50 năm ASEAN: Cú hích cải cách cho ô tô Việt trong AEC
Ở phần 2 của bàn tròn trực tuyến 'Bài học hội nhập từ ngành công nghiệp trong AEC', câu chuyện của ngành ô tô Việt được mổ xẻ với nhiều thông tin chuyển biến tích cực. Nhận thức và sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt nói chung để hội nhập ASEAN đã đầy đủ, toàn diện hơn.
Nhân dịp kỉ niệm 50 thành lập ASEAN, báo VietNamNet tổ chức bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN bài học hội nhập từ ngành công nghiệp”.
Chương trình có sự tham gia của 3 vị khách mời:
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại Công Nghiệp Việt Nam.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Vông nghiệp nặng, Bộ Công Thương.
Phần I của bàn tròn:
Theo dõi phần II của bàn tròn tại video sau:
Tín hiệu tích cực hội nhập từ ngành ô tô
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông Phạm Anh Tuấn, vậy đối với ngành mà ông phụ trách và hiểu rất sâu là ngành công nghiệp ô tô, ông thấy là có những động thái nào tích cực nào nhất đáng ghi nhận cho việc nỗ lực chủ động hội nhập của doanh nghiệp trước bối cảnh thuế nhập khẩu sắp tới giảm xuống 0% và từ đó tranh thủ tận dụng được các cơ hội trong thị trường chung ASEAN sắp tới?
Ông Phạm Anh Tuấn: Về công nghiệp ô tô nói riêng, muốn phát triển trước tiên là phụ thuộc vào dung lượng thị trường. Hiện nay, trong các nước ASEAN, Thái Lan đã đạt 250 xe/ 1000 dân ở mức độ bão hòa, Malaysia là 400 xe thì đáp ứng thừa nhu cầu thị trường, chỉ còn Việt Nam là 22 xe/1000 dân và Philippines là 35 xe /1000 dân là có cơ hội phát triển.
Trong quá trình hội nhập ASEAN, có thể thấy, chúng ta vẫn có điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng phát triển.
Như ta đã thấy, tại Thái Lan, xe Toyota tại Thái đã dư thừa, ở Indonesia cũng đã dư thừa. Điều đó thể hiện qua mấy năm gần đây, một số sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của các hãng, đồng thời, cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các phụ tùng linh kiện của các nước trong khu vực, lấy xuất sứ ASEAN để xuất khẩu hàng hóa của mình.
Ngoài ra đối với doanh nghiệp công nghiệp ô tô trong nước, phải nói rằng, nhiều người hay đánh giá chính sách phát triển ô tô trong nước theo sản phẩm xe con tức xe chở người dưới 9 chỗ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương và nhà báo Phạm Huyền (ảnh: VietNamNet)
Nhưng thực tế, Chiến lược quy hoạch ngành công nghiệp ô tô được Chính phủ phê duyệt năm 2014 và Quyết định 229 năm 2016 đã nêu rõ ưu tiên phát triển xe định hướng cho tương lai. Đó là xe chở người dung tích nhỏ dưới 1.5 lít, xe tiết kiệm nhiên liệu, xe Hybrid, xe định hướng tương lai… Những xe đó đối với hầu hết với các nước ASEAN và Việt Nam hiện nay vẫn đang tương đối mới.
Ngoài ra, với dòng sản phẩm rất quan trọng là xe thương mại, các loại xe chuyên dùng phục vụ cho an ninh quốc phòng, xe phục vụ nông nghiệp nông thôn, xe chở khách, xe buýt, xe tải, xe khách, xe tải nhẹ… thực tế chúng ta đang làm rất tốt.
Ví dụ xe khách giường nằm cỡ lớn ở Việt Nam có Thaco, Thượng Hải và Samco và các doanh nghiệp nội địa đang làm rất tốt gần như đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ngoài ra đối với các xe thương mại, xe tải nhẹ, xe Việt Nam đã làm rất tốt và có sức cạnh tranh, có sức tiêu thụ rất lớn trên thị trường.
