5 xét nghiệm cần làm trước tuổi 40
Chuyên gia y tế khuyến cáo rằng có 5 xét nghiệm cần làm trước khi bước sang tuổi 40 để biết rõ tình trạng sức khỏe của mình.
Bước sang tuổi 40, cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu lão hóa, dẫn đến xuất hiện nhiều bệnh tật không mong muốn. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp mọi người bảo vệ sức khỏe, duy trì thể trạng tốt, chủ động phòng ngừa bệnh tật.
Theo Tiến sĩ Sunny Jutla, chuyên gia y tế tại công ty xét nghiệm Medichecks (Anh), có 5 xét nghiệm cần thực hiện trước khi bước sang tuổi 40.
Xét nghiệm chỉ số sắt trong máu
Sắt là một trong những chất vi lượng có vai trò quan trọng bậc nhất để tổng hợp nên hemoglobin, chất có mặt trong tế bào hồng cầu, có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến các mô trong cơ thể.
Theo Tiến sĩ Jutla việc xét nghiệm chỉ số sắt trong máu nên được thực hiện từ sớm, kể cả với những người trẻ tuổi. Xét nghiệm này giúp phát hiện ra bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
Nếu không điều chỉnh, tình trạng này có thể dẫn đến các hiện tượng như da xanh, nhợt nhạt, tim nhanh, mệt, khó thở, chóng mặt, ù tai, lượng kinh nguyệt ít hơn bình thường ở nữ. Thiếu máu càng nặng thì triệu chứng càng rõ ràng hơn. Ngoài ra, còn có tình trạng tính tình dễ kích thích, đôi khi trầm cảm, rụng tóc, cảm giác ớn lạnh và nhiều biến chứng khác.
Ở trẻ em sẽ chậm phát triển tâm thần, vận động, chậm phát triển chiều cao. Đôi khi cảm giác dị cảm, lưỡi nóng rát, thích ăn uống những thức ăn lạ (hội chứng Pica) như thèm ăn đất sét, gạo sống, ăn nước đá, cảm giác khó nuốt, ăn kém, chán ăn....
Khi thiếu máu, thiếu sắt tùy trường hợp, các bác sĩ chỉ định khác nhau kể cả truyền máu trong trường hợp thiếu máu nặng. Để phòng ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, các gia đình cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu sắt như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, bí đỏ, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống,...
Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng các chế phẩm thuốc bổ sung sắt dạng uống như Ferrous sulfate; ferrous gluconate; ferrous fumarate với liều lượng: 2mg sắt/kg/ngày trong vòng 6 đến 12 tháng, nên bổ sung thêm vitamin C hoặc uống thêm nước cam, chanh để tăng khả năng hấp thu sắt.
Kiểm tra mức độ Cholesterol
Trong khi lấy máu xét nghiệm, người bệnh cũng nên kiểm tra mức cholesterol của mình.
Cholesterol là một chất béo có trong máu. Cơ thể cần cholesterol để tạo ra các tế bào khỏe mạnh, nhưng nếu mức cholesterol cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Mức cholesterol cao có thể làm mỡ tích tụ trong mạch máu. Về lâu dài, lớp mỡ này tích tụ nhiều hơn gây cản trở máu chảy qua động mạch.
Tiến sĩ Jutla giải thích thêm: "Một số yếu tố trong lối sống có thể làm tăng nguy cơ cholesterol cao, ví dụ như ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo và hút thuốc. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Anh, cứ 5 người thì có 2 người có cholesterol cao, và điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ".
Những người phát hiện ra mình có mức cholesterol cao nên cắt giảm rượu, ngừng hút thuốc và tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần.
Xét nghiệm vi chất dinh dưỡng
Tiến sĩ Jutla cũng đề nghị xét nghiệm vi chất dinh dưỡng để xem liệu chế độ ăn hiện tại có cung cấp đủ tất cả các vitamin và khoáng chất cần thiết hay không.
Tiến sĩ Jutla cho biết: "Không phải lúc nào cũng dễ dàng ăn uống lành mạnh, đặc biệt với những người đang có lịch trình bận rộn hoặc đang cố gắng đáp ứng ngân sách eo hẹp. Ngoài ra, một số người có sở thích ăn uống nhất định có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin, chẳng hạn như ăn chay không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 hoặc vitamin D".
Vì vậy, việc xét nghiệm vi chất dinh dưỡng trong cơ thể giúp đánh giá chế độ dinh dưỡng của các gia đình để có điều chỉnh phù hợp sao cho cân bằng và đa dạng.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên
Tiến sĩ Jutla cho biết, chỉ riêng ở Anh đã có tới 5 triệu người bị huyết áp cao không được chẩn đoán.
Tình trạng tăng huyết áp nếu không được phát hiện và điều trị sẽ khiến tim làm việc nặng nề, mệt mỏi, áp lực tác động lên thành mạch máu lớn, làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa mắt...
Tầm soát ung thư da
Theo Tiến sĩ Jutla, ung thư da hiện là loại ung thư phổ biến nhất ở Anh, với số ca bệnh tiếp tục gia tăng.
Ung thư da là kết quả của sự phát triển bất thường của các tế bào của da, thường xuất hiện nhiều trên những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên một số dạng ung thư da phổ biến cũng có thể xảy ra trên những vùng da thường không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Để phát hiện sớm bệnh, điều quan trọng là phải chú ý đến những thay đổi của làn da. Tiến sĩ Jutla cho biết: "Chẩn đoán sớm rất quan trọng. Mỗi người nên chú ý đến các khu vực da có dấu hiệu thay đổi màu sắc hoặc kết cấu và quan sát kỹ xem có bất kỳ thay đổi nào đối với nốt ruồi không".
Bất kỳ ai chứng kiến sự thay đổi của da nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để có thể thực hiện sinh thiết nếu cần thiết.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/5-xet-nghiem-can-lam-truoc-tuoi-40-d194190.html