5 nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Y tế gửi đến Công đoàn Y tế Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028
Với phương châm 'Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển', 250 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 51.000 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đã về dự Đại hội Công đoàn Y tế Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Đại hội Công đoàn Y tế Việt Nam nhiệm kỳ này được chọn là đại hội điểm của khối Công đoàn ngành Trung ương.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị diễn ra ngày 20/7 có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến và nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, các Vụ/Cục/ Viện/đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế dự hội nghị.
3 khâu đột phá của Công đoàn y tế Việt Nam trong nhiệm kỳ 2023 - 2028
Phát biểu khai mạc tại Đại hội, đồng chí Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam lần thứ XIII cho biết: Đại hội có nhiệm vụ tiến hành đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Y tế Việt Nam lần thứ XIII; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023 - 2028; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Y tế Việt Nam (khóa XIII), bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt trong Ban Chấp hành Công đoàn và Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Y tế Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028; cho ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Công đoàn Việt Nam (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Điều lệ Công đoàn Việt Nam; bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.
Trình bày báo cáo tại Đại hội, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam lần thứ XIII cho biết: Công đoàn Y tế Việt Nam hiện đang quản lý trực tiếp quản lý 108 công đoàn cơ sở (CĐCS) với tổng số 51.555 đoàn viên, trong đó đoàn viên nữ chiếm trên 60%; đồng thời phối hợp chỉ đạo 63 Công đoàn ngành y tế tỉnh, thành phố.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, hoạt động của các cấp Công đoàn Y tế Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tương đối thuận lợi. Từ cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 bùng phát thì tất cả cán bộ y tế trở thành lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc các bệnh thường quy, tất cả cán bộ ngành Y tế đã phải làm thêm các công việc gấp 3 - 5 lần bình thường, điều trị cho trên 11,5 triệu ca nhiễm bệnh, trong đó có 3 - 5% ca nặng, trên 43.000 ca tử vong; tiêm chủng số lượng khổng lồ trên 260 triệu mũi vaccine phòng COVID-19...
Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn Y tế Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò đồng hành cùng chuyên môn đại diện, bảo vệ và chăm lo, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên về tinh thần và vật chất; là cấu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động đảm bảo sự hài hòa ổn định phát triển của các đơn vị.
Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, Công đoàn Y tế Việt Nam đã hoàn thành và vượt 8/9 chỉ tiêu được giao, cụ thể, 93% Công đoàn cơ sở (CĐCS) xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; thành lập mới 9 CĐCS; CĐCS kết nạp mới được 7.484 đoàn viên công đoàn (đạt tỷ lệ 235,2% kế hoạch giao), tăng 7.736 đoàn viên công đoàn so với đầu nhiệm kỳ.
Đặc biệt, có 7.151 lượt cán bộ công đoàn được tiếp cận với các chương trình bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công đoàn tại cơ sở, tập huấn nghiệp vụ ủy ban kiểm tra cho 2.462 cán bộ công đoàn; kết nạp 2.344 đoàn viên vào Đảng Cộng sản Việt Nam (tăng 14% so với nhiệm kỳ trước).
Nhiệm vụ thu kinh phí, đoàn phí vượt kế hoạch Tổng LĐLĐ Việt Nam giao từ 17% đến 30%; 95% đoàn viên nữ đạt danh hiệu "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà"; 30% nữ cán bộ tham gia quản lý lãnh đạo; có 98,15% các cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức, Hội nghị Người lao động, đảm bảo nội dung, quy trình và thời gian quy định. 100% doanh nghiệp tổ chức thương lượng và ký Thỏa ước lao động tập thể.
Việc "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, với gần 8000 ĐVCĐ được học tập quán triệt, hàng chục nghìn cán bộ y tế và 100% các đơn vị khối khám bệnh, chữa bệnh ký cam kết thực hiện Cuộc vận động, gắn với phong trào "Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh" 114 đơn vị, 60.000 bài thi viết; 700 tập thể, hơn 10.000 cá nhân đã tham gia hưởng ứng cuộc thi viết và sân khấu hóa về tuyên truyền thực hiện giao tiếp ứng xử, quy tắc ứng xử; 145 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương, khen thưởng vì có nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương của Bác, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tại Đại hội, Công đoàn Y tế Việt Nam cho hay, trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Đại hội đã đặt ra 8 chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu thực hiện trong nhiệm kỳ; 6 chỉ tiêu thực hiện hàng năm; 3 khâu đột phá. Trong đó, trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Công đoàn Y tế Việt Nam tập trung thực hiện ba khâu đột phá gồm: Tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, trọng tâm là thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại, thương lượng, ký và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể.
Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, trọng tâm là chủ tịch CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, trọng tâm là chuyển đổi số công đoàn.
Vai trò của Công đoàn Y tế Việt Nam và công đoàn các cấp hết sức quan trọng
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đều bày tỏ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những thành tích mà Công đoàn Y tế Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế gửi lời cảm ơn Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đánh giá cao hoạt động của Công đoàn Y tế Việt Nam nhiệm kỳ qua.
Theo Bộ trưởng, Công đoàn Y tế Việt Nam được lựa chọn là đơn vị Đại hội điểm trong khối các Công đoàn ngành Trung ương là một sự động viên to lớn đến không chỉ tổ chức công đoàn mà đến đoàn viên, người lao động ngành Y tế cả nước về sự ghi nhận và đóng góp vai trò của ngành trong sự ổn định an sinh xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, cùng nhìn lại chúng ta thấy nhiệm kỳ 2018-2023 là một nhiệm kỳ vô cùng khó khăn, thách thức cho toàn ngành Y tế nói chung và Công đoàn Y tế nói riêng do phải đối mặt với đại dịch COVID-19 chưa từng có trong tiền lệ mà cán bộ y tế là lực lượng thường trực, tuyến đầu tham gia chống dịch.
