5 mối nguy hiểm chết người của cúm từ sự ra đi của Từ Hy Viên
Trên thực tế, virus cúm không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Sự ra đi đột ngột của nữ diễn viên Từ Hy Viên do cảm cúm và viêm phổi khiến showbiz Hoa ngữ và người hâm mộ đau xót. Bên cạnh nỗi tiếc thương, không ít người bàng hoàng trước thực tế rằng cúm - một căn bệnh phổ biến - vẫn có thể dẫn đến tử vong.
Dù là bệnh lý thường gặp, cúm vẫn bị hiểu sai và xem nhẹ, dẫn đến sự chủ quan trong phòng ngừa và chậm trễ điều trị.
Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong
Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm (Influenza) gây ra. Bệnh lây lan chủ yếu qua giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với bề mặt có virus.
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết diễn tiến bệnh thường kéo dài trong khoảng một tuần. Trong hai ngày đầu nhiễm virus, người bệnh có thể chưa có triệu chứng. Đến ngày thứ ba, các dấu hiệu như sốt nhẹ, nhức đầu, đau mỏi cơ, ho khan, đau họng, nghẹt mũi xuất hiện đột ngột.
Sang ngày thứ tư, bệnh bước vào giai đoạn toàn phát với sốt cao, đau nhức cơ nhiều hơn, khàn tiếng, ho, tức ngực và mệt mỏi. Một số trường hợp có thể bội nhiễm vi khuẩn, dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết.
Diễn biến này tương tự tình trạng của Đại S. Theo Sina, hôm 29/1, cô bắt đầu có dấu hiệu hen suyễn nhưng vẫn quyết định đến Nhật Bản để không ảnh hưởng đến kế hoạch gia đình. Sau đó, cô được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện nhỏ ở Kanagawa tối 31/1 (mùng 3 Tết).
Đến ngày 1/2, Hy Viên tiếp tục chuyển đến bệnh viện khác ở Tokyo và được xác định nhiễm cúm A. Chỉ một ngày sau, bệnh diễn biến nặng và tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, virus cúm không trực tiếp gây tử vong. Thay vào đó, các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi bội nhiễm, viêm cơ tim, viêm não, suy đa tạng và nhiễm trùng huyết mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Bên cạnh đó, bệnh cúm có thể làm trầm trọng thêm các bệnh nền sẵn có như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, suy thận, suy gan… Khi đó, người bệnh mất khả năng kiểm soát bệnh, dễ rơi vào đợt cấp nguy hiểm.
Đặc biệt, ở những nhóm có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người cao tuổi, người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch, phụ nữ mang thai… bệnh cúm làm hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng.
Theo Hk01, trong trường hợp của Từ Hy Viên, với nền sức khỏe vốn không tốt ngay từ ban đầu khiến cô có hệ miễn dịch rất yếu. Nữ minh tinh từng sảy thai hai lần, lần đầu vào năm 2011 và lần thứ hai sau đó 7 năm. Khi mang thai đứa con thứ ba, cô phát hiện phôi thai đã ngừng phát triển và buộc phải bỏ thai.
Năm 2016, trong quá trình sinh con trai, cô lên cơn động kinh, ngừng thở và mất nhịp tim, suýt tử vong trên bàn mổ. Một năm sau, cô bị ngất xỉu do bệnh tim, co giật do động kinh và phải nhập viện cấp cứu. Chưa đầy một năm sau đó, nữ diễn viên tiếp tục phải nhập viện vì cảm lạnh kéo dài.
Mối quan tâm của y tế toàn cầu
Bác sĩ Minh cho biết một trong những yếu tố then chốt dẫn đến tử vong do cúm là bệnh không được phát hiện sớm để can thiệp kịp thời và hỗ trợ tổng trạng phù hợp.
Theo nguồn tin độc quyền của Next Apple, ngay khi đến Nhật Bản, Từ Hy Viên bị ho dữ dội. Tuy nhiên, nữ minh tinh không được cứu chữa kịp thời do quy trình liên quan tới khám, chữa bệnh, cấp cứu tại Nhật Bản. Cô được đưa tới một bệnh viện nhỏ tại địa phương và tình trạng ngày càng xấu đi.
Khi được chuyển về Tokyo, các bác sĩ cũng không có những biện pháp ứng phó thích hợp với một bệnh nhân có nhiều bệnh nền và sức khỏe kém như Từ Hy Viên. Nữ diễn viên không được làm các biện pháp hồi sức tích cực, trong đó có ECMO hay còn được gọi là tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể. Trong bệnh án của Từ Hy Viên, nguyên nhân gây ra tử vong cuối cùng được ghi là nhiễm trùng huyết.
Một yếu tố khác khiến tình trạng bệnh cúm trở nên nghiêm trọng hơn là sự xuất hiện của các biến chủng virus mới, trong khi cơ thể chưa có sự bảo vệ từ vaccine.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, virus cúm liên tục biến đổi và tiến hóa về mặt di truyền thông qua các đột biến nhỏ và tái tổ hợp gene. Trong một mùa cúm, có thể có từ 3-4 chủng lưu hành và gây bệnh. Bác sĩ Alicia Fry, chuyên gia tại Bộ phận Cúm của CDC cho biết ngay cả khi vaccine phù hợp - tức các chủng virus gây bệnh phổ biến trùng khớp với các chủng được sử dụng để sản xuất vaccine - một số người vẫn có thể bị mắc cúm.
Trong thời điểm đông - xuân hiện tại, dịch cúm đang là mối quan tâm hàng đầu của y tế toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 3-5 triệu ca bệnh cúm nặng và từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong trên toàn thế giới.
Trong mùa đông cuối năm 2024 và thời điểm đầu năm 2025, nhiều quốc gia đang đối mặt với sự bùng phát mạnh mẽ của dịch cúm. Tại Nhật Bản, nơi nữ diễn viên đã có chuyến đi cùng gia đình, số ca mắc cúm đã đạt mức cao nhất trong 25 năm qua.
Theo Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 22 đến 29/12/2024, có tổng cộng 317.812 ca mắc cúm mới, tăng 100.000 trường hợp so với tuần trước đó. Đáng lo ngại, đã xuất hiện các biến chứng liên quan đến não và phổi, đặc biệt là ở trẻ em, thậm chí đã có trường hợp tử vong.
Tại Hàn Quốc, đây là đợt bùng phát lớn nhất kể từ năm 2016, với số ca bệnh tăng nhanh, đặc biệt ở thanh thiếu niên. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) báo cáo đã có ít nhất 5,3 triệu ca mắc cúm, 63.000 ca nhập viện và hơn 2.700 ca tử vong, bao gồm cả trẻ em trong đợt dịch này.
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả và giảm nguy cơ biến chứng, tiêm vaccine cúm hàng năm là biện pháp tối ưu. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều nên tiêm vaccine cúm mỗi năm để tăng cường miễn dịch, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người có bệnh lý nền.