5 vị thuốc lợi sữa dễ kiếm cho phụ nữ sau sinh
Đối với phụ nữ sau sinh, khi chậm sữa hoặc tắc sữa không chỉ ảnh hưởng đến việc cho trẻ bú mà con gây căng thẳng và áp lực lớn cho người mẹ. Từ xưa, dân gian đã lưu truyền nhiều cây thuốc, vị thuốc có tác dụng lợi sữa.
Việc chăm sóc bà mẹ sau sinh là cực kỳ quan trọng, vì người mẹ có khỏe thì đứa trẻ sẽ được nuôi dưỡng tốt. Việc lưu ý các kinh nghiệm dân gian trong chăm sóc và chuẩn bị bữa ăn cho người mẹ sau sinh là cần thiết, để giúp cung cấp đủ dinh dưỡng cho mẹ và bé.
Trường hợp thể chất người mẹ suy yếu sau sinh, sữa ít, dù đã bổ sung dinh dưỡng qua ăn uống, thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa, sử dụng các phương thuốc bổ dưỡng của y học cổ truyền, để nâng đỡ tổng trạng cho mẹ, lợi sữa cho bé.
1. Hoa chuối giúp lợi sữa
Theo y học cổ truyền, hoa chuối có vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thông kinh lạc, bình can tiêu ứ, hóa đàm nhuyễn kiên và được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền của nhiều quốc gia.
Với bà mẹ sau sinh, hoa chuối rất có lợi trong việc làm lành vết thương trong quá trình sinh nở do có chứa ethanol. Bên cạnh đó, hoa chuối đã được nghiên cứu về tác dụng tăng tiết prolactin – một hormone giúp tăng tiết sữa.
Do đó, để đảm bảo dồi dào nguồn sữa mẹ cho trẻ ngay từ đầu, phụ nữ sau sinh có thể sử dụng các món ăn chế biến từ hoa chuối như hoa chuối nấu tôm, hoa chuối nấu cá chép, hoa chuối hầm chân giò…
2. Cây diệp hạ châu
Cây diệp hạ châu hay còn gọi là cây chó đẻ răng cưa, mọc hoang ở nhiều nơi khắp nước ta. Toàn cây dùng làm thuốc.
Cây có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, giúp thông tiểu tiện, thông lợi sữa; phù hợp dùng trong trường hợp tắc sữa do viêm tuyến vú. Ngày uống 20 – 40 gam cây tươi sao khô, sắc đặc.
3. Rau đay
Rau đay là một loại rau quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày của người Việt. Canh cua rau đay là một món ăn vừa giàu dinh dưỡng, vừa có tác dụng nhuận tràng.
Tuần đầu tiên sau sinh, có thể ăn 150 – 200g rau đay trong bữa ăn chính, các tuần lễ sau, mỗi tuần ăn từ 200 – 250g giúp lợi sữa.
4. Trâu cổ
Trâu cổ hay còn gọi là cây xộp, hạt thường được gọi là hạt vương bất lưu hành.
- Chữa ít sữa: Có thể phối hợp với bồ công anh, sắc uống; hoặc nấu với móng giò heo, ăn một tuần vài lần.
- Trường hợp tắc tia sữa: Qủa trâu cổ 40g; lá mua, bồ công anh, mỗi thứ 15g. Sắc uống. Đồng thời dùng lá bồ công anh giã nhỏ thêm chút giấm thanh, sao nóng, chườm, đắp vào vùng đầu vú.
5. Thông thảo
Thông thảo là loài cây mọc hoang ở những nơi ẩm vùng cao như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Thông thảo có vị ngọt, tính nhạt, tác dụng lợi tiểu, thanh thấp nhiệt, lợi sữa.
Để phát huy tác dụng lợi sữa, dùng bài thuốc: Thông thảo 10g, với cám gạo nếp 10g, hạt bông (sao vàng) 15g, sắc uống.
Mời bạn xem tiếp video: