5 thói quen khiến vi khuẩn 'tích tụ', tăng nguy cơ ngộ độc, số 3 nhiều người Việt làm
Một số thói quen phổ biến, nhiều người vẫn làm khi nấu nướng và bảo quản thực phẩm có thể khiến vi khuẩn 'tích tụ' trong đồ ăn, tăng nguy cơ ngộ độc.
Các chuyên gia về an toàn thực phẩm cho biết, một số thói quen trong khi nấu nước, bảo quản đồ trong tủ lạnh hoặc vệ sinh dụng cụ làm bếp có thể khiến vi khuẩn ‘tích tụ’ và phát triển, làm tăng nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe.
5 thói quen khiến vi khuẩn 'tích tụ', tăng nguy cơ ngộ độc
1. Không sắp xếp đồ ăn vào từng ngăn của tủ lạnh
Nhiều người có thói quen để thức ăn vào bất cứ ngăn nào trống trong tủ lạnh và không sắp xếp phân loại. Tuy nhiên, tiến sĩ Ellen Shumaker, tiến sĩ về khoa học thực phẩm và an toàn thực phẩm tại Đại học Bang North Carolina, Mỹ cho biết việc phân loại các loại thực phẩm khác nhau và đặt chúng riêng vào từng khu vực trong tủ lạnh giúp tránh được tình trạng lây nhiễm chéo. Ví dụ như không nên đặt các loại thực phẩm sống có thể chứa mầm bệnh hoặc vi khuẩn chung với các thực phẩm nấu chín để tránh thức ăn bị nhiễm khuẩn từ đồ sống.
Chuyên gia Shumaker cho biết mọi người nên bảo quản thực phẩm sống ở các ngăn bên dưới ngăn đặt các thực phẩm đã nấu chín.
Chuyên gia nói: “Mọi người nên đặt thịt gà và thịt sống ở ngăn dưới cùng của tủ lạnh; đặt các thực phẩm tươi có thể sử dụng ngay như rau, hoa quả ở ngăn trên cùng. Ngoài ra, mọi người nên sử dụng nắp đậy hoặc hộp đựng thích hợp cho các loại thực phẩm và vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để ngăn ngừa bụi bẩn hoặc vi khuẩn tích tụ".
2. Đặt thực phẩm mới trước các thực phẩm cũ hơn
Chuyên gia về an toàn thực phẩm tại Đại học Bang Pennsylvania, Martin Bucknavage cho biết mọi người nên thực hiện nguyên tắc “vào trước, ra trước” khi sử dụng thực phẩm
Chuyên gia cho biết: “Mọi người nên sử dụng các sản phẩm đã mua dựa trên thời hạn sử dụng. Điều này giúp đảm bảo mọi thứ trong tủ lạnh đều được sử dụng hết và ngăn chặn tình trạng thực phẩm hết hạn bị lãng quên trong tủ lạnh".
3. Dùng chung một chiếc thìa để nếm thử các món ăn đang nấu
Việc nếm thử thức ăn là điều cần thiết để đảm bảo các món ăn được nêm nếm gia vị đầy đủ. Tuy nhiên, cả chuyên gia Bucknavage và Shumaker đều cho rằng bạn cần thêm một quy tắc khi nếm thử các món ăn.
Chuyên gia Shumaker cho biết: “Cơ thể chúng ta có thể mang một số mầm bệnh như Staphylococcus aureus (gây nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm nội tâm mạc, một số chủng có độc tố phức tạp gây viêm dạ dày, viêm ruột và hội chứng sốc nhiễm độc), các loại virus, vi khuẩn nên nếu bạn chị dùng 1 chiếc thìa để nếm toàn bộ các món ăn đang nấu. Điều này có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào các loại thực phẩm”.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên sử dụng thìa sạch để lấy thức ăn và nếm thử một lần duy nhất. Nếu muốn thử độ vừa vặn của món ăn thêm 1 lần nữa, bạn cần lấy 1 chiếc thìa sạch khác.
4. Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh không đúng cách
Cả hai chuyên gia an toàn thực phẩm đều Shumaker và Bucknavage đều cho biết việc đảm bảo tủ lạnh có nhiệt độ phù hợp cũng rất quan trọng vì chúng giúp bảo quản các thực phẩm một cách hiệu quả, tránh cho thực phẩm bị ôi thiu. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) nhiệt độ của tủ lạnh nên được duy trì trong khoảng 4 độ C.
5. Xếp chồng những chiếc thớt ướt vào trong tủ
Thói quen đặt những chiếc thớt ướt chồng lên nhau và đặt vào trong tủ thường vi phạm vào nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm. Chuyên gia Bucknavage cho biết thớt nên được dựng thẳng đứng sau khi rửa và không nên xếp chồng thớt lên nhau. Điều này giúp đảm bảo khả năng thoát nước và giúp thớt khô ráo nhanh hơn. Hơn nữa, việc xếp chồng thớt lên nhau cũng khiến nước bị giữ lại trên bề mặt thớt, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển, làm tăng nguy cơ ngộ độc”.