5 nhóm giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp ứng phó thuế đối ứng

Tại Hội thảo 'Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam', do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18/4, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI đề xuất 5 nhóm giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp ứng phó thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực chịu áp lực thuế đối ứng

Tại Hội thảo, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho hay, mặc dù phía Hoa Kỳ đã tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế riêng trong vòng 90 ngày để mở đường cho đàm phán, nhưng nguy cơ về thuế đối ứng vẫn đang hiện hữu và rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Phạm Tấn Công phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Anh

Ông Phạm Tấn Công phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Anh

Thực tế ở Bình Dương, trong vòng 3 ngày sau Sắc lệnh thuế đối ứng của Hoa Kỳ (5-8/4/2025) có 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu USD bị hủy. 273 đơn hàng bị khách hàng Hoa Kỳ thông báo hủy hoặc tạm dừng.

Không chỉ vậy, Việt Nam còn đối diện với các tác động dây chuyền và chuyển hướng thương mại: hàng hóa từ các nước bị áp thuế sẽ tìm cách chuyển sang các thị trường khác – trong đó có Việt Nam – làm gia tăng cạnh tranh, nguy cơ gian lận thương mại, “trung chuyển” hàng hóa và bị điều tra chống lẩn tránh thuế.

Phân tích rõ hơn về tác động của việc áp thuế đối ứng, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực, trong đó nhiều mặt hàng trọng điểm của Việt Nam không nằm trong danh sách miễn trừ, trong khi các đối thủ trong khu vực lại được hưởng thuế suất thấp hơn.

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 29% tổng kim ngạch xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như gỗ, điện tử, dệt may... Nếu chính sách thuế đối ứng áp dụng, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm việc làm và gây ra nhiều hệ lụy cho thương mại toàn cầu.

Hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 là sang thị trường Hoa Kỳ, với các mặt hàng chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị… Trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%, như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử. Với ngành gỗ nếu thuế trên 10%, sức cạnh tranh giảm 30-40%. Điều này cho thấy, nếu mức thuế đối ứng bị áp dụng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tổn thương nặng nề – mất thị phần, giảm sức cạnh tranh, gián đoạn sản xuất, mất việc làm, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong nguy có cơ, doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi

Tại hội thảo, ông Phạm Tấn Công cho rằng, trong nguy có cơ, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi và nâng cao sức chống chịu.

Trước tình hình trên, VCCI đã chủ động đưa ra 5 giải pháp lớn.

 Trong nguy có cơ, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi và nâng cao sức chống chịu. Ảnh: TL minh họa

Trong nguy có cơ, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi và nâng cao sức chống chịu. Ảnh: TL minh họa

Thứ nhất, đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ ở cấp cao, nhằm đạt được các thỏa thuận song phương, giảm xung đột, minh bạch thông tin, thúc đẩy nhập khẩu từ Hoa Kỳ (LNG, nông sản, công nghệ cao…), cân bằng thương mại và tạo niềm tin chính trị.

Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng: Tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường tại EU, Canada, Australia…, đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Tây Nam Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ Latinh, và phát triển thị trường nội địa.

Thứ ba, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ: Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, phát triển công nghiệp nền tảng như hóa chất, vật liệu mới, logistics, công nghệ cao… nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu và rủi ro thương mại.

Thứ tư, tham gia chuỗi cung ứng chiến lược của Hoa Kỳ: Đầu tư vào các trung tâm kỹ thuật bán dẫn, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo… để trở thành mắt xích đáng tin cậy thay thế Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu – đây là cơ hội vàng mà Việt Nam cần chủ động nắm bắt.

Thứ năm, nâng cao năng lực thể chế và hạ tầng: Cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng logistics – để doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.

Tại hội thảo, ông Phạm Tấn Công khẳng định, VCCI tiếp tục sát cánh đồng hành cùng doanh nghiệp. VCCI lắng nghe các ý kiến, kiến nghị từ doanh nghiệp để tổng hợp, báo cáo kịp thời lên Chính phủ và các cơ quan chức năng, nhằm đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả, bền vững.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/5-nhom-giai-phap-chien-luoc-cho-doanh-nghiep-ung-pho-thue-doi-ung-174872.html