5 xu hướng du lịch sau đại dịch
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Sáng nay (25-12), tại Nghệ An, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến 19 điểm cầu tại các tỉnh trọng điểm về du lịch trong cả nước và phát trực tiếp trên các nền tảng trực tuyến.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết trong suốt 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, các hoạt động du lịch quốc tế tại Việt Nam đóng cửa hoàn toàn, khách nước ngoài chủ yếu là các chuyên gia, khách công vụ. Du lịch nội địa hoạt động phụ thuộc vào chu kỳ bùng phát dịch và diễn ra hết sức cầm chừng.
Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỉ đồng, giảm 59% so với năm 2019.
Năm 2021, tình hình càng tồi tệ hơn với đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước, khiến các hoạt động kinh tế, xã hội của phần lớn tỉnh/thành phố trong cả nước đình trệ nhiều tháng, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát tương đối tốt, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong những giai đoạn tới.
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu của con người. Đồng thời, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đã nhận định những xu hướng du lịchsau đại dịch có thể được dự đoán như: Xu hướng du lịch đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh; Xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm quản lý đảm bảo an toàn, cũng như các dịch vụ hạn chế tiếp xúc; Xu hướng du lịch theo những nhóm nhỏ; Xu hướng du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; Xu hướng lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng trong những tháng cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã và đang dần được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều tỉnh/thành trong cả nước đã sẵn sàng chuẩn bị các phương án để tái khởi động, phục hồi du lịch nội địa, hướng tới chính thức mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế dự kiến vào giữa năm 2022.
Không thể phủ nhận rằng, nguy cơ bùng phát lại dịch bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra nếu các quy định và điều kiện đảm bảo an toàn chưa được thống nhất và kiểm soát thật tốt.
Tuy nhiên, theo ông Việt kịch bản lạc quan về một tương lai sống chung với Covid-19 là điều hoàn toàn có thể xảy ra và khi ấy, nhu cầu du lịch của con người chắc chắn sẽ tăng mạnh.
Chính vì thế, một lộ trình tái khởi động và phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá trong tương lai khi đại dịch đi qua.
Theo cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/5-xu-huong-du-lich-sau-dai-dich/