5 tư thế yoga giúp thông tắc động mạch
Động mạch bị tắc nghẽn bởi sự tích tụ thành mảng của các chất xơ vữa bên trong thành động mạch, nếu không được điều trị có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe nguy hiểm. Một số tư thế yoga có tác dụng lưu thông máu sẽ làm giảm tình trạng này.
1. Nguyên nhân gây tắc nghẽn động mạch là gì?
Động mạch là một phần quan trọng của tim và hệ tuần hoàn, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến các cơ quan và mô xung quanh cơ thể. Khi thành động mạch bị tổn thương do một nguyên nhân nào đó có thể gây viêm và dẫn đến tích tụ chất béo, hình thành mảng bám cứng (còn gọi là xơ vữa động mạch), khiến động mạch bị hẹp hơn theo thời gian.
Ngoài ra, người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch nhiều hơn do tình trạng bệnh làm gia tăng kết dính ở thành mạch máu, các tiểu cầu dễ tích tụ lại ở vùng mạch máu đã bị tổn thương, các sợi fibrin cũng tồn tại lâu hơn. Không chỉ thế, các trường hợp thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao, cholesterol cao và đái tháo đường, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch...

Tích tụ chất béo gây tình trạng tắc nghẽn trong lòng động mạch.
2. Một số tư thế yoga giúp thông động mạch
Yoga không chỉ là một hình thức tập thể dục mà còn là phương pháp tiếp cận toàn diện để có được sức khỏe tốt, giúp cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch. Bằng cách kết hợp các tư thế vật lý, bài tập thở và thiền, yoga giúp giảm căng thẳng, cải thiện lưu thông máu và giảm mức cholesterol. Luyện tập thường xuyên không chỉ thúc đẩy chức năng tim mạch mà còn giúp tim khỏe mạnh hơn, kiểm soát tốt tình trạng tắc nghẽn động mạch.
Các tư thế yoga thường được áp dụng bao gồm:
2.1 Tư thế rắn hổ mang
Tác dụng: Mở rộng lồng ngực, tăng cường lưu thông máu giúp cơ thể hấp thụ oxy tốt hơn. Bên cạnh đó, tư thế này còn giúp tăng cường sức khỏe cột sống và cung cấp năng lượng cho tim, rất tốt cho những người muốn kiểm soát mức cholesterol.
Cách thực hiện:
Nằm sấp trên sàn, đặt tay dưới vai và nhẹ nhàng nâng phần thân trên lên.
Giữ đầu thẳng, mắt nhìn về phía trước.
Giữ tư thế trong 3-5 nhịp thở.

Cách thực hiện tư thế rắn hổ mang giúp lưu thông máu.
2.2 Tư thế cây cầu
Tác dụng: Tư thế cây cầu hỗ trợ mở rộng lồng ngực, giảm căng thẳng và tăng cường lưu thông máu tốt hơn. Tư thế này cũng cung cấp năng lượng cho tuyến giáp, tuyến quan trọng để điều chỉnh quá trình trao đổi chất và cholesterol, góp phần tăng cường sức khỏe tim mạch.
Cách thực hiện:
Nằm ngửa trên sàn, co hai đầu gối và bàn chân đặt phẳng trên sàn.
Hai tay đặt hai bên thân, ngón tay chạm vào gót chân.
Từ từ nâng hông lên cao trần nhà, giữ tư thế trong 3-5 nhịp thở.
2.3 Tư thế cánh cung
Tác dụng: Tư thế này giúp tăng cường độ linh hoạt của cột sống và mở rộng lồng ngực để hít thở sâu hơn. Thực hành thường xuyên có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch và giúp làm sạch cholesterol khỏi động mạch.
Cách thực hiện:
Nằm sấp trên sàn, hai đầu gối gập ra phía sau và đưa chân lên cao.
Hai tay từ từ đưa ra sau để nắm 2 cổ chân, hít vào và dùng lực của chân kéo ra sau để nâng nâng ngực lên khỏi mặt sàn.
Lưu ý luôn giữ tay thẳng.
Đầu giữ thẳng, mắt nhìn lên để có thể nâng cao lồng ngực hơn nữa.
2.4 Tư thế vặn mình
Tác dụng: Tư thế vặn mình này rất tốt cho việc giải độc cơ thể và thúc đẩy tiêu hóa, cả hai đều liên quan đến sức khỏe tim mạch. Hơn nữa, tư thế này massage các cơ quan bụng, kích thích lưu thông máu và hỗ trợ kiểm soát mức cholesterol.
Cách thực hiện:
Ngồi với chân trái duỗi thẳng và chân phải cong.
Vặn thân mình về bên phải, gài cánh tay trái ra ngoài gối phải, tay phải đặt phía sau.
Giữ tư thế trong 3-5 nhịp thở.

Cách thực hiện tư thế vặn mình hỗ trợ lưu thông máu, ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch.
2.5 Kiểm soát hơi thở
Mặc dù không phải là tư thế vật lý nhưng việc kiểm soát hơi thở với các kỹ thuật như thở lửa và thở luân phiên giúp thanh lọc cơ thể, xoa dịu tâm trí, giúp giảm mức độ căng thẳng, giảm nguy cơ cholesterol cao và cải thiện dung tích phổi, hỗ trợ lưu thông máu, kiểm soát tình trạng tắc nghẽn động mạch.
- Cách thực hiện bài tập thở lửa: Ngồi thẳng lưng trong tư thế thoải mái, hít vào sâu qua mũi rồi co cơ bụng, liên tục thở mạnh ra.
- Cách thực hiện bài tập thở luân phiên:
Ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, dùng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay thuận;
Đặt ngón trỏ lên cánh mũi phải, bịt lỗ mũi phải, hít vào bằng lỗ mũi trái;
Dùng ngón trỏ bịt lỗ mũi trái, mở lỗ mũi phải thở hết ra rồi hít vào;
Tiếp tục đóng lỗ mũi phải, mở lỗ mũi trái, thở hết ra rồi hít vào...
Tiếp tục hít vào, thở ra qua hai lỗ mũi trong 3-5 phút.