5 tính năng có mặt trong Windows 95 mà chúng ta vẫn sử dụng cho đến ngày nay
Windows 95 đã được phát hành từ cách đây gần 30 năm, nhưng một số tính năng vẫn tồn tại cho tới ngày nay.
Vào năm 1995, Microsoft đã phát hành phiên bản đầu tiên của hệ điều hành Windows 9x, được gọi với cái tên Windows 95. Trước đó, Windows đã rất phổ biến trong giai đoạn điện toán tới từng hộ gia đình và Windows 3.0 cũng mới xuất hiện chưa lâu. Tuy nhiên, chỉ tới khi Windows 95 ra mắt, thương hiệu này mới thực sự đạt được những bước tiến vượt bậc, khẳng định được tên tuổi của Microsoft trong lĩnh vực hệ điều hành PC.
Windows 95 được trang bị một số tính năng mà vẫn tồn tại cho tới ngày nay. Mặc dù những tính năng này có thể đã được nâng cấp, nhưng thực tế là nhiều sản phẩm hiện tại của Windows vẫn giữ lại các chức năng cốt lõi của hệ điều hành ra mắt vào mùa hè năm 95.
Nút Start
Một trong những đặc trưng của thiết kế giao diện Windows chính là nút Start. Chi tiết này đơn thuần là biểu tượng của Windows, thường nằm góc dưới bên trái màn hình. Khi ra đời năm 1995, nút là một ô lớn màu xám thép, chứa biểu tượng Windows 95 kèm chữ Start được bôi đậm với viền đen. Đây không chỉ là nơi chứa Menu tiện dụng cho người dùng, mà còn là điểm quan trọng đối với người lần đầu dùng Windows. Khi chưa biết bắt đầu từ đâu, họ chỉ cần đưa con trỏ chuột nhấn vào nút Start để được hướng dẫn.
Trong Start Menu chứa danh sách chương trình, lối truy cập nhanh đến tập tin tài liệu, danh mục cài đặt, tính năng tìm kiếm, mục hỗ trợ người dùng tìm hiểu các tính năng trên máy tính...
Thanh tác vụ Taskbar
Thanh tác vụ Taskbar từ Windows 95 trở đi có màu xám xuất hiện ở góc dưới màn hình. Nó chứa cả nút Start, đồng hồ hệ thống cũng như thẻ tác vụ của cửa sổ, chương trình đang hoạt động.
Mỗi khi người dùng mở một chương trình hay tập tin mới sẽ xuất hiện biểu tượng hình chữ nhật ở Taskbar để họ có thể nhấp chuột vào. Lúc này, ngay lập tức gọi cửa sổ đó hiển thị lên trên màn hình, tiết kiệm thời gian và thao tác tìm kiếm.
Plug and play
Từ Windows 95 cho tới hiện tại, người dùng có thể cắm thiết bị ngoại vi vào đúng cổng trên máy tính cá nhân (PC) và Windows sẽ tự động nhận, cấu hình lại đúng chuẩn. Tính năng này được gọi đơn giản là "Cắm vào là sử dụng" (Plug and Play).
"Plug and Play" ban đầu hoạt động không ổn định do nhiều tiêu chuẩn phần cứng và phần mềm chưa được thống nhất với nhau. Sau gần 30 năm, điều này gần như không còn là trở ngại nữa.
Thùng rác - Recycle Bin
Hơn 30 năm trước, Apple muốn vươn lên trong cuộc đua về giao diện người dùng trực quan với các biểu tượng và chức năng đặc biệt. Một trong những tính năng Apple mang đến cho người dùng máy tính là Trash Folder, tự hủy các tập tin người dùng đã xóa trong phiên làm việc (chuyển vào Trash Folder) khi máy khởi động lại.
Khoảng năm 1988, Apple kiện cả Microsoft lẫn Hewlett-Packard (HP) vì phát triển hệ thống trực quan với biểu tượng được cho là giống với Trash Folder. Microsoft thắng kiện nhưng thiết kế tính năng của hãng quá giống với Apple và buộc phải thay đổi. Năm 1995, Windows lần đầu có thùng rác mới mang tên Recycling Bin (Recycle Bin).
Không có khả năng xóa như trên Mac hay MS-DOS, Recycling Bin hoạt động như một tập tin tạm, cho phép người dùng kiểm tra lại những file tài liệu đang nằm trong đó trước khi xóa hoàn toàn khỏi máy.
Đặt tên dài cho tập tin
Trên MS-DOS và những phiên bản tiền nhiệm, tên của tập tin dài tối đa 8 ký tự và thêm định dạng mở rộng viết bởi ba chữ cái. Nếu phải lưu tài liệu quan trọng, người dùng phải tìm cách đặt tên mã để không vượt số chữ cái cho phép.
Windows 95 được thiết kế cho phép đặt tên dài cho tập tin lên tới 255 ký tự, đồng thời định dạng mở rộng cũng dài hơn. Dù chỉ là thay đổi nhỏ nhưng tính năng này lại hữu ích đối với việc đặt tên cho rõ ràng và hỗ trợ các định dạng mở rộng dài hơn sau này như JPEG hay HTML.