5 thời điểm không nên tắm
Nghiên cứu chỉ ra tắm dưới vòi hoa sen vào buổi tối giúp chúng ta ngủ ngon và sâu giấc hơn. Tuy nhiên, tắm quá khuya lại là điều cấm kỵ.
Mới đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) ghi nhận một trường hợp méo miệng vì không giữ đủ ấm sau khi tắm. Đây chỉ là số ít trong những trường hợp gặp nguy hiểm vì tắm không đúng cách.
Tại một số thời điểm trong ngày, chúng ta cần tránh tắm rửa vì dễ đe dọa tính mạng, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe.
Ban đêm
Tạp chí Time dẫn một nghiên cứu năm 2017 cho thấy tắm vòi hoa sen vào buổi tối trước khi đi ngủ là cách giúp bạn xua tan mệt mỏi, thư giãn sau một ngày dài và yên giấc hơn. Theo Tiến sĩ Dianne Augelli, Viện Y học Giấc ngủ, Trung tâm Y tế NewYork-Presbyterian, Mỹ, tắm vào buổi tối, cách 1-1,5 giờ trước khi ngủ là cách hiệu quả để làm mát cơ thể, từ đó mang đến giấc ngủ sâu và ngon hơn.
Mặt khác, theo National Sleep Foundation, ban ngày, da của chúng ta tiếp xúc nhiều loại vi khuẩn, gốc tự do. Tắm vào buổi tối giúp chúng được rửa trôi, duy trì làn da khỏe mạnh, giảm mụn, nếp nhăn và chống lão hóa.
Tuy nhiên, khi chúng ta tắm vào tối muộn (sau 22h), điều này là cấm kỵ. Theo thạc sĩ, bác sĩ Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động ngôn ngữ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội), tắm khuya là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới đột tử.
Vào đêm khuya, nhiệt độ hạ xuống, cơ thể chúng ta phải đối chọi tình trạng chênh lệch nhiệt độ trong và sau khi tắm dù sử dụng nước nóng. Lúc này, mạch máu não bị co đột ngột, dễ gây đột quỵ hoặc mạch vành cho thắt bất ngờ, dẫn tới nhồi máu cơ tim cấp. Không ít trường hợp tử vong xuất phát từ nguyên nhân tắm đêm.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo thời điểm tắm tốt nhất cho sức khỏe là buổi sáng hoặc trước 20h. Những trường hợp đặc biệt như trẻ em, thai phụ, người say rượu bia, mệt mỏi, mắc bệnh mạn tính, tuyệt đối không nên tắm sau 22h.
Khi vừa đi ra ngoài nắng
Nhiều người có thói quen tắm ngay sau khi đi ngoài trời nắng về vì cho rằng nó giúp cơ thể hạ nhiệt, sảng khoái hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, quan niệm này sai lầm.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ thể con người có khả năng thích nghi tốt nhất trong khoảng từ 20 đến 30 độ C. Nếu ngưỡng nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng, cơ thể sẽ không thể điều chỉnh kịp, gây ra các bệnh lý từ nhẹ đến nặng.
Do đó, khi vừa đi ngoài trời nắng về, chúng ta tắm ngay sẽ khiến cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không tốt cho sức khỏe. Khi cơ thể toát mồ hôi và tỏa nhiệt, tắm sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Mồ hôi không thoát được ra ngoài làm giảm thân nhiệt, dễ gây cảm lạnh.
Với một số người có triệu chứng bệnh lý thần kinh như đau đầu, căng cơ, tắm gội trước khi đi ngoài nắng cũng dễ gây chóng mặt, đau nhức do cơ thể nhạy cảm với nhiệt độ thay đổi đột ngột.
Bác sĩ Hậu khuyên chúng ta nên nghỉ ngơi, để mồ hôi khô khoảng 20-30 phút sau khi đi ngoài nắng về rồi mới tắm. Điều này giúp cơ thể có thời gian thích nghi với nhiệt độ. Chúng ta cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày, tránh hiện tượng thay đổi nhiệt độ liên tục, không tốt cho sức khỏe.
