5 món ăn từ thịt gà đen vùng cao thơm ngon, giàu dinh dưỡng

Gà đen là giống gà bản địa quý hiếm có nguồn gốc ở miền núi phía Bắc, được người dân chăn thả tự nhiên trên nương, đồi. Các món ăn từ gà đen nổi tiếng thơm ngon và giàu dinh dưỡng.

Nội dung

1. Gà đen vùng cao khác biệt như thế nào?

2. Cách chế biến một số món ngon giàu dinh dưỡng từ gà đen

1. Gà đen vùng cao khác biệt như thế nào?

Gà đen vùng cao hay còn gọi là gà Mông đen, là một giống gà bản địa có nguồn gốc ở miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Hà Giang..., được người dân vùng cao, trước đây chủ yếu là đồng bào Mông chăn thả tự nhiên trên nương, đồi. Gà đen bản địa khác với loài gà khác, đặc điểm nổi bật nhất là xương đen, thịt đen, phủ tạng đen và da ngăm đen.

Giống gà đen của người Mông thích nghi tốt với nhiều điều kiện thời tiết, khí hậu và phù hợp với phương thức chăn thả tự nhiên. Khi nuôi khoảng 6 tháng, gà đạt đến độ trưởng thành, gà trống có cân nặng từ 1,8 - 2,5kg, gà mái từ 1,5 - 2kg. Để gà có thể sinh sản được, người nuôi phải chăm sóc từ 8-10 tháng.

Về công dụng của sản phẩm gà đen bản địa vùng cao, theo hệ thống truy xuất nông sản Lào Cai, gà xương đen là giống gà quý hiếm mà xương, thịt, da chân, lông đều có màu đen có giá trị dinh dưỡng cao, vừa dùng làm thực phẩm vừa dùng làm thuốc quý trong dân gian. Ưu điểm của gà xương đen là thịt ngọt, quả trứng to, có màu xanh, tỷ lệ lòng đỏ cao nên rất được thị trường ưa chuộng.

Giống gà đen của người Mông bản địa.

Giống gà đen của người Mông bản địa.

Thịt gà đen vùng cao rất săn chắc, ít mỡ và đặc biệt thơm ngon hơn hẳn các giống gà khác. Cùng với do chăn thả tự nhiên, ít năng suất hơn các giống gà khác nên giá thành của gà đen vùng cao cũng khá cao, từ 180 đến hơn 200 nghìn/kg. Gà thương phẩm trong dân nuôi chủ yếu bán cho các nhà hàng, khách sạn ở các tỉnh vùng cao để chế biến thành các món ăn đặc trưng phục vụ khách du lịch.

2. Cách chế biến một số món ngon giàu dinh dưỡng từ gà đen

Gà đen vùng cao có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon và giàu dinh dưỡng như: gà hấp, gà nướng, gà rang, canh gà, phở gà, nấu cháo, nấu lẩu, hầm thuốc… Đặc biệt, khi chế biến loại gà này không cần nhiều gia vị vì thịt gà đen vốn đã rất thơm ngon.

2.1. Gà đen hấp

Gà đen hấp là món chế biến đơn giản nhất và giữ được trọn vị ngon, ngọt đặc biệt của thịt gà. Gà tươi làm sạch, chỉ cần ướp một chút gia vị, vài lát gừng, hấp chín tới. Thịt gà đen hấp chín da căng bóng, mọng nước, thịt săn chắc nhưng không bị dai và vị thịt rất thơm ngọt. Khi ăn chấm với muối tiêu chanh, đặc biệt chấm với chẩm chéo rất ngon.

Gà đen hấp.

Gà đen hấp.

2.2. Gà đen nướng

Gà đen nướng là món ăn phổ biến của đồng bào Mông. Món ăn này chế biến công phu và tỉ mỉ. Tùy theo khẩu vị của mỗi nơi mà ướp gia vị khác nhau. Gà đen được làm sạch, đơn giản nhất là ướp với các loại gia vị thông thường như: hành, tỏi, gừng, hạt tiêu, nước mắm, dầu ăn. Nhưng gà đen nướng ướp với các gia vị thảo mộc vùng cao như: tiêu rừng, mắc khén, hạt dổi, mật ong rừng… sẽ cho hương vị vô cùng lạ miệng, ăn một lần nhớ mãi.

Công đoạn nướng gà trên bếp than cũng khá kỳ công vì phải chú ý lật, xoay liên tục không để bị bén lửa cháy, lớp da gà phải có màu vàng ruộm, giòn, thịt chín mềm.

Gà đen nướng.

Gà đen nướng.

2.3. Canh gà đen

Cách làm canh gà đen rất đơn giản: Gà đen làm sạch, chặt miếng vừa ăn, ướp với gia vị và gừng tươi đập giập. Sau đó cho chút dầu vào chảo nóng, xào gà cho thơm rồi đổ xâm xấp nước, đun sôi chín thịt sẽ cho một món canh bổ dưỡng. Đây là món ăn phổ biến thường được bà con vùng cao dùng để tẩm bổ cho người ốm và phụ nữ sau sinh.

2.4. Gà đen rang gừng

Chế biến món gà đen rang gừng như món canh gà như trên, tuy nhiên chỉ xào chín thịt chứ không thêm nước. Gà đen rang gừngphù hợp với những người thích ăn món khô hoặc ít nước, ăn với cơm rất ngon miệng.

Gà đen rang gừng.

Gà đen rang gừng.

2.5. Cháo gà đen

Món cháo gà đen ăn rất ngon và bổ dưỡng, nhất là những người ốm cần bồi bổ. Cách làm: Cho khoảng 1,5 lít nước vào nồi, thả vào một ít gừng, đến khi đun nước sôi cho gà vào, đun nhỏ lửa hầm khoảng 20 phút thì cho gạo tẻ vào, tiếp tục hầm đến khi thấy thịt gà và gạo có mùi thơm quyện vào nhau và bắt đầu nhừ thì nêm các gia vị là ăn được. Có thể nấu cháo gà đen cùng với đậu xanh ăn dễ tiêu và bổ dưỡng.

Vân Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-mon-an-tu-thit-ga-den-vung-cao-thom-ngon-giau-dinh-duong-16924082916080827.htm