5 sự thật về vũ khí đáng sợ nhất Thế chiến 2, Đức Quốc xã không thể khám phá

Đà tiến quân của Đức Quốc xã đã bị chặn lại bởi vũ khí bí ẩn của Liên Xô, nó có thể phóng hàng trăm quả đạn bao trùm một khu vực rộng lớn và phá hủy mọi thứ.

Dàn phóng tên lửa “Kachiusa” - hay Katyusha - có thể phóng hàng trăm quả rocket và cày nát toàn bộ mục tiêu chỉ trong vòng vài giây, hủy diệt cơ sở vật chất và tinh thần chiến đấu của binh lính đối phương. Một binh sĩ Đức bị bắt trong cuộc phản công của Hồng quân Liên Xô năm 1941 cho biết “Có nhiều trường hợp trở nên bị điên loạn vì hỏa lực phóng tên lửa của Liên Xô”.

Vũ khí tuyệt mật

Katyusha được giới thiệu với các quan chức cao nhất của Liên Xô ngay trước khi cuộc chiến tranh Vệ quốc nổ ra. Vẻ bề ngoài của nó không gây được nhiều ấn tượng, mọi người chỉ thấy có thiết bị và một vài viên đạn được gắn trên một chiếc xe tải đơn giản. Nhưng khi chiếc xe khai hỏa thì tất cả đều sững sờ. Người đầu tiên bị sốc là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô Semyon Timoshenko, ông đã giận dữ trách cấp phó của mình, “Tại sao các anh không báo cáo gì với tôi về việc có một loại vũ khí như vậy”.

Sau khi thử nghiệm thành công, nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin quyết định sản xuất Katyusha, chỉ một ngày trước khi quân Đức tấn công Liên Xô vào 21/6/1941.

Đây là một loại vũ khí mới tuyệt mật. Mỗi chiếc Katyusha đều được gắn một thiết bị nổ, có thể phá hủy trước khi quân Đức có cơ hội chiếm được. Để giữ bí mật cho các bệ phóng, các trung đoàn Katyusha được gọi là trung đoàn cận vệ súng cối. Cho đến hiện nay, các tài liệu về thiết kế Katyusha vẫn chưa được tiết lộ.

Một dàn phóng Katyusha.

Một dàn phóng Katyusha.

Vượt quá mong đợi

Tên chính thức của loại vũ khí này là BM-13, BM là cụm từ viết tắt của "Boyevaya Mashina" - thiết bị phóng và 13 là cỡ nòng của tên lửa (132 mm), đặt trên xe tải ZIS-6. Đơn vị thử nghiệm đầu tiên gồm 7 chiếc BM-13 được sử dụng trong trận chiến đấu tại thành phố Orsha của Belarus, cách Moskva 500 km về phía tây vào ngày 14/7/1941. Orsha là một trung tâm giao thông đã bị quân Đức chiếm giữ.

Trong loạt đạn đầu tiên, Katyusha vượt quá mọi mong đợi của các nhà lãnh đạo quân sự Liên Xô, trung tâm Orsha đã bị hủy diệt khủng khiếp. Các bệ phóng tên lửa tàn phá trung tâm Orsha rồi nhanh chóng rút lui. Tổng tham mưu trưởng Quân đội Đức Franz Halder đã viết trong nhật ký của mình về vụ việc này:

“Người Nga đã sử dụng một loại vũ khí bí mật cho đến tận bây giờ chưa vẫn chưa xác định được. Một cơn bão lửa đã đốt cháy nhà ga Orsha, tất cả binh lính, khí tài quân sự, công sự, kim loại đã tan chảy và đất đang cháy”.

Hình ảnh mô tả bệ phóng tên lửa đa năng Katyusha trên xe tải ZiS-6 của Liên Xô.

Hình ảnh mô tả bệ phóng tên lửa đa năng Katyusha trên xe tải ZiS-6 của Liên Xô.

Nhanh chóng và dữ dội

Các tác động gây sốc cho binh sĩ và tàn phá phương tiện đối phương chủ yếu là do tên lửa Katyusha gây ra, với khả năng phóng ra lượng thuốc nổ tương đương 70 khẩu pháo hạng nặng cộng lại chỉ trong vài giây và bao phủ một khu vực rộng lớn.

Nhưng không giống như pháo binh truyền thống, BM-13 là phương tiện cơ động, có thể di chuyển nhanh chóng sau khi bắn. Mặt khác, các tên lửa của Katyusha khi khai hỏa hầu như không để lại dấu vết nên đối phương không thể xác định được vị trí của khẩu đội để phản pháo lại.

Từ năm 1942, Katyusha được lắp trên khung xe tải Studebaker của Mỹ mà Liên Xô được viện trợ theo chương trình cho vay-cho thuê (Lend-Lease). Xe tải này mạnh mẽ hơn và cơ động nhanh, phù hợp khi Katyushas được gắn vào.

Sau khi chứng minh được hiệu quả, nhiều đơn vị Katyusha nhanh chóng được thành lập và gửi ra mặt trận. Katyusha đã trở thành vũ khí phổ biến của Liên Xô và là một trong những biểu tượng của quân đội Nga trong Thế chiến 2.

Người Đức không tạo được bản sao

Người Đức háo hức làm quen với vũ khí mới của Nga, nhưng trong một thời gian dài họ không thể nắm bắt được bí quyết phát triển loại vũ khí này. Tuy Đức Quốc xã đã thu được Katyusha nhưng không thể sao chép được. Trở ngại lớn nhất với các kỹ sư Đức là không tìm ra được phương pháp chế tạo thuốc phóng bột đặc biệt được sử dụng trong tên lửa Katyusha. Thuốc phóng này giúp tên lửa bay xa, ổn định và không để lại dấu vết.

Mất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu người Đức cũng chỉ cho ra đời phiên bản súng phóng tên lửa sáu nòng Nebelwerfer. Tuy nhiên, nó không mang được nhiều tên lửa như Katyusha, không cơ động được, tầm bắn ngắn hơn và sau khi bắn để lại một dấu vết dài trên bầu trời, làm lộ vị trí của tên lửa. Vì vậy, người Đức đã thất bại trong việc thiết kế hệ thống tên lửa Katyusha của riêng họ.

Bệ phóng BM-13.

Bệ phóng BM-13.

Cái tên “Katyusha”

Katyusha là bài hát nổi tiếng của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và là một trong những bài hát lừng danh nhất nước Nga, bài hát nói về một người con gái chờ đợi người yêu của mình đang phục vụ trong quân đội Xô Viết. Với niềm tin vào sức mạnh của loại vũ khí này sẽ đánh đuổi quân thù, mang lại bình yên cho tổ quốc, nên những người lính Xô Viết đặt tên cho loại vũ khí này là Katyusha.

Một giả thuyết khác nói rằng, chữ “K” đặt trên cánh cửa xe ZIS-6 được sản xuất tại nhà máy Komintern ở Voronezh, nên những người lính đã đặt tên là Katyuska. Còn một số ý kiến khác lại cho rằng, Katyusha là tên bạn gái của một người lính Nga bảo dưỡng vũ khí.

Nhưng dù đó là giả thuyết nào thì giới quân sự trên thế giới vẫn đánh giá Katyusha là vũ khí đáng sợ nhất trong Thế chiến 2.

Lê Hưng (Russia Beyond)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/5-su-that-ve-vu-khi-dang-so-nhat-the-chien-2-duc-quoc-xa-khong-the-kham-pha-ar812076.html