5 'nguyên tắc sống còn' nơi làm việc mà người EQ cao âm thầm nắm rõ, bảo sao họ hay được yêu mến, dễ thăng tiến
Người EQ cao có thể nhận được sự yêu thương, tôn trọng từ cấp trên, đồng nghiệp vì cách xử sự khéo léo của mình.
Những người có trí tuệ cảm xúc cao thường nổi bật ở mọi nơi. Dù trong hoàn cảnh nào, người EQ cao cũng có thể khẳng định sự khôn ngoan, thông tuệ.
Dưới đây chính là những điểm chung của người có trí tuệ cảm xúc cao ở nơi làm việc:
1. Không có việc làm ổn định, chỉ có năng lực ổn định
Gần đây, trên trang hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc Zhihu, một người dùng mạng đặt câu hỏi: "Tôi nhận được hai cơ hội việc làm, làm ở công ty nước ngoài sẽ nhận được lương gấp ba lần so với làm cho doanh nghiệp nhà nước, tôi nên chọn cơ hội nào?".
Trong hàng trăm bình luận, số lớn khuyên người này nên vào doanh nghiệp nhà nước, bởi tính ổn định.
Cái gọi là "công việc ổn định" có hai ý nghĩa: Một là không sợ bị thất nghiệp, hai là có thể bảo đảm đầy đủ nhu cầu cuộc sống.
Tuy nhiên làm một công việc ổn định không có nghĩa chỉ cần có được công việc đó là bạn sẽ kê cao gối ngủ, vô lo vô nghĩ.
Thế gian này không có công việc nào là tự nhiên ổn định, điều mà chúng ta thực sự cần là năng lực kiếm sống ổn định. Và đằng sau năng lực ổn định là học, học nữa, học mãi.
Muốn rèn luyện mình trở thành một người chuyên nghiệp, có năng lực ổn định, bạn phải luôn tự hỏi bản thân đã học được điều gì mới, đã mở mang hiểu biết chưa.
Điều thúc đẩy bạn thay đổi là sự tự tin, là năng lực không thể thay thế, và dũng khí bước ra khỏi vùng an toàn, trải nghiệm những điều mới lạ, tiếp nhận thử thách.
2. Hãy làm tốt nhưng đừng phô trương
Ở nơi làm việc sự khiêm tốn dường như là một lời khen ngợi, bởi vì những người có quyền lực đều biết cách trở nên khiêm tốn.
Rất nhiều người thể hiện năng lực rất cao, đạt hiệu suất công việc vượt trội, có thể được cấp trên đánh giá tốt nhưng lại gây ảnh hưởng tới tinh thần của các đồng nghiệp khác.
Điều này cho chúng ta biết rằng, phải giữ thái độ khiêm nhường trong công việc của mình; mọi người đều có thể cố gắng hết sức và làm tốt công việc, nhưng bạn phải tránh tạo ra cảm giác phô trương.
Nếu không trưởng nhóm hoặc đồng nghiệp của bạn sẽ nghĩ bạn thích thể hiện, tạo ra "nguy hiểm" đe dọa tới quyền lợi của những người xung quanh.
Ở nơi làm việc, chỉ khi nào học được cách giữ thái độ khiêm tốn, bạn mới có thể tránh phô trương lợi thế của mình.
Vì vậy, để hòa đồng tốt hơn với mọi người, chúng ta phải học cách giữ thái độ khiêm tốn.
3. Kỉ luật tạo nên trái ngọt
Đi làm thuê chính là một hình thức để rèn giũa tính kỉ luật của bản thân.
Vì khi có người giám sát, chỉ đạo, bạn sẽ học thêm được nhiều bài học kinh nghiệm từ những người đi trước, không chỉ bồi dưỡng thêm về chuyên môn mà năng lực cũng được cải thiện.
Ngay cả việc tuân theo những lời đề nghị làm việc của cấp trên, bạn cũng sẽ gặt hái được hiệu quả cao trong công việc.
Còn nếu cố ý chống đối với sếp, bạn sẽ chẳng thể tập trung vào công việc mình đang làm.
Bạn nên biết, phải trải qua như thế nào, năng lực ra sao, những người lãnh đạo mới có thể "ngồi được vị trí không ai phải cũng ngồi được".
4. Không nói chuyện về gia đình ở nơi làm việc
Ở nơi làm việc, tốt nhất chúng ta nên hạn chế tối đa nói về chuyện gia đình, dù là cá nhân hay gia đình người khác.
Nếu là những chuyện không hay, thì bạn lại càng không nên thể hiện hay kể lể thái quá.
Mặc dù bề ngoài mọi người đều có vẻ tốt bụng, thông cảm, nhưng không ai biết họ đang thực sự nghĩ gì.
Hơn nữa, ở môi trường công sở, có rất nhiều người ganh đua và ghen tị lẫn nhau.
Bạn cũng khó có thể nhận biết, liệu đối phương có thực sự thông cảm cho bạn hay không, hay sẽ lấy đó làm điểm yếu để uy hiếp bạn.
Chuyện gia đình, là những câu chuyện mang tính cá nhân cao. Có những đồng nghiệp xấu tính, khi nghe được những câu chuyện đó, sẽ đi kể cho người khác với nhiều hướng xấu, hoặc xuyên tác nó đi.
Đương nhiên cũng sẽ có những người thông cảm, nhưng đó cũng chỉ là cảm xúc tức thời, và họ sẽ nhanh chóng quên đi.
Vậy nên, hãy cố gắng hạn chế tối đa việc kể chuyện gia đình tại nơi làm việc để tránh những điều không mong muốn xảy ra.
5. Làm việc nhỏ, nhưng đừng mặc định đó là nhiệm vụ của mình
Ở nơi làm việc, nhiều người tin vào quan điểm "làm tốt những việc nhỏ, sếp có thể tin tưởng những việc lớn cho bạn".
Thật không may, điều này không phải luôn luôn xảy ra trong cuộc sống thực.
Đôi khi, nếu bạn đang làm những việc nhỏ nhặt, mọi người sẽ coi đó là một phần nhiệm vụ đương nhiên mà bạn đảm nhận.
Một cô gái làm tài chính trong một công ty rất thích sạch sẽ, việc đầu tiên sau khi tan sở mỗi ngày là dọn dẹp hai tầng của văn phòng.
Sau một thời gian dài, mọi người đã quen với việc làm của cô ấy.
Do đó, cô gái này mãi không thể thoát được vị trí nhân viên tài chính cấp dưới của công ty, không được thăng chức hay tăng lương nhiều.
Mọi công ty đều có một loạt những việc nhỏ không tên. Nếu bạn bằng lòng với việc làm những việc đó trong một thời gian dài, bạn có nguy cơ bị đóng khung là một người chỉ làm những việc đó.
Để không rơi vào "cái bẫy" này, chúng ta nên học cách chủ động và nỗ lực cho những nhiệm vụ quan trọng hơn đối với bản thân để thể hiện giá trị năng lực lớn hơn của mình.