50 năm 'đất cằn nở hoa'

Thời niên thiếu, khi thoát ly theo cách mạng, những cựu chiến binh, cán bộ hưu trí mơ ước ngày hòa bình và quê hương đổi thay, phát triển sau ngày thống nhất. Giờ đây, sau 50 năm, những cựu chiến binh, cán bộ hưu trí năm nào phấn khởi, tự hào trước những bước tiến của quê hương.

"Nói phát triển gấp 100 lần là không quá"

Nguyên Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh - Huỳnh Minh Sơn kể lại những năm tháng Long An còn nhiều khó khăn

Nguyên Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh - Huỳnh Minh Sơn kể lại những năm tháng Long An còn nhiều khó khăn

Giữa thời chiến tranh ác liệt, Long An cũng như cả nước lắm nỗi khó khăn và cơ cực. “Quê tôi ở Cần Giuộc. Hồi đó, bước chân ra là bùn đất, sình lầy. Vùng Tân Tập xưa chỉ là đất hoang, chỉ có cua, còng sinh sống. Bây giờ, vùng ấy là khu cảng quốc tế hiện đại. Giao thông, giáo dục, kinh tế,... đều phát triển. Nói Long An phát triển hơn xưa gấp 100 lần tôi nghĩ là không quá!” - nguyên Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh - Huỳnh Minh Sơn chia sẻ.

Ông Sơn kể, cách đây 50 năm, con hẻm vào nhà ông bây giờ là đường đất nhỏ, sình lầy và vắng vẻ. Khi gia đình ông đến ở, điện, nước còn chưa có. Gia đình 3 thế hệ phải dùng nhờ điện của trường học ngay bên cạnh để thắp sáng một bóng đèn tròn. Những năm tháng ấy, đèn dầu được sử dụng phổ biến, cả thị xã Tân An không có mấy cơ sở công nghiệp.

Tân An những năm tháng ấy còn chưa phát triển như tác giả Thạch Phương miêu tả trong Địa chí Long An: Trong suốt thời gian bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thống trị, thị xã Tân An không có nhiều thay đổi. Cả thị xã hầu như chỉ có Quốc lộ 1 và vài tuyến đường chính khác được trải nhựa.

Ông Sơn nói: “Lúc đó, tôi muốn về Cần Giuộc thăm nhà thì phải đi từ Tân An lên TP.HCM rồi vòng ngược lại. Còn bây giờ, nhiều tuyến đường mới được mở, muốn đi đường nào cũng được, nhanh chóng, tiện lợi”.

Khi còn tham gia chiến đấu, người lính trẻ Huỳnh Minh Sơn và đồng đội thường nói với nhau về hòa bình nhưng không ai hình dung được hòa bình là thế nào, cuộc sống khi ấy sẽ đổi thay ra sao? Vào những ngày tháng mà một chiếc xe đạp cũng là điều xa xỉ thì ông chưa dám nghĩ đến ngày mỗi gia đình đều có thể sở hữu 2-3 chiếc xe máy như hiện tại. Ông cũng không nghĩ đến lúc con, cháu được sử dụng điện thoại thông minh, kết nối Internet và được chăm lo học hành từ tấm bé.

Vùng biên giới ở Đồng Tháp Mười không còn là những cánh đồng hoang mà trở nên trù phú sau 50 năm thống nhất đất nước (Ảnh chụp tại xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường

Vùng biên giới ở Đồng Tháp Mười không còn là những cánh đồng hoang mà trở nên trù phú sau 50 năm thống nhất đất nước (Ảnh chụp tại xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường

Nếu trước đây, giữa chiến tranh, việc kiếm tìm con chữ là một hành trình vất vả thì sau 50 năm thống nhất nước nhà, trẻ em được đến trường từ khi mới lên 3. Toàn tỉnh với gần 600 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT cùng hơn 17.000 giáo viên là minh chứng rõ nét nhất cho việc chăm lo, phát triển giáo dục của Long An hiện tại. Hàng trăm tỉ đồng được chi để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thu hút giáo viên giỏi nhằm phát triển giáo dục chất lượng cao trong tỉnh. Năm học 2024-2025, Long An có 23 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Trong đó, có 1 học sinh được triệu tập tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic năm 2025.

