiên bản Android nguyên bản, không có tùy biến từ nhà sản xuất.

Dù không đạt thành công thương mại, chủ yếu vì hạn chế trong kênh phân phối và thiếu hỗ trợ từ các nhà mạng lớn nhưng Nexus One vẫn tạo ra tác động lớn. Nó trở thành thiết bị mẫu cho các nhà phát triển, nhận cập nhật Android sớm nhất, và đặt nền móng cho triết lý Google Phone mà sau này dòng Pixel kế thừa.

5. ZTE Blade

Trong khi nhiều hãng theo đuổi phân khúc cao cấp, thì ZTE (Trung Quốc) đã chọn con đường khác. Với chiếc Blade ra mắt năm 2010, ZTE chứng minh rằng smartphone Android giá rẻ vẫn có thể hoạt động tốt và mang lại trải nghiệm ổn định.

Chỉ trong năm đầu tiên, hơn 8 triệu chiếc ZTE Blade được bán ra, con số này vượt mốc 20 triệu vào năm 2014. Nhờ mức giá dễ tiếp cận và được phân phối rộng rãi qua các nhà mạng với nhiều tên gọi khác nhau như Orange San Francisco hay Dell XCD35, ZTE Blade tiếp cận hàng triệu người dùng lần đầu sở hữu smartphone.

Không chỉ vậy, Blade còn được cộng đồng modding ưa chuộng nhờ khả năng “vọc vạch”, tạo tiền đề cho sự phổ cập của Android tại các thị trường mới nổi.

Nhìn chung, mỗi chiếc điện thoại trong danh sách này là một mảnh ghép quan trọng, mang đến bước nhảy vọt cho hệ sinh thái Android ngày nay.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/5-mau-dien-thoai-nay-da-gop-phan-lam-nen-android-ngay-nay-post850526.html