Nếu xét về tổng thể, tôi thấy dư địa cho ngành sản xuất ô tô phát triển vẫn còn rất nhiều. Ngoài ra có thể nói với nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước hiện nay như một số doanh nghiệp lớn đã tận dụng những cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp có thế mạnh về ô tô nhưng không nằm trong ASEAN như Hàn Quốc và một số nước khác, sử dụng công nghệ và thiết bị của họ, lấy xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu. Tôi nghĩ đây là một thái độ chủ động tích cực đáng ghi nhận trong quá trình hội nhập của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, gần đây ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn nổi lên hai trường hợp là ô tô Trường Hải và Hyundai Thành Công có vẻ như lội ngược dòng, tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất, thậm chí một số mẫu xe chuyển từ nhập khẩu sang sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, có những doanh nghiệp ô tô liên doanh khác làm ngược lại, khộng tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam và chuẩn bị chuyển sang thành nhập khẩu để tranh thủ cơ hội thuế nhập khẩu giảm xuống 0% ở trong Asean.
Cá nhân ông đánh giá và nhìn nhận như thế nào về hiện tượng này?
Ông Phạm Anh Tuấn: Trước tiên, phải nói là kinh doanh là chuyện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ tạo môi trường để phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bất kể doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc mọi thành phần kinh tế ở Việt Nam.
Đối với những doanh nghiệp trong nước thì một số doanh nghiệp như Thaco, Hyundai Thành Công có thể nói đã tận dụng những cơ hội sẵn có để phát triển, vốn là 2 doanh nghiệp phát triển rất mạnh ở Việt Nam. Thaco Trường Hải chiếm thị phần thời gian gần đây là khoảng 50% thị phần xe tải, xe buýt và xe con trong nước. Các hãng này hợp tác với Mazda, Kia với Hyundai và một số hãng khác để phục vụ sản xuất trong nước.
Hyundai Thành Công là 1 trong 2 doanh nghiệp ô tô đã mở rộng sản xuất để hướng tới xuất khẩu trong ASEAN (ảnh chụp robot tự động trong nhà máy Hyundai Thành Công: Phạm Huyền)
Quy trình sản xuất ô tô ở nước nào cũng giống nhau, đầu tiên là nhập khẩu, lắp ráp về sau nghiên cứu và dần làm chủ công nghệ và xuất khẩu.Tôi nghĩ là Thaco và Hyundai Thành Công là đang đi đúng hướng. Cả hai doanh nghiệp này cũng đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Còn đối với những doanh nghiệp khác, nếu họ thấy sản xuất trong nước không có lợi thì có thể chuyển sang sản xuất ở các nước có chi phí rẻ hơn hay chuyển sang nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Đó là câu chuyện kinh doanh trong bối cảnh là thương mại toàn cầu mà chúng ta phải chấp nhận.
Nhà báo Phạm Huyền:Có thể thấy, sự phát triển thành công của một ngành sản xuất trong hội nhập không chỉ liên quan tới việc dựa vào chính sách bảo hộ thuế mà phải nằm ở chiến lược dài hạn ngay từ đầu.
Thưa ông Phạm Đình Thi, ông suy nghĩ thế nào khi có tình trạng, cứ nhắc đến hội nhập và giảm thuế thì rất nhiều luồng ý kiến lo ngại là doanh nghiệp Việt Nam trong nước sẽ không tranh nổi và thậm chí, những yếu kém trong sản xuất công nghiệp hay sản xuất hàng hóa nói chung trên thị trường đôi khi lại được đổ lỗi cho chính sách thuế? Trong hội nhập, cụ thể là hội nhập ASEAN, ông đánh giá ra sao sự đóng góp của chính sách thuế đối trong việc phát triển các ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam?
Ông Phạm Đình Thi: Trong bối cảnh hội nhập sâu sắc, chính sách thuế có tác động quan trọng tới các ngành sản xuất, nhưng để các ngành phát triển thì cần phải có hệ thống giải pháp, trong đó các cấp từ Chính phủ, từ các bộ ngành, địa phương và bản thân mỗi doanh nghiệp là phải có sự thay đổi.
Trở lại với công nghiệp ô tô để minh chứng cho điều đó. Ta có thể thấy, trong lúc có một số doanh nghiệp ô tô thu hẹp sản xuất, một số thì chờ để nghe ngóng thì lại có những doanh nghiệp vẫn quyết tâm đầu tư và đầu tư rất lớn. Có thể ví dụ như Trường Hải mới khánh thành sản xuất xe Mazda với quy mô vốn là hơn 12 nghìn tỷ đồng và công suất là 100 nghìn xe/ năm, hoặc là ô tô Hyundai Thành Công cũng đang triển khai dự án với số vốn là hơn 10 nghìn tỷ đồng để sản xuất lắp ráp xe buýt, xe du lịch và xe tải.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính (ảnh: VietNamNet)
Như vậy, cũng chính sách đấy, có doanh nghiệp là đang nỗ lực đầu tư. Tôi đánh giá rất lớn quyết tâm của Hyundai Thành công cũng như của ô tô Trường Hải trong việc mở rộng đầu tư ngay thời điểm Việt Nam phải xóa bỏ bảo hộ đối với ngành sản xuất ô tô.