"Về kết quả hoạt động của Công đoàn Y tế nhiệm kỳ 2018-2023, tôi thống nhất với báo cáo của Ban Chấp hành Công đoàn Y tế Việt Nam, thống nhất với những kết quả làm được trên 9 mặt nhiệm vụ công tác cũng như những hạn chế, khó khăn mà Công đoàn Y tế Việt Nam đối mặt trong nhiệm kỳ vừa qua"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tiếp tục tập trung đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, phương thức chỉ đạo để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Kết quả đã vượt 8/9 chỉ tiêu Đại hội đề ra. Ban Chấp hành đã tập trung chỉ đạo, ban hành, triển khai 8 chương trình và triển khai các nhiệm vụ cụ thể của nhiệm kỳ, đạt kết quả toàn diện trên nhiều mặt.
Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Công đoàn Y tế các cấp đã chủ động bám sát từng diễn biến của dịch , thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam đã xây dựng các phương án hướng dẫn các CĐCS thực hiện các quyết định phòng chống dịch, bám sát cơ sở, kịp thời đồng hành cùng công đoàn các đơn vị, địa phương và cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch…
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan vai trò của Công đoàn Y tế Việt Nam và công đoàn các cấp trong giai đoạn này hết sức quan trọng. Đồng tình với các chỉ tiêu, mục tiêu và các giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2023-2028 như báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam đã trình bày tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ nhằm tìm ra những giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội, mang được tiếng nói, nguyện vọng của gần 500.000 đoàn viên, công đoàn, người lao động đến Đại hội Công đoàn Việt Nam.
Mang lại nhiều lợi ích thiết thực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cán bộ y tế
Phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị Công đoàn Y tế Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, trong đó cần tập trung một số nội dung, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục nhạy bén nắm bắt thời cơ, thuận lợi và rút ra những bài học kinh nghiệm đã có, quyết tâm đổi mới hơn nữa cả về nội dung và phương thức hoạt động để mang đến nhiều hơn nữa lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động trong ngành; góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của ngành trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân trong tình hình mới. Đoàn viên, người lao động trong ngành y tế tích cực tham gia các phòng trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội công đoàn Y tế nhiệm kỳ mới đưa ra.
Thứ hai, với vai trò Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Y tế Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với LĐLĐ các tỉnh thành phố để thực hiện chức năng bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cán bộ y tế toàn ngành, không chỉ các đơn vị thuộc trực thuộc bộ; Xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên và người lao động Y tế cả nước theo hướng tập trung, xuyên suốt, hiệu quả.
Thứ ba, Công đoàn Y tế Việt Nam cần xây dựng mô hình công đoàn phù hợp với mô hình tự chủ của các bệnh viện, đơn vị sự nghiệp để thực hiện tốt Quy chế dân chủ công khai minh bạch trong mọi hoạt động ở cơ sở. Công đoàn các cấp cần phối hợp tốt với chuyên môn đồng cấp để xây dựng môi trường văn hóa công sở đặc thù, hấp dẫn hơn đối với đoàn viên người lao động ngành Y tế, giữ chân, thu hút nhiều nhân tài cống hiến cho ngành.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, động viên đoàn viên, người lao động phát huy vai trò làm chủ tập thể, đơn vị; làm chủ bản thân trong mọi lĩnh vực hoạt động. Mỗi đoàn viên phải trở thành các tuyên truyền viên làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, thói quen, chủ động tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, giảm gánh nặng cho công tác y tế; để người dân thấu hiểu, chia sẻ và đóng góp hoàn thiện chính sách y tế, tạo thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ chế phản ánh thông tin kịp thời từ đoàn viên công đoàn, người lao động các cấp, qua đó kiến nghị với cơ quan chức năng để để xuất, sửa đổi chính sách hoặc xử lý nghiêm những trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm chính sách, pháp luật lao động, xâm hại lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ y tế và người lao động trong ngành y tế.
Về những kiến nghị của Đại hội, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế tiếp thu và Bộ trưởng cũng đã trao đổi, làm rõ hơn đến các Đại biểu.
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu: Trong nhiệm kỳ tới, các cấp Công đoàn Y tế Việt Nam cần tiếp tục nhận thức sâu sắc về yêu cầu và nhiệm vụ của ngành, trách nhiệm của các cấp công đoàn đối với đoàn viên, người lao động trong giai đoạn mới.
Tập trung làm tốt chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Coi đây là nội dung then chốt để thu hút đông đảo người lao động tham gia, ủng hộ, tin tưởng và gắn bó với tổ chức Công đoàn. Trong đó cần tích cực đề xuất các chế độ, chính sách đặc thù dành cho đoàn viên, người lao động của ngành Y tế; nhất là chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khuyến khích, động viên các y, bác sĩ giỏi, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm tiếp tục gắn bó, cống hiến tại các đơn vị, bệnh viện khu vực công…
Với tinh thần tập trung dân chủ, Đại hội Công đoàn Y tế Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã đã bầu được 32 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Báo Sức khỏe & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin về kết quả của Đại hội đến bạn đọc tại bản tin tiếp theo.