Sau khi ăn quá đói hoặc quá no
Theo India Times, khi đói, lượng đường huyết của cơ thể ở mức thấp nhất, không thể đáp ứng được việc tiêu hao nhiệt lượng cần thiết trong quá trình tắm. Nếu chúng ta vệ sinh cơ thể ở thời điểm này có thể gây hạ đường huyết, thậm chí ngất xỉu.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra việc tắm sau khi ăn no cũng không tốt cho sức khỏe. Bước ra khỏi phòng tắm, dưới tác động của nước, mạch máu ở lớp biểu bì giãn nở, cơ thể hạ nhiệt. Lượng máu phải đổ dồn về đây để bù nhiệt.
Điều này vô tình khiến quá trình cấp máu cho khoang bụng để tiêu hóa thực ăn bị thiếu hụt. Kết quả, cơ thể tiêu hóa chậm lại, gây nên hiện tượng khó chịu, rối loạn, đầy bụng.
Ngay sau khi chơi thể thao
Tắm sau khi tập luyện, chơi thể thao được nhiều chuyên gia y tế khuyên bởi nó giúp cơ thể lấy lại tinh thần sảng khoải, loại bỏ các chất bụi bẩn, mồ hôi khó chịu trên cơ thể. Tắm nước lạnh sau tập luyện giúp giảm đau nhức cơ bắp bởi đặc tính tái tạo của nó.
Tuy nhiên, việc tắm ngay sau khi chơi thể thao là hành động sai lầm, có thể gẫn tới đột quỵ như trường hợp của nam bệnh nhân tại Phú Thọ vào tháng 7. Trường hợp này do các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận. Nam bệnh nhân bị đột quỵ vì tắm nước lạnh ngay sau khi chơi thể thao. Ông có tiền sử xơ vữa động mạch gây tăng huyết áp nhưng không đi khám và điều trị.
Lúc này, cơ thể đang ra nhiều mồ hôi nên nhiệt độ nước có thể làm chúng ta choáng váng, thiếu máu não, thậm chí còn dẫn đến tình trạng đau tim, ngất xỉu... Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hiện, Hội Đột quỵ Việt Nam, tắm nước lạnh khi vừa tập thể dục khiến cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột, từ đó gây co mạch, tạo cục máu đông, dẫn đến đột quỵ.
Huấn luyện viên thể hình Nguyễn Thế Thanh Tùng khuyến cáo chúng ta nên tắm bằng nước ấm sau khi tập 30 phút, cơ thể đã ráo mồ hôi. Lưu ý, bạn nên tắm theo trình tự từ chân lên đầu, tránh trường hợp bị sốc nhiệt.
Sau khi uống rượu, bia hoặc bị mệt mỏi
Lời khuyên không tắm sau khi uống rượu, bia, chất kích thích đã được rất nhiều chuyên gia y tế đưa ra. Khi uống rượu, bia, đường huyết không được bổ sung kịp thời. Chất cồn trong rượu gây ức chế hoạt động của gan, cản trở giải phóng hợp glycogen. Nếu chúng ta tắm, lượng đường glucose trong cơ thể tiêu hao nhanh, dễ gây chóng mặt, hoa mắt, mất sức, thậm chí dẫn tới hôn mê.
Nếu chúng ta tắm, nước làm nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột, khiến các mạch máu và huyết quản co vào, dễ gây cảm lạnh. Nguy hiểm hơn, mạch máu não giãn nở không kịp thích ứng với môi trường nhiệt thay đổi đột ngột có thể dẫn tới vỡ, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, với những người đang mệt mỏi, việc tắm cũng là không nên. Bởi khi đó, khả năng tuần hoàn máu và lưu thông khí huyết bị giảm mạnh. Việc tắm nước lạnh lúc này khiến mạch máu co lại và bạn dễ có nguy cơ bị cảm lạnh và đột quỵ. Trong khi đó, tắm nước nóng khi mệt khiến cơ thể dễ dàng bị nóng lên, mạch máu mở rộng dễ dẫn tới suy tim.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/5-thoi-diem-khong-nen-tam-post1167453.html