Trong cùng một mặt bằng chính sách, trong cùng một thời điểm và tới đây chúng ta thực hiện hội nhập hoàn toàn với ASEAN, việc đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp, đấy là quyền của mỗi doanh nghiệp. Tùy doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá nhìn nhận khả năng thị trường để trên cơ sở đó, họ tái cơ cấu chính họ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đó là câu chuyện thứ nhất.
Thứ hai là một số trường hợp như Thành Công hoặc là Trường Hải, rõ ràng họ đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam. Bởi chúng ta có 4 cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp ô tô này, đặc biệt là cơ hội từ thị trường.
Nói về sức ép cạnh tranh, bản thân cạnh tranh vừa là cơ hội nhưng đồng thời vừa là thách thức.
Cơ hội là khi có cạnh tranh, theo các cụ xưa nói là “cái khó ló cái khôn”, cạnh tranh càng lớn thì doanh nghiệp phải tìm hiểu thêm đào sâu thêm, quản trị doanh nghiệp tăng thêm, tái cơ cấu lại doanh nghiệp từ vốn đến cả người lao động để nâng cao hơn hiệu quả kinh doanh. Những doanh nghiệp nào vượt qua được thời điểm đó thì sẽ trụ vững và vươn xa hơn.
Và rõ ràng, trong cạnh tranh đó, thách thức là doanh nghiệp nào không vượt qua được thì sẽ không thể tồn tại được.
Chính sách thuế có tác động nhưng ở từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có mức độ tác động khác nhau. Để chuẩn bị cho công cuộc hội nhập này, lĩnh vực chính sách thuế đã chuẩn bị có những nội dung hơn 20 năm. Chúng ta từng bước sửa đổi hệ thống . Công cuộc cải cách thuế lần thứ nhất là thực hiện từ 2001 – 2010, sửa một loạt vấn đề. Trước 2003, chúng ta có thuế ưu đãi riêng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và với doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo Luật Đầu tư, chịu thuế suất là 10%, 15%, 20% là thuế suất ưu đãi. Trong khi thuế suất phổ thông là 32%. Nhưng doanh nghiệp trong nghiệp trong nước lại thuế suất ưu đãi là 15%, 20%, 25%, cao hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 5%. Từ khi có Luật Quản lý thuế 2003, có hiệu lực từ ngày 1/1/2004, chúng ta thống nhất ưu đãi để đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Ví dụ về thuế tiêu thu đặc biệt, trước 1/4/2009, là thời điểm Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực, thuế suất chỉ được đánh theo số chỗ ngồi. Theo đó, ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 50% . Trước nữa, năm 2003, thuế suất là 100%. Riêng sản xuất lắp ráp trong nước, thuế lại được giảm tới 95%.
Đến giai đoạn 2009 trở đi, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đã lấy căn cứ đánh thuế là vừa theo chỗ ngồi và vừa theo dung tích xi lanh để có mức thuế cho phù hợp. Như vậy, chính sách thuế đã thay đổi căn bản nhiều nội dung, đó chính là những chuẩn bị trước cho quá trinh hội nhập của chúng ta chứ không phải đến bây giờ chúng ta hội nhập rồi mới nói đến cải cách chính sách thuế.
Đến nay, chúng ta đang tiếp tục thực hiện cải cách chính sách thuế giai đoạn 2011- 2020 và hiện, đang tổng kết đánh giá lại các sắc thuế để trên cơ sở đó sửa đổi bổ sung các chính sách cho hợp lý, phù hợp trong điều kiện hiện nay, để chính sách phát huy được hiệu quả cao nhất, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Hiểu biết về Cộng đồng kinh tế ASEAN đã tăng mạnh
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà Nguyễn Thu Trang, cách đây vài năm trước có một nghiên cứu công bố có hơn 60% doanh nghiệp chưa biết gì về hội nhập ASEAN. Vậy bà cảm nhận thế nào về nhận thức của doanh nghiệp ngày nay về vấn đề này, đặc biệt là những thách thức cũng như cơ hội trong Cộng đồng kinh tế đồng kinh tế ASEAN mang lại?
