5 quan điểm giáo dục của một ngôi trường ở quận Nam Từ Liêm khiến nhiều người tâm đắc
Không có lời chê bai, thậm chí lời chất vấn cho một kết quả có vẻ 'không như mong đợi'. Duy nhất có một câu hỏi thầy cô sẽ đặt ra cho học trò, đó là…
- Trường phổ thông liên cấp Olympia (quận Nam Từ Liêm) là một ngôi trường tại Việt Nam có mô hình hoạt động và quản lý theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ.
- Địa chỉ tại khu đô thị mới Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, bố trí khá thuận lợi khi cách trung tâm thành phố không xa.
- Triết lý giáo dục của trường lấy học sinh làm trung tâm, học sinh được tôn trọng sự khác biệt, khuyến khích đặt câu hỏi và được khích lệ khám phá ưu điểm của bản thân.
01
Không bị phê phán, chất vấn tiêu cực khi kết quả đánh giá chưa tốt
Câu hỏi đặt ra lúc này là “Con có kế hoạch làm sao để cải thiện kết quả chưa?”, cách tháo gỡ vấn đề ở trường Olympia School luôn theo cách ôn hòa và ít áp lực như thế này.
Dù cho rằng áp lực là chuyện cần thiết nhưng phía nhà trường cho biết mục tiêu của trường là biến áp lực thành khả năng tự chịu trách nhiệm. Sẽ không bao giờ có những câu hỏi hay câu nói có tính "sát thương" như trách móc, chê bai hay chất vấn một cách tiêu cực mà thay vào đó là những câu hỏi có tính giải pháp: "Con đã biết con sai chỗ nào chưa?", "Con đã đọc kĩ đề bài chưa, con sẽ sửa như thế nào... ".
Cô Nguyễn Thị Hằng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: "Áp lực ở đây rõ ràng không phải là điểm số, chỉ là con đã nỗ lực và cố gắng hết mình chưa, con đã cố gắng với chính bản thân con như thế nào. Con đã cải thiện những điểm yếu của mình ra sao? Quan trọng ở đây nhà trường thường xuyên nói với các con về việc biết lập kế hoạch và tự chịu trách nhiệm với bản thân mình".
02
Mỗi cá nhân mang trong mình một năng lực đặc biệt
Tại trường Olympia học trò luôn được học về cách lập kế hoạch và tự đánh giá. Chính vì vậy, học trò thường sẽ tự đánh giá kết quả học tập, độ cố gắng của mình. Sau đó, giáo viên cũng có phần đánh giá xem trò đang đứng ở vị trí nào và cùng đi đến một thống nhất mà trò phải tâm phục khẩu phục.
Đây cũng là phương pháp cá nhân hóa được Olympia áp dụng khi mỗi học trò một lộ trình riêng phù hợp với với sở trưởng, sở đoản và khắc phục được những điểm còn chưa mạnh của từng cá nhân. Từ đó, tùy theo năng lực học sinh để đánh giá từng vấn đề những cá nhân cần cải thiện hay phát huy. Giáo viên sẽ đặt học sinh trong thách thức vượt qua giới hạn bản thân và cải thiện tình hình. Áp lực lúc này đến tự bản thân mỗi học sinh, là thứ áp lực tích cực.
Quan niệm của nhà trường là học sinh nào cũng có một năng lực đặc biệt nào đó, quan trọng là cần biết đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu của từng học trò để thầy cô có hướng phát triển.
03
Đừng ngại sai, các con dám làm thầy cô sẽ hỗ trợ hết sức
Tại Olympia học sinh sẽ không ngại đặt câu hỏi vì thầy cô sẽ là người luôn khuyến khích: "Các con có thắc mắc gì không?", "có câu hỏi nào nữa không?", "các con đừng ngại sai, hãy nói ra tất cả những điều mình đang muốn hỏi"... Chính nhờ sự động viên này mà học sinh trường Olympia luôn mạnh dạn phát biểu, không sợ "hỏi dốt" hay "có thế mà cũng hỏi"... Mọi câu hỏi đều được giải đáp một cách nhiệt tình khiến sự tò mò trong học sinh ngày càng tăng lên và sự ham học cũng được mở ra.
Sau những thắc mắc sẽ là phần giải quyết vấn đề và việc "hành động" cũng vô cùng quan trọng. Lúc này, thầy cô lại động viên: "Các con đừng ngại làm sai, chỉ cần các con muốn làm, dám làm thầy cô sẽ hỗ trợ hết sức có thể". Chính vì vậy, đã có nhiều ý tưởng sáng tạo đã có cơ hội được hiện thực hóa nhờ sự động viên này.
04
Con có quyền bộc lộ cảm xúc của chính mình
Bắt đầu buổi học và kết thúc buổi học, học sinh sẽ được các thầy cô hỏi về cảm xúc. Chính vì vậy trẻ biết mình có quyền bộc lộ và chia sẻ cảm xúc. Tất cả mọi hành vi của trẻ dù là chưa đúng cũng không bị gắn mác kết tội mà được phân tích để đi đến một giải pháp.
Thậm chí trường còn có bảng "check in cảm xúc" để thầy cô có thể nhận ra những dấu hiệu bất thường khi học sinh để lại những tín hiệu tiêu cực. Thậm chí, sau mỗi tiết học các thầy cô cùng thường hỏi: "Các con có ổn không?".
Khi đến trường thầy cô sẽ nói rằng: "Con hãy bỏ mọi buồn phiền trước khi bước vào cánh cổng trường". Khi trò chuẩn bị về nhà, thầy cô sẽ nhắc: "Con hãy bỏ buồn phiền ở lại để về nhà thật vui vẻ và gửi lời cảm ơn đến những người con biết ơn".
05
Con cần biết tôn trọng sự khác biệt và học cách chung sống hòa bình
Bài học đầu tiên nhà trường dạy học sinh của mình không phải là bảng nội quy nhà trường với nhiều điều luật hà khắc, cứng rắn mà là bài học về "tôn trọng sự khác biệt".
Thầy cô sẽ nói với tất cả học trò rằng: "Ai cũng có ưu nhược điểm, mỗi người là một cá tính và tạo nên một thế giới đa dạng. Chính vì vậy chúng ta cần biết chung sống hòa bình, tôn trọng sự khác biệt và giúp đỡ nhau".
Bài học tuy có vẻ đơn giản nhưng văn minh này lại rất có ích lợi trong việc ngăn chặn sớm bạo lực học đường. Khi trẻ biết tôn trọng sự khác biệt, những xung đột không đáng có hầu như không xảy ra.