5 vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản bô xít
Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, có 5 vấn đề vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản bô xít tại tỉnh Bình Phước, Đắk Nông.
5 vấn đề vướng mắc trong thực tiễn
Ngày 12/8, tại Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Về liên quan đến quy hoạch khoáng sản bô xít, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, tại kỳ họp thứ 7, một số Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã đề nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến thực tiễn quy hoạch khoáng sản bô xít tại tỉnh Bình Phước, Đắk Nông.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng làm việc với các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh Đắk Nông.
Trên cơ sở kết quả làm việc, rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo như sau: Hiện nay, đang có 5 vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, bao gồm: Thứ nhất, vấn đề chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nằm trong khu vực quy hoạch bô xít.
Thứ hai, việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
Thứ ba, việc đóng cửa mỏ từng phần, bàn giao nhanh diện tích đã khai thác hết trữ lượng cho địa phương đưa vào sử dụng.
Thứ tư, vấn đề cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch bô xít.
Thứ năm, thu hồi khoáng sản trong quá trình thi công công trình, dự án nằm trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít.
Qua phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, sau khi rà soát, chỉnh lý, dự thảo Luật đã có một số quy định (có nội dung liên quan đến Luật Đất đai) để giải quyết các vướng mắc (2), (3) và (5).
Đối với vướng mắc (1), liên quan đến phương án được lựa chọn quy định tại Điều 16 dự thảo Luật (mục 3.2); đối với vướng mắc (4), hiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản không xử lý được vấn đề này vì chưa có quy định khả thi, phù hợp thực tiễn; do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ nội dung này.
Điều chỉnh quy hoạch khoáng sản cần phù hợp hơn với thực tiễn
Cụ thể, đối với vấn đề chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nằm trong khu vực quy hoạch bô xít, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, để tháo gỡ vấn đề này cùng với việc nâng cao chất lượng xây dựng các quy hoạch để giảm thiểu việc chồng lấn thì cần quy định việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản phù hợp hơn với thực tiễn.
Do đó, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án đối với Điều 16 về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản: Phương án 1: Việc điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch; Phương án 2: dự thảo Luật đề xuất các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo hình thức rút gọn và theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Về nội dung này được thể hiện tại Điều 16 và khoản 5 Điều 115 Dự thảo Luật.
Trường hợp quy định theo Phương án 2, sẽ kịp thời giải quyết việc chồng lấn quy hoạch khoáng sản. Trường hợp quy định theo Phương án 1, việc giải quyết các vướng mắc sẽ phải chờ đến khi Luật Quy hoạch được xem xét sửa đổi.
Về việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho hay, Điều 9 và Điều 218 Luật Đất đai đã có quy định sử dụng đất kết hợp đa mục đích, theo đó đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản được sử dụng kết hợp mục đích nông nghiệp, xây dựng công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ, thông tin, quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời. Tại Điều 36 của dự thảo Luật đã có quy định về việc thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Về việc đóng cửa mỏ từng phần, bàn giao nhanh diện tích đã khai thác hết trữ lượng cho địa phương đưa vào sử dụng, Dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh lý quy định tại khoản 4 Điều 84 về việc đóng cửa mỏ phải bảo đảm yêu cầu tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất sau khai thác; bổ sung điểm b khoản 2 Điều 85 về trường hợp trả lại một phần diện tích đã khai thác thì lập phương án đóng cửa mỏ, không phải lập đề án đóng cửa mỏ.
Quy định về đóng cửa mỏ khoáng sản tại Dự thảo Luật đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, vừa tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất hoạt động khoáng sản, phù hợp với đặc thù khai thác các loại khoáng sản như bô xít.
Về vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch bô xít, ý kiến đại biểu Quốc hội và UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị cần quy định về cấp phép cho các doanh nghiệp ở địa phương khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong khu vực đã quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít.
Thực tiễn việc tuân thủ quy hoạch cao hơn và nguyên tắc cấp giấy phép khai thác khoáng sản chỉ được cấp ở khu vực không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản hợp pháp đã dẫn đến một số lượng lớn các mỏ đất, vật liệu san lấp, mỏ đá, than bùn đang được quy hoạch cần phải bị loại ra khỏi khu vực chồng lấn với quy hoạch bô xít.
Tại dự thảo Luật hiện nay không giải quyết được vấn đề này. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, pháp luật về quy hoạch và pháp luật về khoáng sản không cho phép việc cấp cho 2 tổ chức, cá nhân cùng lúc thăm dò, khai thác trên một khu vực quy hoạch, dẫn đến không kiểm soát được hoạt động khoáng sản khi xảy ra tranh chấp, khó phân định trách nhiệm khi xảy ra sự cố môi trường, an toàn lao động... Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu nội dung này.
Về thu hồi khoáng sản trong quá trình thi công công trình, dự án nằm trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít, theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tại Điều 36 đã có quy định về thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và điểm d khoản 1 Điều 79 dự thảo Luật đã quy định về “Thu hồi khoáng sản các loại ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép thực hiện kể cả khoáng sản nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dữ trữ khoáng sản quốc gia”.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu để có thể bổ sung nội dung quy định về sử dụng khoảng sản như vật liệu san lấp cho dự án hoặc thi công các hạng mục công trình của dự án chồng lấn lên diện tích có khoáng sản trong trường hợp không đủ điều kiện thu hồi khoáng sản/ hoặc thu hồi không có hiệu quả kinh tế.
Có ý kiến đề nghị xây dựng nhóm khoáng sản đặc thù bô xít, titan và có chính sách riêng phù hợp với điều kiện hiện nay; các loại khoáng sản đặc thù như bô xít, titan phân bố quá rộng tại các địa phươngnên phải dừng các dự án, dẫn đến địa phương không có cơ hội để phát triển.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo như sau: Việc phân nhóm khoáng sản tại dự thảo Luật căn cứ vào công dụng và mục đích quản lý, khoáng sản. Tại khoản 2 Điều 7 đã quy định giao Chính phủ quy định danh mục cụ thể khoáng sản theo từng nhóm.
Các khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật như đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến không chỉ ở Luật Khoáng sản mà còn ở Luật Đất đai, Luật Quy hoạch… quy định về công tác khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, quy hoạch khoáng sản, sử dụng đất kết hợp đa mục đích, sử dụng đất sau khai thác.
Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc này, trong dự thảo Luật đã có các quy định về điều chỉnh quy hoạch (Điều 16); thực hiện dự án trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (Điều 36); sử dụng đất sau khai thác (Điều 84 và Điều 85). Luật Đất đai đã có quy định về sử dụng đất đai mục đích trong hoạt động khoáng sản (Điều 9 và Điều 218). Tại Điều 38 của dự thảo Luật đã quy định việc sử dụng đất trong hoạt động khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, quy định về phân nhóm khoáng sản như dự thảo Luật là phù hợp.