Các doanh nghiệp Việt đã nhận thức tốt hơn về cơ hội trong ASEAN (ảnh chụp nhà máy ô-tô Hyundai Thành Công : Phạm Huyền)
Bà Nguyễn Thu Trang: Từ góc độ VCCI, chúng tôi cũng đã có những điều tra có liên quan. Tuy nhiên mẫu điều tra thì không giống nhau và kết quả có sự khác biệt. Có thể nhìn thấy qua các điều tra này một sự thay đổi trong nhận thức và sự chuẩn bị của doanh nghiệp cho hội nhập nói chung và hội nhập Cộng đồng kinh tế Asean nói riêng.
Khoảng cuối 2015, chúng tôi có thực hiện điều tra về nhận thức của doanh nghiệp về ASEAN và về những cam kết về mở cửa thị trường trong ASEAN. Kết quả cho thấy, có khoảng 40% các doanh nghiệp có nghe nói về vấn đề này. Cuối 2016, chúng tôi tiếp tục làm điều tra, thì kết quả đã khả quan hơn, số những doanh nghiệp biết, có nghe nói về Cộng đồng kinh tế ASEAN và những cam kết trong ASEAN đã tăng lên gần gấp đôi, gần 80%. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng và tôi nghĩ là công lao có lẽ chính ở mốc tuyên bố thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN này.
Những cam kết mở của trong ASEAN đã có từ lâu nhưng bằng việc công bố mốc thành lập AEC này, tất cả doanh nghiệp bắt đầu nhìn nhận về ASEAN nhiều hơn một cách tập trung hơn và đầy đủ hơn.
Tuy nhiên, có một điểm chúng tôi rất quan ngại. Trong số 80% nói rằng có nghe nói có biết về các cam kết ASEAN thì chỉ có 16% là biết rõ về những cam kết liên quan lĩnh vực của mình. Điều này cho thấy số thực sự biết được hội nhập đang và sẽ tác động đến mình như thế nào thông qua các cam kết ASEAN vẫn còn là rất nhỏ trong tổng số nói chung. Chính vì vậy mà Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đã phải tập trung ngay triển khai để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong vấn đề này.
Bởi vì rõ ràng, trước khi nói đến việc doanh nghiệp phải hành động như thế nào thì họ cần phải có kiến thức đầy đủ và chính xác, như vậy, doanh nghiệp mới có thể chuẩn bị tốt cho việc hội nhập, tận dụng cơ hội hay vượt qua thách thức.
Năm 2017 chúng tôi chưa có thêm điều tra xem xét doanh nghiệp thay đổi như thế nào nhưng qua các hoạt động của VCCI, tôi có thể nói, đã có một thay đổi rất lớn là hàng ngày số câu hỏi mà chúng tôi nhận được về những cam kết trong ASEAN, về những thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, về những cam kết để họ áp dụng trong doanh nghiệp của mình đang ngày càng nhiều lên rất nhiều.
Trước đó, năm 2016, chúng tôi hầu hết chỉ nhận được những câu hỏi về TPP, về các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Nhưng đến lúc TPP chững lại hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU vẫn ở trong giai đoạn rà soát, chưa ký thì với việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN, các doanh nghiệp bắt đầu nhìn nhận lại hội nhập trong khu vực.
Có lẽ khi đó, họ nhận ra rằng, Cộng đồng kinh tế ASEAN, nền kinh tế ASEAN, các vấn đề về một thị trường chung mới là cái gần gũi hơn, thực tế hơn và những cơ hội và thách thức hiện hữu cũng đang nằm ở đó. Dường như, các doanh nghiệp giờ đang bắt đầu có sự khởi động cho hội nhập trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, dù rằng, các cam kết hội nhập này đã có từ rất lâu. Hiệp định ATIGA áp dụng từ năm 2010 nhưng đến bây giờ các doanh nghiệp mới bắt đầu quan tâm thị trường ASEAN, có lẽ là hơi muộn nhưng tôi nghĩ, muộn còn hơn không.