“Sau cuộc kháng chiến trường kỳ, quê hương mang trên mình biết bao mất mát, đau thương. Giờ đây, xã hội phát triển mọi mặt. Đặc biệt, thế hệ trẻ được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, trở thành công dân có ích cho xã hội. Những thành tựu của hôm nay là kết quả từ sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh cũng như cả nước” - cán bộ hưu trí Huỳnh Minh Sơn khẳng định.

Những quyết sách mang tính lịch sử

Sau 50 năm thống nhất nước nhà, Long An từ một trong những tỉnh kém phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã vươn lên “góp mặt” trong danh sách những tỉnh đứng đầu về phát triển kinh tế.

“50 năm trước, tỉnh Long An chỉ có vài huyện phía Nam như Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành có thể sản xuất lúa 2 vụ. Vùng Đồng Tháp Mười gần như hoang hóa, đường sá đi lại hầu như chẳng có gì, vẫn còn hoang vu lắm! Người dân phải ăn độn bo bo. Về công nghiệp thì hầu như chẳng có gì ngoài một vài nhà máy nhỏ tại Tân An như Xưởng dệt Cầu Voi, nhà máy xay xát lúa gạo” - nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Lê Thanh Tâm kể.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Lê Thanh Tâm kể về những quyết sách mang tính lịch sử của Long An

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Lê Thanh Tâm kể về những quyết sách mang tính lịch sử của Long An

Để có được "quả ngọt" như ngày nay, Đảng bộ, chính quyền Long An đã có những quyết sách táo bạo và đúng đắn về khai phá Đồng Tháp Mười, bù giá vào lương,... Quốc lộ 62 được hình thành, ghi dấu ấn trong hành trình “tiến quân về Đồng Tháp Mười” của Long An. Một tuyến đường kết nối từ thị xã đến vùng biên giới, rút ngắn đáng kể quãng đường về các huyện vùng biên không những giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ biên cương. Quốc lộ 62 được đắp bằng sức người trên nền vùng đất lầy lội mênh mông, trở thành niềm tự hào của Long An đến tận hôm nay.

Chính sách bù giá vào lương góp phần “gỡ nút thắt” về kinh tế, giúp nâng cao đời sống người dân, làm nền tảng cho những phát triển sau này. Từ những tháng năm gian khó, bằng tinh thần quả cảm, quyết liệt và táo bạo của Đảng bộ, chính quyền cùng sự đồng lòng của người dân đã giúp Long An từng ngày phát triển và nâng cao vị thế.

Năm 2024, sản lượng lúa toàn tỉnh đạt hơn 3,1 triệu tấn. Toàn tỉnh có hơn 2.000 doanh nghiệp mới được thành lập; hàng trăm kilômét đường giao thông được hoàn thành; hơn 230 sản phẩm đạt chuẩn OCOP;... Long An là tỉnh thu hút đầu tư đứng tốp 10 cả nước và được bình chọn tốp 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 tỉ USD,... Từ đó, GRDP bình quân đầu người đạt 107 triệu đồng/ năm và hộ nghèo giảm còn 0,56%.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn được quan tâm. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được chú trọng.

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa tại huyện Tân Thạnh (thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh)

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa tại huyện Tân Thạnh (thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh)

Về Đồng Tháp Mười ngày nay sẽ không còn hình ảnh những “binh đoàn” làm thuê từ các tỉnh miền Tây đổ về thu hoạch lúa như trước nữa. Thay vào đó là máy gặt đập liên hợp, máy sạ, máy bay phun thuốc, rải phân bón,... làm việc trên đồng. Nông dân không còn “chân lấm tay bùn” mà thông thạo về kỹ thuật và công nghệ. Bức tranh về Long An sau 50 năm giải phóng được mở ra với những sắc màu tươi sáng.

Qua lời kể của những chứng nhân lịch sử, người đã trực tiếp cầm súng chống lại kẻ thù và đóng góp sức mình vào sự nghiệp dựng xây, phát triển Long An, chúng ta thấy rõ sự thay đổi diệu kỳ của tỉnh sau 50 năm thống nhất đất nước. Từ vùng đất hoang vu, Long An vươn mình trở thành tỉnh phát triển năng động, giàu đẹp. Đó là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và người dân Long An qua bao thế hệ./.

Để có được "quả ngọt" như ngày nay, Đảng bộ, chính quyền Long An đã có những quyết sách táo bạo và đúng đắn về khai phá Đồng Tháp Mười, bù giá vào lương,...

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/50-nam-dat-can-no-hoa-a194360.html