Bệnh thoái hóa khớp có xu hướng trẻ hóa
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 80% người bị thoái hóa khớp ở độ tuổi trên 40. Tuy nhiên, hiện nay, không chỉ có người cao tuổi mới mắc phải các bệnh thoái hóa khớp mà ngay cả người trẻ cũng có nguy cơ mắc.
Gần đây, Lê Quân (29 tuổi, ở Hưng Yên) luôn bị mất ngủ bởi những cơn đau âm ỉ ở đầu gối. Càng về đêm, cảm giác nhức càng rõ ràng hơn, khiến anh vật vã, khó chịu. Anh có cảm giác cứng khớp ở gối vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu.
Thời gian cứng khớp kéo dài hơn 10 phút, khi cử động có cảm giác lạo xạo, lục cục ở khớp. Sau khi có những triệu chứng trên, anh Quân bắt đầu gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hằng ngày như ngồi xuống hoặc đứng lên từ ghế, lên xuống xe hơi, leo cầu thang, hoặc đi bộ. Anh Quân đã đến bệnh viện kiểm tra và được bác sĩ chẩn đoán thoái hóa khớp.
Khác với anh Quân, chị Lê Khánh Linh (23 tuổi, ở Tuyên Quang) lại bị thoái hóa khớp do ít vận động, tăng cân, béo phì. Do tính chất công việc phải ngồi hàng giờ trước máy tính, chị Linh ít có thời gian vận động hay tập luyện thể thao.
Điều này khiến chị Linh bị tăng cân, khi di chuyển dễ bị ngã. Cùng với đó, chị bắt đầu xuất hiện tình trạng đau nhức xương khớp. Bác sĩ cho biết, chị Linh bị thoái hóa khớp do ít vận động, khiến dây chằng trở nên yếu, vị trí khớp xương sai lệch.
Bác sĩ Phạm Văn Minh (Đội tuyển bóng đá Việt Nam) cho biết, tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ có dấu hiệu gia tăng. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm như thoái hóa khớp, loãng xương, viêm khớp dạng thấp…
Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và chức năng vận động về sau. "Nếu không chăm sóc khớp đúng cách, chính chúng ta có thể vô tình đẩy nhanh tiến trình thoái hóa khớp gối.
Do vậy, cần phòng ngừa thoái hóa khớp từ sớm, với các biện pháp đơn giản như tập thể dục đều đặn và đúng cách, tập luyện các môn thể thao như bơi, đi bộ, đạp xe đạp, tránh những động tác quá mạnh, đột ngột", bác sĩ Phạm Văn Minh lưu ý.
Thoái hóa khớp có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như hoại tử xương hoặc chất xương; khớp bị nhiễm trùng hoặc chảy máu trong khớp; suy giảm gân quanh khớp hoặc đứt dây chằng; cảm giác dây thần kinh bị chèn ép (nếu bị thoái hóa cột sống).
Vôi hóa có thể xảy ra trên sụn với sự hình thành các tinh thể canxi trong sụn, thường là đầu gối, gây những cơn đau cấp tính. U nang bao hoạt dịch vùng khoeo có thể hình thành khi chất lỏng khớp dư thừa được tạo ra.
Ngoài ra, biến chứng của thoái hóa khớp còn dẫn đến trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, bệnh gout, tăng cân và giảm năng suất làm việc.
Bác sĩ Phạm Văn Minh nhấn mạnh, mỗi người cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, giàu canxi và khoáng chất, tránh ăn nhiều chất béo, tránh dùng rượu, bia và các chất kích thích thần kinh gây co cứng cơ.
Kiểm soát cân nặng tốt, tránh thừa cân, béo phì. Giới văn phòng sau 1 - 2 giờ ngồi làm việc cần nghỉ giải lao, thay đổi tư thế sau mỗi 20 phút để tránh cơ và khớp bị mỏi. Xoa bóp khớp gối đều đặn mỗi ngày, vào buổi sáng và chiều, việc massage giúp cơ bắp thư giãn, lưu thông máu. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh lý xương khớp.