5 thương hiệu bán lẻ nổi tiếng có nguy cơ phá sản trong 2020

Các thương hiệu bán lẻ truyền thống đang phải đối mặt với một viễn cảnh u ám trên thị trường khi phải chịu sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ đến từ những nhà bán lẻ trực tuyến mới nổi. CNBC đã liệt kê 5 thương hiệu bán lẻ đang phải chịu 'áp lực' rất lớn từ sự cạnh tranh trên thị trường và đang trên bờ vực phá sản vào năm 2020.

1. Gamestop

Gamestop nhà bán lẻ lớn nhất thế giới trong lĩnh vựctrờ chơi điện tử. Gamestop chuyên kinh doanh, cho thuê các thiết bị, phụ kiện trò chơi điện tử và băng đĩa trò chơi điện tử với định dạng truyền thống và trực tuyến. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ cho phép người chơi có thể tải các trò chơi từ các cửa hàng trò chơi điện tử trực tuyến từ Internet.

Từ 7.100 cửa hàng trên thế giới trong quý 3 năm 2018, giờ đây Gamestop chỉ còn 5.100 cửa hàng trên 14 quốc gia, trong đó có 4.000 cửa hàng tại Hoa Kỳ và Canada.

Theo báo cáo thu nhập mới nhất của Gamestop, doanh thu các thiết bị trò chơi điện tử đã giảm đến 45%, doanh thu của trò chơi điện tử PC (trò chơi điện tử trên máy vi tính) giảm 1/3 và doanh thu của phụ kiện cũng như băng đĩa trò chơi điện tử giảm đến 13% trong năm tài chính 2019. Tổng doanh thu của Gamestop trong năm 2019 đã giảm đến 24,7% tương đương với 1,4 tỉ USD.

Gamestop đang cố gắng xoay sở để điều chỉnh các chính sách hậu mãi của mình hào phóng hơn để thu hút sự quan tâm trở lại của khách hàng. Họ hy vọng sẽ đạt được doanh thu doanh thu hằng năm ở mức 200 triệu USD vào năm 2021.

2. Sears

Sears là một trong những nhà bán lẻ lớn nhất ở Hoa Kỳ nhưng sự cạnh tranh từ các đối thủ khác khiến cho tình cảnh của Sears trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Vào ngày 15/10/2018 Sears đã chính thức bị mua lại bởi tỉ phú Eddie Lampert và buộc phải ký tuyên bố phá sản.

Phần lớn những khó khăn của Sears đến từ các đối thủ khi Walmart cũng như Target đang áp dụng công nghệ một cách hiệu quả để phát triển dịch vụ giao hàng miễn phí của họ. Và điều này đã lôi kéo khách hàng đến với hai thương hiệu này nhiều hơn vì sự tiện lợi cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng hiệu quả.

Vào tháng 1/2019, mọi chuyện dường như trở nên tích cực hơn với Sears khi công ty mẹ Transformco dự định sẽ rót một khoản vốn có trị giá đến 5,2 tỉ USD và tỉ phú Eddie Lampert tuyên bố ông sẽ làm tất cả để giữ Sears thoát khỏi bờ vực phá sản, duy trì hoạt động của 425 cửa hàng cũng như cung cấp đến 45.000 công việc.

Tuy nhiên, dự định này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà đầu tư khác và chỉ nhận được khoản bảo trợ 250 triệu USD và buộc phải đóng cửa 96 cửa hàng trong thời gian sắp tới.

Với việc bị sáp nhập vào Transformco và buộc phải tuyên bố phá sản, Sears được dự báo rằng họ sẽ dần biến mất trên thị trường với hơn 700 cửa hàng cùng tổng giá trị tài sản lên đến 7 tỉ USD.

3. J.C.Penny

Theo Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ (SEC), thương hiệu thời trang bán lẻ 117 tuổi J.C.Penny được ví như con tàu đang chìm khi đang phải gánh một khoản nợ lên đến 4 tỉ USD và hiện chỉ còn vỏn vẹn 1,5 tỉ USD theo hạn mức tín dụng quay vòng. J.C.Penny đã đóng cửa gần 195 cửa hàng trong vòng 3 năm qua và công ty cũng đã rút dần khỏi ngành kinh doanh thời trang.

Công ty dưới quyền điều hành của CEO Jill Soltau đã làm tất cả mọi thứ để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Thiết kế lại các cửa hàng, tái cấu trúc ban lãnh đạo, thanh lọc các cửa hang hoạt động kém hiệu quả…

Giá cổ phiếu hiện nay của J.CPenny hiện nay chỉ còn 1 USD/cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong quý 3 năm nay, doanh thu của J.C.Penny chỉ đạt được 2,5 tỉ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh số bán hàng chỉ đạt 2,4 tỉ USD, giảm 10% so với năm 2018.

4. Forever21

Đạt đến đỉnh cao trong năm 2015, Forever21 đã thu về gần 4 tỉ USD doanh thu hằng năm. Tuy nhiên, với việc mở rộng thị trường quá nhanh trên thị trường quốc tế, công ty không thể tạo được chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu trên thị trường, khiến cho việc ra mắt các sản phẩm mới trở nên ngày càng khó khăn. Thậm chí, Forever 21 đã phải nhanh chóng nộp đơn phá sản vào tháng 9 năm nay.

Hơn thế nữa, sự cạnh tranh từ các đối thủ bán lẻ khác như H&M hay Zara và xu hướng thay đổi phong cách thời trang trong giới trẻ cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Forever21.

Đầu tháng này, công ty đã phải cắt giảm 20% mục tiêu kinh doanh của mình xuống còn 191 triệu USD và đàm phán lại một khoản vay để tránh bị vỡ nợ.

Trong quá trình phá sản, Forever 21 đang lên kế hoạch rút lui khỏi các thị trường tại châu Á, châu Âu và một số tại Hoa Kỳ. Giảm từ 800 cửa hàng trên toàn cầu xuống còn 450-500 cửa hàng.

5. Victoria’s Secret

Từng là một thương hiệu đồ lót hàng đầu nước Mỹ, được biết đến với những show diễn thời trang hằng năm cực kỳ lộng lẫy và hấp dẫn nhất trên thế giới. Nhưng giờ đây Victoria’s Secret đang phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn trong thời gian gần đây. Việc tiếp tục sử dụng những hình tượng các siêu mẫu gầy gò khiến Victoria’s Secret bị lên án dữ dội trong bối cảnh phong rào #MeToo đang lan rộng mạnh mẽ cũng như trào lưu thay đổi nhận thức về sự tích cực của cơ thể trong giới người mẫu.

Điều này đã khiến doanh số của Victoria’s Secret sụt giảm nghiêm trọng. 53 cửa hàng tại Columbus, bang Ohio đã buộc phải đóng cửa. Show diễn thời trang đồ lót hằng năm của họ có truyền thống tổ chức từ năm 1995 cũng buộc phải tạm ngừng sản xuất vì các vấn đề tài chính. Doanh số cũng đã giảm so với dự kiến ban đầu, 2,68 tỉ USD so với dự kiến 2,69 tỉ USD. Từ tháng 11/2019, ban lãnh đạo của Victoria’s Secret đã lên kế hoạch đánh giá và phân tích các vấn đề mà Victoria’s Secret đang gặp phải để tìm kiếm phương án phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các thương hiệu thời trang đồ lót Star-up khác đang cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường bằng giá cả hợp lý và nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, phù hợp với tất cả khách hàng ở mọi hình dáng và kích cỡ.

Thiên Bảo

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/5-thuong-hieu-ban-le-noi-tieng-co-nguy-co-pha-san-trong-2020-75674.html