Gặp người kéo dài vòng đời tấm pin năng lượng mặt trời

TS. Đỗ Thế Cần và các cộng sự phát triển thành công công nghệ sạch tái chế tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ giúp tái sử dụng đến 92% tấm pin.

Từ "bài toán" rác thải pin mặt trời đến ý tưởng khởi nghiệp công nghệ sạch

Hướng đến phát triển bền vững, giai đoạn 2017 - 2020, Việt Nam “bùng nổ” nhiều dự án điện mặt trời. Đi cùng với sự phát triển của các dự án, “bài toán” về xử lý tấm pin năng lượng mặt trời thải ra sau khi hết thời gian sử dụng (khoảng 20 đến 30 năm) hay xử lý các tấm pin bị hư hỏng do các yếu tố như thiên tai, bão lũ… cũng được đặt ra.

Có 3 cách thức để xử lý tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ: Lưu trữ; chôn lấp; tái chế. Đối với việc lưu trữ chỉ mang tính ngắn hạn. Việc chôn lấp tấm pin năng lượng mặt trời với nhiều kim loại nặng có thể gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Vì vậy, giải pháp tốt nhất để xử lý là tái chế.

Dự án khởi nghiệp 5RTech ra đời đón đầu nhu cầu xử lý tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ tại Việt Nam trong những năm tới theo hướng công nghệ sạch, bền vững, không gây ô nhiễm môi trường

Dự án khởi nghiệp 5RTech ra đời đón đầu nhu cầu xử lý tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ tại Việt Nam trong những năm tới theo hướng công nghệ sạch, bền vững, không gây ô nhiễm môi trường

Hiện nay, trên thế giới đã có những nghiên cứu các công nghệ về xử lý tấm pin năng lượng mặt trời. Các công nghệ này sẽ thuộc 2 nhóm chính: Tái chế mà có gây ô nhiễm môi trường; tái chế mà không gây ô nhiễm môi trường.

Đón bắt được nhu cầu này, Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT (đơn vị chuyên nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới), Đại học Đà Nẵng đã đưa ra ý tưởng tìm kiếm một giải pháp công nghệ tái chế tấm pin năng lượng mặt trời để kéo dài vòng đời sử dụng của tấm pin mà không gây ô nhiễm môi trường.

Hiện thực hóa ý tưởng, năm 2021, Dự án 5RTech, dự án chuyên về xử lý tấm pin năng lượng mặt trời thải, được ra đời, người trực tiếp thực hiện ý tưởng này là TS. Đỗ Thế Cần, Giảng viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Chúng tôi gặp TS. Đỗ Thế Cần khi anh vừa có chuyến công tác tại Hoa Kỳ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư Hoa Kỳ năm 2025 (Select USA investment summit 2025). “5RTech là dự án khởi nghiệp duy nhất của Việt Nam về năng lượng sạch được mời tham dự Hội nghị này”, TS. Đỗ Thế Cần chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.

Tái sử dụng 92% tấm pin mặt trời thải bỏ

Giới thiệu về dây chuyền công nghệ xử lý pin mặt trời thải, TS. Đỗ Thế Cần cho biết, anh cùng nhiều cộng sự đã mất 2 năm để nghiên cứu và hoàn thiện từng công đoạn cho dây chuyền này.

TS. Đỗ Thế Cần (ở giữa) cùng dây chuyền công nghệ 5RTech với 100% hàm lượng công nghệ được nghiên cứu bởi người Việt Nam

TS. Đỗ Thế Cần (ở giữa) cùng dây chuyền công nghệ 5RTech với 100% hàm lượng công nghệ được nghiên cứu bởi người Việt Nam

Dây chuyền xử lý gồm 5 công đoạn chính: Phân loại pin, tách các thành phần thô, tách kính, nghiền, tách các loại kim loại, phi kim.

Giải thích về quy trình xử lý tái chế một tấm pin mặt trời thải bỏ, TS. Đỗ Thế Cần cho biết, tấm pin năng lượng mặt trời khi đưa vào hệ thống máy sẽ được đo lường mức độ sử dụng. Nếu không thể sử dụng nữa (để tích điện), tấm pin sẽ được đưa sang bộ phận tách các phần thô như khung nhôm; sau đó sẽ đến công đoạn tách kính, nhiệm vụ của công đoạn này là tách tấm kính cường lực ở tấm pin ra nguyên vẹn nhất có thể; sau đó, phần còn lại của tấm pin sẽ được đưa vào công đoạn nghiền và cuối cùng sẽ được tách riêng biệt kim loại hoặc phi kim.

