Loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ có duy nhất ở Việt Nam
Loài cây này được cho là xuất hiện cùng thời với khủng long và gần như đã bị tuyệt diệt trên thế giới, chỉ còn sót lại ở Việt Nam.
Không ít loài cây quý hiếm, có giá trị kinh tế cao tồn tại ở Việt Nam. Trong đó, thông hai lá dẹt được coi là một trong những loài cây thân gỗ quý hiếm, đặc biệt, khiến nhiều người tò mò và tìm hiểu.
Thông hai lá dẹt là loài cây đặc hữu ở Việt Nam (tên khoa học là Ducampopinus krempfii, thuộc họ thông - pinaceae).
Đây là loài thông cổ với đặc trưng có hai lá dẹt hình lưỡi kiếm, trên thế giới chỉ có độc nhất ở Việt Nam, phân bố hẹp ở Lâm Đồng (vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, huyện Lạc Dương), Khánh Hòa (khu vực Khánh Vĩnh, khu bảo tồn nhiên nhiên Hòn Bà) và Chư Yang Sin (Đắk Lắk).
Thông hai lá dẹt sinh trưởng rất chậm, tăng trưởng đường kính khoảng 1mm/năm (nếu cây có đường kính 2,5m thì tuổi cây có thể đạt tới 1.000 năm), loài cây này thường gặp ở độ cao 1.200-2.000m.
Với nguồn gen quý hiếm, thông hai lá dẹt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và giữ gìn hệ sinh thái rừng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như khai thác rừng bừa bãi, biến đổi khí hậu, chúng đang đứng trước nguy cơ đe dọa tuyệt chủng.
Thông hai lá dẹt bị xếp đầu tiên trong danh sách các loài cây có giá trị đặc biệt, đang nguy cấp hoặc hết sức nguy cấp ở Việt Nam. Những cây thông hai lá dẹt hàng trăm năm tuổi chưa bao giờ hết là mục tiêu săn lùng của lâm tặc.
Tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) có một cây thông 2 lá dẹt 1.100 tuổi vô cùng quý hiếm. Cây được người K'Ho, Lạch, Cil bản địa xem là "cây thần linh" nên không được xâm phạm mà phải tìm mọi cách bảo vệ.
Chu vi gốc cây thông 2 lá dẹt này lên đến 7,3 mét, phải mất đến 7 người ôm mới hết. Đặc biệt, phần rễ cây thông trải qua hàng ngàn năm đã lan ra rất rộng, tạo thành những hang hốc bên dưới rất bí ẩn. Lớp mùn dày hàng mét chứng tỏ sự phong phú và lâu đời của gốc cây này.
Không chỉ có thông 2 lá dẹt từ thời cổ đại, trong Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà còn có khoảng 2.077 loài thực vật có mạch, 131 loài thú, 304 loài chim, 15 loài hạt trần, 302 loài lan…Đây còn là một trong 221 vùng chim quan trọng của thế giới, là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang và là Vườn di sản ASIAN.
Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đang xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Phương án này vừa phát triển du lịch sinh thái vừa gắn kết với an sinh cộng đồng, trong đó, cộng đồng người dân tộc thiểu số bản địa cùng được hưởng lợi.
Minh Hoa (t/h)