5 năm sau cuộc 'chia tay thế kỷ', Anh và EU lại bắt tay làm điều ngược hẳn làn sóng thời ông Trump

Thỏa thuận lịch sử giữa Anh và EU ngày 19/5 đánh dấu bước ngoặt tái lập quan hệ London - Brussels hậu Brexit, mở ra kỷ nguyên hợp tác mới. Liệu đây có phải tín hiệu cho xu hướng mới trước những thách thức địa chính trị và kinh tế?

Thỏa thuận bước ngoặt

Ngày 19/5, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự “tái lập quan hệ” giữa hai bên sau hơn 5 năm kể từ khi Anh rời EU (Brexit) vào ngày 31/1/2020. Bên cạnh thỏa thuận "Quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng", Anh và EU còn ký kết một thỏa thuận chung về thương mại và quyền đánh bắt cá.

Hai bên nhất trí dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đối với hàng xuất khẩu của Anh sang EU với 27 quốc gia thành viên để đổi lấy việc Anh gia hạn quyền đánh bắt cá của EU tại vùng biển nước này thêm 12 năm nữa.

Hai bên cũng cam kết kết nối hệ thống giao dịch khí thải và mở rộng mạng lưới điện chung, giúp giảm chi phí năng lượng và thúc đẩy mục tiêu trung hòa khí carbon.

Thủ tướng Keir Starmer (giữa), cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tại Lancaster House, London hôm 19/5. Ảnh: NYT

Thủ tướng Keir Starmer (giữa), cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tại Lancaster House, London hôm 19/5. Ảnh: NYT

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho rằng thỏa thuận nói trên "đánh dấu một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ song phương" và hai bên “đang nhất trí về một quan hệ đối tác chiến lược mới phù hợp với thời đại".

Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh về “một chương mới" trong quan hệ hai bên giữa lúc căng thẳng địa chính trị trên thế giới gia tăng.

Thỏa thuận Anh và EU đạt được trong bối cảnh hơn 5 năm kể từ khi Anh chính thức rời EU vào cuối tháng 1/2020, trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi khối này kể từ năm 1973. Sự kiện Brexit là kết quả của cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 và quá trình đàm phán kéo dài hơn 3 năm sau đó.

Tuy nhiên, hậu quả kinh tế của Brexit nhanh chóng bộc lộ: thương mại hàng hóa với EU sụt giảm, chuỗi cung ứng gián đoạn và đầu tư nước ngoài trì trệ.

Tín hiệu cho xu hướng mới trên thế giới?

Có thể thấy, Thủ tướng Anh Keir Starmer và chính phủ Công đảng có cách tiếp cận ôn hòa hơn. Thay vì kiên định với tư duy “thoát ly” như thời Boris Johnson, ông Starmer ưu tiên “kết nối thông minh” để khôi phục lợi ích kinh tế và chiến lược.

Trong khi đó, EU cũng mong muốn củng cố sự đoàn kết châu Âu trước các thách thức địa chính trị, từ xung đột Ukraine đến những ảnh hưởng kinh tế từ các chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiệm kỳ thứ hai.

Đối với nước Anh, thỏa thuận có thể sẽ giúp khôi phục thương mại và đầu tư, đồng thời củng cố vị thế chiến lược trong an ninh châu Âu.

Còn với EU, đây là cơ hội để duy trì sự đoàn kết nội khối và tận dụng Anh như một đối tác chiến lược trước các thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, Anh vẫn không quay lại thị trường chung hay liên minh thuế quan EU cho thấy sự cân bằng giữa hợp tác và bảo vệ chủ quyền.

Thỏa thuận EU - Anh ngày 19/5 không chỉ là một bước tiến trong quan hệ song phương, mà còn được xem là tín hiệu cho một xu hướng mới trên toàn cầu. Đó có thể là sự chuyển dịch từ chủ nghĩa dân túy và bảo hộ mậu dịch ở một số nước sang hợp tác thực dụng và tư duy dài hạn.

Sau một thập kỷ với làn sóng chống toàn cầu hóa, chống nhập cư, phản đối các thỏa thuận thương mại, từ Brexit đến chính sách “America First” của ông Donald Trump, một số chính phủ dường như đang tính tới chính sách hợp tác “có điều kiện” để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Trên thực tế, xu hướng bảo hộ đặt ra nhiều câu hỏi về sự hiệu quả của các chính sách này. Brexit khiến kinh tế Anh tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, chính sách bảo hộ của ông Trump khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại làm tăng chi phí sản xuất và giá tiêu dùng tại Mỹ.

Tại Anh, cách tiếp cận chính sách của ông Keir Starmer rõ ràng theo hướng ôn hòa hơn, ưu tiên lợi ích kinh tế và hợp tác chiến lược. Tương tự, ở châu Âu, các đảng dân túy như AfD (Đức) hay RN (Pháp) cũng điều chỉnh chiến lược, giảm xu hướng cực đoan để thu hút cử tri trung dung. Ngay cả Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, từng là biểu tượng của cánh hữu, còn làm trung gian cho cuộc đàm phán EU - Mỹ.

Thỏa thuận EU - Anh có lẽ là minh chứng cho sự hồi phục của tư duy thực dụng hơn trong chính sách quốc tế. Thay vì đề cao bảo hộ, Anh và EU chọn cách hợp tác linh hoạt, tối ưu hóa lợi ích kinh tế và an ninh mà không từ bỏ các giá trị cốt lõi.

Đáng chú ý, xu hướng hợp tác thực dụng này không chỉ giới hạn ở châu Âu. Tại Mỹ, dù ông Trump đã gặt hái được nhiều kết quả từ các chính sách của mình sau khi ông nhậm chức trở lại vào tháng 1/2025, nhưng nhiều doanh nghiệp lớn và giới hoạch định chính sách tỏ ra thận trọng với chính sách bảo hộ này.

Dù vậy, thỏa thuận Anh - EU hay mới đây là đàm phán Mỹ - Trung Quốc có thể chỉ là sự khởi đầu. Quá trình sắp xếp lại mối quan hệ là một hành trình dài, theo thời gian có thể sẽ đưa các bên lại gần nhau hơn.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thoa-thuan-lich-su-anh-eu-tin-hieu-nguoc-chieu-lan-song-thoi-ong-trump-2402826.html