5 tác động của biến đổi khí hậu khiến hành tinh 'biến chuyển'

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra sự cực đoan của thời tiết. Đó là điều không mới mẻ gì. Tuy nhiên, trên thực tế biến đổi khí hậu đã diễn ra khốc liệt và khó kiểm soát hơn, gây lên những tác động trực tiếp tới hành tinh.

Trái Đất mờ dần đi

Trái Đất đang dần phản chiếu ánh sáng mặt trời ngày một kém đi trông thấy chỉ trong vài thập kỉ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do biến đổi khí hậu.

Trái Đất hiện đang phản chiếu lượng ánh sáng ít hơn. (Ảnh: NASA)

Theo TS Philip Goode từ Viện Công nghệ New Jersey (Mỹ) cho biết, sự ấm lên của các đại dương đã gây ra hiện tượng sụt giảm các đám mây sáng, phản chiếu, tập trung chủ yếu ở vùng trũng thấp Đông Thái Bình Dương trong các năm gần đây nhất, theo phép đo vệ tinh được thực hiện bởi Hệ thống Năng lượng bức xạ Trái Đất CERES của NASA. Hiện tượng tương tự được ghi nhận ngoài khơi bờ biển phía Tây của Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

Sự mờ đi của Trái Đất - tức phản chiếu ánh sáng yếu hơn - cũng đồng nghĩa với việc hành tinh phải thu nhận nhiều hơn năng lượng từ Mặt Trời và lại trở nên nóng hơn, như một vòng luẩn quẩn.

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra sự cực đoan của thời tiết. Nhiệt độ sẽ ngày càng tăng lên trong các thập kỷ tới, sự gia tăng nhanh chóng của dân số toàn cầu cũng kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một tăng. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển trong việc xây dựng các nhà máy - nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Băng tan chảy làm biến dạng vỏ Trái Đất

Sự tan chảy của băng vùng cực không những làm thay đổi mực nước của các đại dương, mà nó còn khiến lớp vỏ Trái Đất biến dạng. Ở một số nơi, lớp vỏ di chuyển theo chiều ngang nhiều hơn theo chiều hướng lên.

Lớp vỏ Trái Đất trồi lên và lan rộng khi trọng lượng của băng được nâng lên trên đảo Greenland, Nam Cực và các đảo ở Bắc Cực. (Ảnh: Getty)

Những chuyển động này có tác động đến sự tan chảy tiếp tục của các khối băng. Ở một số vùng của Nam Cực, sự phục hồi của lớp vỏ đang làm thay đổi độ dốc của các tầng đá gốc dưới lớp băng. Đây là công trình quan trọng cho thấy sự tan chảy nhanh chóng gần đây của các tảng băng và sông băng gây ra chuyển động 3D của bề mặt Trái Đất lớn hơn về độ lớn và phạm vi không gian, so với nhận định trước đây.

Các cực đang dịch chuyển

Các nhà nghiên cứu phát hiện trong vài thập kỉ qua, biến đổi khí hậu và hoạt động sử dụng nước của con người góp phần thúc đẩy cực Trái Đất dịch chuyển.

Biến đổi khí hậu và hoạt động sử dụng nước của con người góp phần thúc đẩy cực Trái Đất dịch chuyển. (Ảnh: David McNew)

Từ năm 1995 đến 2020, tốc độ di chuyển của cực Trái Đất tăng khoảng 17 lần so với tốc độ trung bình trong thời gian từ năm 1981 đến 1995. Kết hợp với dữ liệu nước, các nhà nghiên cứu nhận thấy phần lớn hoạt động di chuyển của các cực được thúc đẩy bởi hiện tượng mất nước ở vùng cực, cụ thể là băng tan chảy trên đất liền và đổ ra đại dương và một phần nhỏ do con người bơm nước ngầm để sử dụng.

Sóng lớn hơn ở Bắc Cực góp phần hình thành mây

Bắc Cực không còn xa lạ với biến đổi khí hậu. Nó ấm lên nhanh gấp gần ba lần so với phần còn lại của thế giới. Băng biển ít hơn có nghĩa là mặt nước thoáng hơn, tạo điều kiện cho sóng lớn hình thành. Chỉ riêng điều đó đã là một phát hiện đáng chú ý, nhưng thứ khiến nó được liệt kê vào danh sách này là những con sóng có thể tác động tới tận các đám mây.

Sóng lớn hơn ở Bắc Cực góp phần hình thành các đám mây. (Ảnh: AFP)

Một nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay cho thấy vùng nước mở ở Bắc Cực thu hút nhiều sinh vật cực nhỏ đến sống trên bề mặt. Sóng lớn đánh bật những sinh vật tí hon đó vào không khí và được gió đưa lên cao, nơi chúng trở thành hạt nhân để nước hình thành xung quanh và biến thành các tinh thể băng, góp phần tạo ra các đám mây.

Bầu trời và mặt đất tiến lại gần nhau hơn

Trong 40 năm qua, ranh giới giữa tầng đối lưu và tầng bình lưu lân cận đã tăng lên đều đặn với tốc độ 50-60 m mỗi thập kỉ do biến đổi khí hậu.

Tầng đối lưu đang mỏng dần. (Ảnh: NASA)

Các tia của Mặt Trời dễ dàng xuyên qua không khí và làm nóng đất. Nhiệt lượng tỏa ra từ Trái Đất được tích lũy trong tầng đối lưu và CO2, metan và hơi nước giữ nhiệt. Quá trình đốt nóng Trái Đất và không khí và giữ nhiệt trong tầng đối lưu được gọi là hiệu ứng nhà kính. Trong những thập kỉ gần đây, cộng đồng thế giới lo ngại về vấn đề này, vì nó dẫn đến sự nóng lên toàn cầu.

PGS.TS Jane Liu, nhà khoa học môi trường tại Đại học Toronto cho biết, nhiệt độ là động lực thúc đẩy sự thay đổi này. Tầng đối lưu có độ cao khác nhau trên khắp thế giới, cao tới 20 km ở vùng nhiệt đới và thấp xuống chừng 7 km gần các cực. Trong năm, ranh giới trên của tầng đối lưu tăng và giảm tự nhiên theo các mùa khi không khí nở ra vì nhiệt và co lại khi lạnh. Nhưng khi khí nhà kính giữ nhiệt ngày càng nhiều trong khí quyển, tầng đối lưu đang mở rộng lên cao hơn vào bầu khí quyển.

Lan Anh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/5-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-khien-hanh-tinh-bien-chuyen-61149.html