50 năm một chặng đường: Lâm Đồng từ tỉnh khó khăn trở thành tỉnh khá

Sáng 18/4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh “50 năm một chặng đường – Lâm Đồng từ tỉnh khó khăn trở thành tỉnh phát triển khá".

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hồng Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau ngày giải phóng, từ một vùng khó khăn, đất rộng, người thưa, địa hình chia cắt, chịu sự tàn phá của chiến tranh, chủ yếu là sản xuất nhỏ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém, hệ thống đường giao thông trong điều kiện chiến tranh không được tu sửa, bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng.

Với quyết tâm và sự đoàn kết, nỗ lực đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Lâm Đồng đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng, là tỉnh phát triển khá của cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 21%.

Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, tăng 5,1%, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thu ngân sách 13.100 tỷ đồng.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thức Thi - Viện Nghiên cứu Quy hoạch Nông nghiệp, Nông thôn, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - cho biết, với lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, nông nghiệp đã trở thành ngành kinh tế chủ lực, là trụ đỡ, là động lực tăng trưởng cho phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lâm Đồng. Lâm Đồng trở thành tỉnh tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đang chú trọng vào nền nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 có sự chuyển biến mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ ước đạt 5%/năm. Những thành tựu phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã đóng góp xứng đáng cho phát triển nông nghiệp của vùng Tây Nguyên và tăng trưởng chung của nông nghiệp quốc gia.

“Ngành nông nghiệp trong nhiều năm luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 2024, cơ cấu GRDP, ngành nông nghiệp chiếm 40,52%. Với dân sô nông thôn chiếm trên 60% dân số toàn tỉnh, ngành nông nhiệp đã và đang quản lý hơn 910.000ha đất nông nghiệp, chiếm 93,1% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Thời kỳ 2021 – 2025, tỉnh Lâm Đồng đã hình thành được nền nông nghiệp với trình độ sản xuất khá cao, có thương hiệu, chất lượng tốt; là một tỉnh đi đầu của cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0. Trong đó, diện tích nông nghiệp công nghệ cao ước đạt gần 70.000ha ha, trong đó, nông nghiệp thông minh đạt khoảng 730ha”, ông Nguyễn Thức Thi nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thi, tại Lâm Đồng cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch chậm, còn nặng về trồng trọt, tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ còn quá thấp. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung chủ yếu vào các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi bò sữa, các sản phẩm còn lại việc ứng dụng công nghệ cao vẫn còn hạn chế.

Nói về ngành du lịch của tỉnh Lâm Đồng, GS. TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, trong những năm qua, ngành du lịch Lâm Đồng đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao, từ đó vị thế của ngành du lịch không ngừng tăng lên, tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế động lực của tỉnh.

Năm 2024, tỉnh Lâm Đồng ước đón khoảng 10 triệu lượt khách (tăng 15,6% so với năm 2023). Về doanh thu từ du lịch, năm 2023 tỉnh Lâm Đồng ước đạt khoảng 15.570 tỷ đồng, năm 2024, ước đạt khoảng 18.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15,6% so với năm 2023.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút 120 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đầu tư là gần 48.000 tỷ đồng (hiện có 40 dự án đã hoàn thành toàn bộ, 37 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động một phần, 27 dự án đáng triển khai xây dựng và 16 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư). Phấn đấu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Ông Trần Hồng Thái cho biết, dự kiến tỉnh Lâm Đồng sẽ sắp xếp 137 xã, phường thành 51 đơn vị hành chính cơ sở. Sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông sẽ thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, tổng GRDP đứng thứ 8, sẽ có biển, có rừng, biên giới, hải đảo. Dự kiến Lâm Đồng có sản lượng cà phê, sầu riêng, tơ tằm, cá nước lạnh hàng đầu của nước… Đây là những tiềm năng lợi thế vô cùng lớn để đưa Lâm Đồng thành tỉnh phát triển hàng đầu cả nước.

“Trong thời gian qua, Lâm Đồng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công làm đầu mối xây dựng đề án sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận - Đắk Nông. Chúng tôi đã chủ động làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận để cố gắng tận dụng các tiềm năng từ núi xuống biển, cố gắng kê gọi đầu tư, xây dựng các nhà máy nhôm, khai thác bauxite và vận chuyển ra các cảng, phát triển du lịch... Trong năm 2025-2026, chúng tôi sẽ đẩy nhanh thực hiện tuyến đường 28, 28B để kết nối giao thông giữa Lâm Đồng - Bình Thuận - Đắk Nông. Bên cạnh đó, Lâm Đồng sẽ đề xuất quy hoạch bổ sung 1 tuyến đường cao tốc kéo dài từ biên giới Campuchia sang huyện Di Linh (Lâm Đồng) tới Phan Thiết”, ông Trần Hồng Thái nói.

Thực hiện Lê Sơn - Duy Tín

Nguồn Công Thương: https://media.congthuong.vn/50-nam-mot-chang-duong-lam-dong-tu-tinh-kho-khan-tro-thanh-tinh-kha-14712.media