Tôi cho rằng việc các doanh nghiệp đang dần dần có một cái nhìn đầy đủ và bắt đầu quan tâm đến những cam kết hội nhập không phải như là một thứ gì xa xôi mà là những thứ mà trực tiếp tác động đến họ, tìm hiểu để hành động, để chớp được cơ hội là tín hiệu rất tích cực.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy trong thời gian tới, bà đánh giá như thế nào về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể cơ quan ban hành những chính sách pháp luật về thuế chẳng hạn để tạo thuận lợi, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam có thể hội nhập tốt hơn trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI (ảnh: VietNamNet)
Bà Nguyễn Thu Trang: Tôi rất tâm đắc câu nói của ông Phạm Anh Tuấn lúc trước có nói cạnh tranh là câu chuyện của doanh nghiệp. Thế Nhà nước làm gì ở đây?
Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam là nơi đầu mối để tiếp nhận những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đối với các chính sách trong nước là quốc tế, liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và đầu tư của doanh nghiệp. Qua đó, chúng tôi nhận thấy, các doanh nghiệp luôn mong chờ nhất ở Nhà nước là tạo môi trường cạnh tranh thật tốt và hãy cứ để họ theo cạnh tranh theo thị trường, kể cả sống hay chết. Và điều đầu tiên doanh nghiệp mong muốn là có một chính sách minh bạch, ổn định, có thể dự đoán trước được và nó công bằng giữa các đối thủ cạnh tranh.
Trong rất nhiều hoạt động chúng tôi đã làm về doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp có một nỗi ấm ức rằng: tôi nhỏ thì có phải là cái tội không? Tôi nhỏ nhưng tôi cạnh tranh trong thị trường ngách của tôi. Nếu tôi nhỏ, tôi không cạnh tranh được thì lúc đấy tôi sẽ chịu trách nhiệm và sẽ phải chịu thiệt hại. Nhà nước chỉ cần tạo ra cho tôi một môi trường tốt thôi.
Dường như đâu đó, doanh nghiệp vẫn phản ánh là hình như những chính sách bảo hộ nếu có chủ yếu là bảo hộ cho những anh lớn chứ không phải là những anh nhỏ. Đây cũng là một cái chúng ta gọi là éo le và làm cho cộng đồng doanh nghiệp có thể chưa yên tâm về môi trường cạnh tranh của mình.
Thứ hai, đối với các ngành, họ mong Nhà nước có một quy hoạch phát triển ngành khoa học chứ không phải theo ý chí chủ quan, kiểu như ngành sữa phải sản xuất đến năm 2020 thì bao nhiêu lít sữa hay bao nhiêu con bò… mà nó phải dựa trên tính toán thị trường. Quy hoạch đó nó ổn định để cho các doanh nghiệp có chính sách hoạt động của mình.
Một điểm nữa liên quan đến cạnh tranh và là điều kiện rất mà doanh nghiệp mong chờ, đó là đối với thị trường trong nước, Nhà nước làm sao có chính sách tạo ra được những kênh phân phối khoa học và thuận lợi để làm sao cho các nhà sản xuất công nghiệp nói riêng hay sản xuất nói tiếp cận được người tiêu dùng trong nước.
Như chúng ta cũng nói nhiều lần là chúng ta có chính sách khuyến nông, khuyến công mà khuyến thương thì chưa thấy. Chúng ta cũng có những chính sách về thị trường bán lẻ, nhưng bên cạnh đấy chúng ta dường như có chính sách hơi bất lợi cho nhà bán lẻ trong nước đi kèm với những nhà sản xuất cung cấp cho sản xuất bán lẻ. Dường như chúng ta đang mở thị trường bán lẻ nhanh hơn so với cam kết, rộng hơn so với cam kết WTO. Và cuối cùng, thị trường đối với những doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu, làm sao cần phải có chính sách xuất khẩu cho được thuận lợi.
Lại liên quan tới thủ tục hải quan, thuế, tôi thấy doanh nghiệp mong chờ nhất là chính sách làm sao để hàng hóa đi được thuận lợi chứ không phải cần những trợ cấp, hỗ trợ bằng thuế hay bằng cái khác…
Khi làm việc với doanh nghiệp, chúng tôi đều nói, không gian chính sách, tức khoảng mà Nhà nước có thể đặt ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện đã không còn nhiều. Đặc biệt, đối với chính sách thuế như thuế xuất nhập khẩu, như ông Thi nói, không gian hỗ trợ không còn nữa. Chúng ta đã có những cam kết loại bỏ thuế, chúng ta không thể bảo hộ doanh nghiệp bằng hàng rào thuế quan nữa.
