50 công trình kiến trúc tiêu biểu phía Nam có Khu tưởng niệm các Vua Hùng
Hội thảo '50 năm kiến trúc Việt Nam sau đất nước thống nhất' do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức nhằm tổng kết thành tựu và định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam thời kỳ mới.
Ngày 19-4, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam phối hợp với Hội KTS TP.HCM tổ chức Hội thảo “50 năm kiến trúc Việt Nam sau đất nước thống nhất".
Đây là hội thảo nằm trong chương trình hoạt động của Hội KTS Việt Nam về tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau khi đất nước thống nhất (30-4-1975 - 30-4-2025).

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, KTS Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội KTS VN, Chủ tịch Hội KTS TP.HCM đã điểm qua các công trình kiến trúc nổi bật trước và sau giải phóng.

KTS Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội KTS VN, Chủ tịch Hội KTS TP.HCM.
"Từ năm 1954-1975, có rất nhiều công trình kiến trúc nổi bật do người Việt làm ra, phù hợp với văn hóa, khí hậu, môi trường Việt Nam, tạo được một dấu ấn kiến trúc như: Thư viện Tổng hợp TP.HCM, Trường Đại học Y dược TP.HCM, Trường THPT chuyên Trần Đại nghĩa, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), Nhà thờ chính tòa TP Vĩnh Long..." - ông Lưu nói.
Cũng tại hội thảo, GS-TS-KTS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam, nhận định rằng trong 50 năm qua, kiến trúc Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và có bước tiến mạnh mẽ trong hội nhập quốc tế, dù vẫn còn một số hạn chế.

GS-TS-KTS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
"Kiến trúc nhiệt đới và kiến trúc xanh là những xu hướng phát triển phù hợp, vừa kế thừa giá trị truyền thống, vừa đáp ứng yêu cầu hiện đại. Tuy nhiên, công tác lý luận và phê bình kiến trúc hiện vẫn thiếu đội ngũ chuyên nghiệp đủ mạnh để định hướng tư tưởng và dẫn dắt nền kiến trúc phát triển bền vững" - ông Thông nhận định.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS-KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết những bài tham luận tại hội thảo đã đi thẳng được vào các vấn đề, nhìn nhận rằng trong 50 năm vừa rồi Việt Nam có thành có bại, từ quy hoạch cho đến thiết kế công trình.
"Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh rằng bên cạnh những thành tựu đạt được trong 50 năm qua, kiến trúc Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần được nhìn nhận và khắc phục trong thời gian tới. Kiến trúc là một lĩnh vực xã hội có ý nghĩa lớn lao, sự thành công của sản phẩm kiến trúc không chỉ phụ thuộc vào tài năng hay tâm huyết của kiến trúc sư, mà còn bắt nguồn từ tầm nhìn của nhà đầu tư và ý chí của người lãnh đạo.
Các tham luận cũng chỉ ra rằng kiến trúc Việt Nam cần tiếp tục phát triển trên nền tảng bản sắc dân tộc, hướng tới sự tiếp biến, đổi mới và sáng tạo. Trong tương lai, giới kiến trúc sư cần có cách tiếp cận sâu sắc hơn, tạo ra những công trình vừa hiện đại vừa đậm nét văn hóa Việt, góp phần định hình diện mạo kiến trúc mang tính bản địa, phản ánh rõ đặc trưng từng vùng miền trong bức tranh chung của nền kiến trúc nước nhà” - ông Sơn nói.

Các đại biểu tham quan tại hội thảo.
Trong khuôn khổ hội thảo, Hội KTS Việt Nam đã trao tặng “Bằng khen Công trình Kiến trúc tiêu biểu các tỉnh, thành phía Nam - 50 năm đất nước thống nhất” cho 50 công trình kiến trúc tiêu biểu của 34 tỉnh, thành phía Nam (từ Quảng Trị trở vào).
Đây là những công trình kiến trúc tiêu biểu của nhiều tỉnh, thành như: Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ của nhóm kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tại, Nguyễn Đức Thịnh, Vũ Đình Dũng;
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam của kiến trúc sư Nguyễn Luận; quảng trường Lâm Viên Đà Lạt của kiến trúc sư Trần Văn Dũng;.
Nhà hát Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu của kiến trúc sư Vương Hoàng Lê; Nhà hát Sông Hương ở Huế của nhóm kiến trúc sư Nguyễn Xuân Minh, Huỳnh Quang;

Khu tưởng niệm các Vua Hùng của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đặc biệt TP.HCM có đến 10 công trình kiến trúc được vinh danh như: Khu tưởng niệm các Vua Hùng của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu; đền tưởng niệm Bến Dược - Củ Chi của kiến trúc sư Khương Văn Mười; Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM của kiến trúc sư Nguyễn Trung Kiên; Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) của kiến trúc sư Đồng Viết Thái…