“Hầu như tất cả các bộ phận cấu thành nên tấm pin mặt trời sau khi được tách rời đều có thể tái sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành khác như công nghiệp hàng không vũ trụ, ngành xây dựng, ngành nông nghiệp… Tỷ lệ tái sử dụng của tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ sau khi tái chế lên tới 92%”, GS.TSKH Lê Thành Nhân, Viện trưởng Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT cho hay.

Khi nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ tái chế pin mặt trời thải bỏ, 5R-Tech hướng tới 2 thị trường: Trong nước và quốc tế. Thị trường trong nước là nhu cầu trong tương lai, nhưng trên thế giới hiện lượng pin thải ra đã rất lớn.

“Xử lý pin mặt trời thải bỏ có 2 vấn đề lớn: Nếu dùng chi phí thấp (chôn lấp) sẽ gây ô nhiễm môi trường; nếu sử dụng công nghệ tái chế sạch, chi phí rất lớn. Công nghệ 5R-Tech nghiên cứu giải quyết được các vấn đề này. Thứ nhất, đây là công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Thứ hai, chi phí xử lý pin thải bỏ thấp hơn so với nguồn thu từ việc tái sử dụng các bộ phận sau khi xử lý. Dây chuyền cũng có thể coi là một điển hình về mô hình kinh tế tuần hoàn”, GS.TSKH Lê Thành Nhân nhận xét.

Niềm tự hào lớn nhất là làm chủ công nghệ

TS. Đỗ Thế Cần cho biết, sản phẩm công nghệ tái chế pin mặt trời đã nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng R&D lĩnh vực năng lượng sạch thế giới. Điển hình, dự án này đã đạt giải nhất trong một cuộc thi về khởi nghiệp do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức. Đơn vị cũng nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ đến từ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư Hoa Kỳ năm 2025 diễn ra từ 11 đến 14/5/2025 tại Hoa Kỳ (Ảnh: NVCC)

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư Hoa Kỳ năm 2025 diễn ra từ 11 đến 14/5/2025 tại Hoa Kỳ (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, theo TS. Đỗ Thế Cần, niềm tự hào lớn nhất của anh là làm chủ công nghệ. “Đây là dây chuyền xử lý, tái chế tấm pin mặt trời đầu tiên tại Việt Nam và 100% công nghệ do người Việt Nam nghiên cứu. Chúng tôi tự hào khi làm chủ công nghệ hoàn toàn”, TS. Đỗ Thế Cần chia sẻ và cho biết thêm: “Điểm độc đáo của dây chuyền này là từng công đoạn trong dây chuyền đều có thể hoạt động độc lập. Tùy theo nhu cầu, mục đích của doanh nghiệp, có thể đặt hàng riêng modul. Ví dụ như công đoạn đầu tiên là phân loại pin bởi rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng để đo lường mức độ hiệu quả của tấm pin mặt trời”.

Chia sẻ về những trợ lực để hoàn thành dây chuyền công nghệ, GS.TSKH Lê Thành Nhân cho biết, dự án nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía thành phố Đà Nẵng trong việc hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu đổi mới sáng tạo. “Năm 2024, dự án được thành phố hỗ trợ 250 triệu đồng. Năm nay, chúng tôi tiếp tục được thành phố trợ lực để thương mại hóa thành công sản phẩm. Đây là sự đồng hành vô cùng có ý nghĩa đối với dự án”, GS.TSKH Lê Thành Nhân cho hay.

TS. Đỗ Thế Cần cho hay, đơn vị đang nỗ lực để đáp ứng điều kiện vào hoạt động trong khu R&D của Khu công nghệ cao Đà Nẵng. “Thành phố Đà Nẵng rất tạo điều kiện, nhưng hiện dự án chưa đáp ứng quy định về vốn. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư Hoa Kỳ 2025, bên cạnh việc học hỏi thêm các kinh nghiệm để hoàn thiện thêm sản phẩm, chúng tôi đã gặp gỡ được nhiều nhà đầu tư để tìm kiếm cơ hội kêu gọi hợp tác đầu tư để hoàn thiện quy trình công nghệ tối ưu nhất”, TS. Đỗ Thế Cần thông tin..

Từ nhu cầu xử lý pin mặt trời thải bỏ, TS. Đỗ Thế Cần cùng nhóm nghiên cứu tại Đại học Đà Nẵng đã phát triển công nghệ tái chế sạch, giúp tái sử dụng tới 92% vật liệu mà không gây ô nhiễm môi trường. Dự án 5RTech không chỉ mở ra triển vọng xử lý pin mặt trời thải bỏ tại Việt Nam trong tương lai hiệu quả, mà còn trở thành niềm tự hào khi hoàn toàn do người Việt làm chủ công nghệ.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gap-nguoi-keo-dai-vong-doi-tam-pin-nang-luong-mat-troi-388277.html