Chúng ta cũng cam kết là không trợ cấp theo các cách thức nào khác cho doanh nghiệp nên chắc chắn rằng, trong thời điểm hiện nay, khi đã hội nhập, doanh nghiệp không thể trông chờ Nhà nước có biện pháp hỗ trợ mang tính hành chính và phi thị trường. Doanh nghiệp phải tự mình cạnh tranh, phải có những cải cách như về quản trị, về chuỗi sản xuất, về nguồn cung, về đầu ra về tất cả mọi thứ liên quan đến cạnh tranh của mình.
Còn câu chuyện cạnh tranh, nói tóm lại là câu chuyện của doanh nghiệp và chúng ta cũng không cần lo lắng quá là ở ngành sản xuất nào đấy chúng ta không phát triển bằng các nước xung quanh.
Ngày trước tôi có làm việc với nhiều bạn ở Hồng Kong và Hồng Kông có nhiều ngành sản xuất nhưng họ lại phát triển dịch vụ thương mại, dịch vụ ngân hàng và mặc dù họ sản xuất không nhiều nhưng lại xuất khẩu rất nhiều bởi vì họ nhập xong họ xuất.
Nhà báo Phạm Huyền: Doanh nghiệp cần nhất là một môi trường cạnh tranh minh bạch với các chính sách có thể dự báo trước. Thưa ông Phạm Đình Thi, vậy ông có thể cho biết là trong thời gian tới để tạo điều kiện thuận lợi hơn đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, bứt phá và thành công được trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, ông nghĩ liệu các cơ quan quản lý như cơ quan ban hành chính sách thuế sẽ cần làm gì để có thể hoàn thành tốt sứ mệnh của mình là tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi nhu vậy?
Nhà báo Phạm Huyền và ông Phạm Đình Thi (ảnh: VietNamNet)
Ông Phạm Đình Thi: Như tôi đã trao đổi, riêng về chính sách thuế, thuế xuất nhập khẩu năm 2018 về bằng 0% theo cam kết trong ASEAN, tức không còn dư địa “hỗ trợ” gì cả.
Tuy nhiên, chúng ta phải nói rằng thời gian đã qua trong suốt 30 năm đổi mới, hệ thống chính sách thuế đã luôn luôn được sửa đổi bổ sung hoàn thiện. Trong giai đoạn tới đây tôi cho rằng chúng ta phải tổng kết, đánh giá lại toàn bộ các chính sách thuế hiện hành của chúng ta. Trong điều kiện hội nhập này, cái gì chúng ta còn cơ hội thì chúng ta sẽ tận dụng hết cơ hội để làm sao thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Bởi thuế là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế, trong đó có nhiệm vụ là thúc đẩy sản xuất phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng này.
Vấn đề đặt ra là chúng ta vẫn còn tận dụng được những cái cam kết.
Ví dụ như trong mặt hàng này, hiện nay trong cam kết chúng ta tới vài năm nữa chúng ta mới giảm thuế xuống 0% trong ASEAN. Vậy rõ ràng, thời điểm bây giờ ta vẫn còn cơ hội, tức là có thể điều chính chính sách cho hợp lý để doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này chiếm lĩnh ngay thị trường trong nước và sẽ vươn rộng ra xuất khẩu sau này.
Trong đợt tới này chúng tôi đang tổng kết đánh giá lại toàn bộ cách chính sách thuế và trên cơ sở tổng kêt ấy thì chúng tôi sẽ có để xuất những chính sách trong đợt tới.
Nhà báo Phạm Huyền:Khi nói đến Cộng đồng kinh tế ASEAN và đặc biệt khi nói đến những ngành hàng cụ thể như ngành công nghiệp ô tô, có thể nói, sức ép cạnh tranh sẽ là rất lớn. Tuy nhiên, với một thị trường 630 triệu dân chắc chắn sẽ là mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho doanh nghiệp Việt. Và thắng hay thua ở thị trường này không phải ở sự bảo hộ hay ưu đãi của các cơ quan quản lý nhà nước mà ở chính năng lực quản trị và chiến lược dài hạn của các doanh nghiệp hiện nay.
Chương trình xin cảm ơn 3 vị khách mời và xin hẹn gặp lại quý vị bạn đọc ở các chương trình sau.
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền
Video: Xuân Quý, Đức Yên, Bạt Tuấn, Thúy Hồng
email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn