50 năm hiệp ước NPT: Còn 'đồng sàng, dị mộng'?

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Nga đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) nhân dịp 50 năm văn kiện này có hiệu lực. Tuy nhiên, thế giới đang tiềm ẩn sự lo lắng trong các cam kết thực thi NPT.

Các chuyên gia cho rằng sẽ có “cuộc đua tam mã” trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Các chuyên gia cho rằng sẽ có “cuộc đua tam mã” trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Lời nói, gió bay

Trong tuyên bố chung ngày 10/3, các Ngoại trưởng của 5 cường quốc hạt nhân tái khẳng định, các nước này cam kết tuân thủ NPT nhằm theo đuổi các cuộc đàm phán về những biện pháp hiệu quả hướng tới giải trừ hạt nhân.

“Các bên đánh giá cao những đóng góp to lớn mà văn kiện lịch sử này đem đến cho an ninh và thịnh vượng của người dân trên toàn thế giới kể từ khi Hiệp ước có hiệu lực”- AFP dẫn nguồn tin từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Tuy nhiên, vẫn theo AFP, “các ngoại trưởng cảnh báo, không có gì đảm bảo sự thành công của NPT trong tương lai”. Đồng thời, nhấn mạnh điều này phụ thuộc vào những nỗ lực phối hợp và duy trì liên tục của các cường quốc hạt nhân. Bên cạnh đó, họ cũng nhấn mạnh sự ủng hộ vai trò quan trọng của IAEA trong quá trình thực thi NPT.

Các động thái trên của 5 cường quốc hạt nhân về NPT được cho là sự thúc giục của nhiều nước khác trong một nỗ lực giải trừ, giảm thiểu vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. NPT được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1968 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/3/1970.
Trước nguy cơ chạy đua hạt nhân giữa các quốc gia dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân, NPT là một trong những giải pháp được Đại hội đồng Liên hợp quốc đề ra nhằm ngăn ngừa việc phổ biến rộng rãi loại vũ khí giết người hàng loạt. Mặt khác, hướng đến việc chấm dứt sản xuất vũ khí hạt nhân, loại trừ vũ khí hạt nhân ra khỏi kho vũ khí các quốc gia.

“Dựa trên 3 nguyên tắc trụ cột là không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ vũ khí hạt nhân và quyền sử dụng công nghệ hạt nhân cho mục đích hòa bình. Các nước sở hữu vũ khí hạt nhân cần kiềm chế và ủng hộ NPT” - tuyên bố mới nhất của Liên hợp quốc hoan nghênh động thái và cam kết của 5 cường quốc .

Gần đây nhất, trong một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an, Liên hợp quốc đã có phiên thảo luận NPT. Phó Tổng Thư ký LHQ, Đại diện cấp cao về giải trừ vũ khí, bà Izumi Nakamitsu và Chủ tịch Hội nghị đánh giá NPT, ông Gustavo Zlauvinen, đã cùng khẳng định: NPT trong nỗ lực nhằm chống phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời coi Hiệp ước là nền tảng để tiến tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn, cũng như đảm bảo chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

“Hội đồng Bảo an quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong NPT”- Phó Tổng Thư ký LHQ, Đại diện cấp cao về giải trừ vũ khí, bà Izumi Nakamitsu được Reuters dẫn lời nói.

Tuy nhiên, các đại diện của các nước khác cũng nêu quan điểm: Nếu cam kết của các cường quốc hạt nhân chỉ là “lời nói gió bay” thì sự hợp tác theo NPT chỉ là “đồng sàng, dị mộng” –một điều vẫn xảy ra trong thời gian qua. Và thế giới luôn bị đe dọa nghiêm trọng bởi chính thứ vũ khí nguy hiểm mà con người đã tạo ra.

Cuộc đua “tam mã”?

Trong một diễn biến khác, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết, các cuộc đàm phán nghiêm túc về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa nước này có thể bắt đầu với Nga và Trung Quốc trong những tháng tới.

Ông O’Brien nêu rõ: “Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) không hiệu quả, cùng với những đầu tư mới của Tổng thống vào Bộ Quốc phòng có thể đưa Nga và thậm chí Trung Quốc vào bàn đàm phán để thảo luận nghiêm túc về cắt giảm vũ khí hạt nhân trong những tháng tới”.

Việc Mỹ cố đưa Trung Quốc vào danh sách “đối thủ hạt nhân” cho thấy đã xuất hiện cuộc đua “tam mã” Mỹ - Nga – Trung thay vì Mỹ - Nga như trước. Điều này xuất hiện các nguy cơ mới cho toàn cầu trước các thách thức từ vũ khí hạt nhân.

Theo người đứng đầu Phòng Phổ biến Vũ khí của Trung tâm Chính sách An ninh (Geneva), ông Mark Fino: “Nếu nhìn vào số lượng đầu đạn và tên lửa hiện nay, có sự mất cân đối lớn đối với Nga và Mỹ. Khoảng 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới do hai nước nắm giữ. Vì vậy, Trung Quốc chỉ đóng vai trò răn đe tối thiểu. Do đó, mọi nỗ lực đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán Nga - Mỹ đều không thành công, vì kho vũ khí không tương ứng”

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, cả Nga và Mỹ hiện đang có mối quan tâm ngày càng tăng về Trung Quốc, vì Bắc Kinh đã bắt đầu cải thiện chất lượng kho vũ khí của mình.”Việc hiện đại hóa đang diễn ra ở tất cả các cường quốc hạt nhân và các quốc gia. Và Trung Quốc cũng không ngoại lệ”- Ông Mark Fino phân tích.

Đình Tú

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/50-nam-hiep-uoc-npt-con-dong-sang-di-mong-tintuc461222