Thầy Nguyễn Văn Ngai chia sẻ về những ký ức khó quên gắn bó với GD TPHCM

Tôi thực sự tự hào, phấn khởi trước những thành quả mà ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được sau 50 năm ngày đất nước thống nhất.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số những nhà giáo được chứng kiến cột mốc lịch sử dân tộc ngày 30/4/1975.

50 năm đã trôi qua nhưng những ngày tháng 4 lịch sử đó vẫn khiến thầy Nguyễn Văn Ngai bồi hồi mỗi khi nhớ về - ngày đất nước thống nhất.

Là giáo viên Toán kiêm dạy cả Sử - Địa

Thầy Nguyễn Văn Ngai sinh năm 1949, quê gốc ở tỉnh Tây Ninh. Năm 1969, thầy Ngai tốt nghiệp sư phạm, được phân công về giảng dạy tại Hóc Môn. Ngày 31/8/1972, thầy Ngai được Trưởng ty giáo dục tỉnh Gia Định ký quyết định về giảng dạy môn Toán tại Trường trung học Nhất Linh, Hóc Môn (ngày nay là Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cầu).

Vào thời điểm đó, trong trường ít giờ dạy Toán, nên trong học kỳ 1, thầy Ngai được hiệu trưởng nhà trường phân công dạy 8 tiết môn Toán và 8 tiết môn Sử - Địa. Sang tới học kỳ 2, thầy Nguyễn Văn Ngai chỉ được phân công dạy môn Toán.

 Thầy Nguyễn Văn Ngai vào thời điểm năm học 1983-1984. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Văn Ngai vào thời điểm năm học 1983-1984. Ảnh: NVCC

Một tuần sau ngày thống nhất đất nước, Trường trung học Nhất Linh được đổi tên thành Trường cấp 2,3 Nguyễn Hữu Cầu, và thành lập ban điều hành lâm thời gồm 5 thành viên. Thầy Nguyễn Văn Ngai được phân công làm trưởng ban, sau này là phó hiệu trưởng, rồi làm hiệu trưởng.

Vào tháng 9/1975, ban điều hành lâm thời của Trường Nguyễn Hữu Cầu giải thể, thay vào đó là ban giám hiệu mới. Thầy Nguyễn Văn Ngai giữ vị trí phó hiệu trưởng, còn hiệu trưởng là người ở Hà Nội vào.

Năm 1991, thầy Nguyễn Văn Ngai được điều động, bổ nhiệm làm Phó Bí thư Đảng ủy cấp trên cơ sở của ngành giáo dục và đào tạo thành phố. Đến năm 1998, thầy được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nhận quyết định nghỉ hưu (ngày 1/7/2009).

Nhớ lại về đời sống của người giáo viên trước ngày đất nước thống nhất, thầy Nguyễn Văn Ngai kể lại: “Ngày đó, một người đi dạy học hoàn toàn có thể nuôi được vợ (hoặc chồng) và ít nhất là 2 con nhỏ đi học”. Cả vợ chồng thầy đều là nhà giáo, chỉ trông chờ vào lương hàng tháng để nuôi con nhỏ.

Thầy nhớ lại, ngay sau ngày 30/4/1975, trong giai đoạn đầu thì đời sống của giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, khi mà lương chỉ được 40-50 đồng/tháng. Mỗi giáo viên được cấp 13 kg gạo/tháng (riêng giáo viên thể chất là 15 kg gạo/tháng).

Tuy nhiên, vì gạo không đủ nên trong số ấy phải độn thêm mì sợi, bột mì, bo bo. Khó khăn là vậy, nhưng thầy cho hay, hoạt động giảng dạy và học tập của nhà trường lúc nào cũng đi vào nề nếp, quy củ. Ngoài việc giảng dạy, các giáo viên còn hướng dẫn cho học sinh lao động.

 Thầy Nguyễn Văn Ngai (phải) trao đổi với đồng nghiệp ở Trường Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Văn Ngai (phải) trao đổi với đồng nghiệp ở Trường Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: NVCC

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai nhớ lại: “Việc lớn nhất của ngành giáo dục khi đó là thay sách giáo khoa. Những sách dùng trước 30/4 ở Miền Nam được thay bằng sách giáo khoa theo hệ phổ thông 12 năm. Đây là điều mới mẻ vì lúc đó Miền Bắc vẫn sử dụng sách giáo khoa theo hệ phổ thông 10 năm”.

Trong trí nhớ của mình, thầy Nguyễn Văn Ngai nhớ lại là cho dù có sự thay đổi về sách giáo khoa, nhưng các giá trị về đạo đức như lễ phép, kính trọng người lớn, thân thiện với bạn bè, yêu Tổ quốc, đồng bào…vẫn luôn là những giá trị được đề cao.

 Thầy Nguyễn Văn Ngai và những đồng nghiệp của mình ở Trường Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Văn Ngai và những đồng nghiệp của mình ở Trường Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: NVCC

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai khẳng định, dù ở bất cứ giai đoạn nào, việc hình thành các giá trị về mặt đạo đức cho học sinh luôn được xem trọng. Sự kết hợp giữa ba môi trường “gia đình – nhà trường – xã hội” luôn là yếu tố xuyên suốt trong cả hai giai đoạn.

Vui mừng vì những chuyển biến tích cực của ngành giáo dục

Gia đình thầy Nguyễn Văn Ngai có 4 người, thì 3 người là công tác trong ngành giáo dục, trừ người con trai cả.

Hai con trai lớn lên khi đất nước đã thống nhất, nhưng gia đình khi đó vẫn khó khăn về mặt kinh tế, thiếu thốn đủ thứ. Ngay từ khi con mới 6 tuổi, vợ chồng thầy đã dạy cho hai con biết phụ ba mẹ rửa ấm chén, lau nhà… Cho tới nay, dù đã đi làm, lập gia đình và có vị trí trong xã hội, các con của thầy vẫn giữ nguyên được nề nếp đó.

Khi còn đang đương chức, thầy Nguyễn Văn Ngai là một trong số người thuộc nhóm được xét duyệt theo Chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Gia đình thầy Nguyễn Văn Ngai. Ảnh: NVCC

Vào thời điểm đó, hai con trai của thầy Ngai tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì biết gia đình kinh tế không khá giả nên các anh đều chọn học lên cao ở trong nước. Thầy luôn dạy các con của mình phải biết sống giản dị, chân thật, hòa đồng, biết thương yêu và chia sẻ với mọi người, có lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm.

“Đi học gì, thi trường nào, làm công việc gì, tôi luôn để các con tự quyết định, không hề can thiệp. Nếu cảm thấy phù hợp, tôi sẽ thể hiện sự đồng tình với các con”, thầy Nguyễn Văn Ngai cho biết.

Sau 50 năm ngày đất nước thống nhất, thầy Ngai vui mừng vì ngành giáo dục và đào tạo cả nước nói chung, của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã có rất nhiều sự chuyển biến tích cực.

Cụ thể là đời sống của các thầy cô giáo đã được cải thiện lên rất nhiều. Nhiều gia đình đã có được cuộc sống đầy đủ, ấm no. Trường lớp ngày càng khang trang, sạch đẹp. Các trường đạt chuẩn quốc gia, trường tiên tiến hiện đại ngày càng nhiều. Nhiều mô hình giáo dục hiện đại đã được thí điểm.

Ngành giáo dục luôn chú trọng xã hội hóa, số trường học sinh được học 2 buổi/ngày càng tăng lên, Tính liên kết quốc tế trong hoạt động giáo dục theo chủ trương hội nhập sâu rộng đã được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm.

Việc Thành phố Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là thành viên “Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu”, hiện đang phấn đấu thực hiện chủ trương việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là các nội dung nổi bật của ngành giáo dục thành phố.

“Tôi thực sự tự hào, phấn khởi trước những thành quả mà ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được sau 50 năm ngày đất nước thống nhất”, thầy Nguyễn Văn Ngai nhấn mạnh.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thay-nguyen-van-ngai-chia-se-ve-nhung-ky-uc-kho-quen-gan-bo-voi-gd-tphcm-post250993.gd