50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
Trong những ngày đầu tháng 6 nắng nóng gay gắt kéo dài trên khắp miền đất lửa Quảng Trị, đến với Cam Lộ mới cảm nhận được không khí khẩn trương và háo hức của người dân và chính quyền nơi đây, sẵn sàng cho sự kiện trọng đại: Kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN.
Kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN
Theo kế hoạch, từ 19h00 ngày 10/6, tại Di tích Lịch sử Quốc gia - Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) (số 2 đường Nguyễn Hữu Thọ, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ) sẽ diễn ra chương trình Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN.
Tại Lễ kỷ niệm có chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh: “Một Chính phủ vì khát vọng hòa bình”. Đây là chương trình được thực hiện quy mô với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ. Sân khấu thực cảnh được dàn dựng với các hạng mục chính như bối cảnh sân khấu lễ, chiến trường Quảng Trị và Thành cổ Quảng Trị năm 1972, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Tây Ninh, chiến trường Nam Bộ, Tháp Eiffel (Pháp), cầu dây văng-bối cảnh mới của tỉnh Quảng Trị…
Ngay sau khi kết thúc chương trình nghệ thuật của Lễ kỷ niệm là màn bắn pháo hoa tầm thấp với số lượng pháo hoa 60 giàn, thời gian 10 phút.
Theo nguồn tin của Ban Tuyên giáo Trung ương, tham dự và phát biểu tại sự kiện trọng đại này sẽ có: Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết: “Thông qua hoạt động Lễ kỷ niệm để ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, giáo dục lòng yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng; ghi nhận sự đóng góp của các thế hệ trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời tri ân các tập thể, cá nhân từng chiến đấu, bảo vệ, phục vụ các hoạt động tại Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN”.
Trước đó, tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Trị sẽ diễn ra hội thảo khoa học: “Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ CMLTCHMNVN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Hội thảo khoa học là một hoạt động thiết thực nhằm góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Vai trò và giá trị lịch sử của Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN
Khu di tích trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN nằm trong lòng thị trấn Cam Lộ, cách TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) chừng 12km. Nơi đây, năm 1829, Vua Minh Mạng cho xây dựng thành Vĩnh Ninh - Lỵ Sở. Và sau này, được chọn làm nơi xây dựng trụ sở làm việc của Chính phủ CMLTCHMNVN để tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Chính phủ CMLTCHMNVN ra đời ngày 6/6/1969 trên cơ sở hiệp thương giữa Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam. Chính phủ được thành lập do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch gồm có 8 Bộ trưởng và 12 Thứ trưởng. Bên cạnh đó có Hội đồng cố vấn do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch và 11 ủy viên trong hội đồng cố vấn.
Việc thành lập Chính phủ CMLTCHMNVN chứng tỏ thế và lực của Cách mạng miền Nam đã lớn mạnh về mọi mặt. Vị trí pháp lý càng được khẳng định và nâng cao, uy thế chính trị của ta trên trường quốc tế thêm vững mạnh góp phần thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ cứu nước.
Theo lời của nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình được khắc ghi tại khu di tích, với thắng lợi của chiến dịch 1972 oai hùng ngày 1/5/1972, tỉnh lỵ và đại bộ phận tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Sau Hiệp định Paris (27/1/1973) được ký kết, Bộ Chính trị đã quyết định cho xây dựng trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN tại Cam Lộ nhằm tạo vị thế cho Ủy ban cố vấn và Chính phủ CMLTCHMNVN thực hiện các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh ở miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
Khu trụ sở Chính phủ được xây dựng trên diện tích 17.300m2 bao gồm 2 khu độc lập, trong đó khu A với 2 nhà làm việc của Chính phủ và Bộ Ngoại giao, 1 nhà ăn; khu B gồm 5 dãy nhà, trong đó có 2 nhà khách làm nơi lưu trú của các Đại sứ, 3 dãy nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo Đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các nhân viên, cán bộ của Chính phủ...
Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN được xây dựng từ ngày 6/5/1973, hoàn thành ngày 6/6/1973. Ngay khi hoàn thành, tổ chức lễ mít tinh nhân kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Chính phủ và khánh thành trụ sở làm việc mới tại Cam Lộ, trước sự chào mừng của hàng vạn đồng bào và chiến sỹ Quảng Trị, cùng đại biểu 19 nước và đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Đại sứ các nước đã đến đây trình Quốc thư và tại đây cũng đã đón tiếp nhiều vị lãnh tụ các nước như: Fidel Castro - Chủ tịch Đảng Cộng sản Cu Ba, Jorger Marsel - Bí thư Đảng Cộng Sản Pháp...
Thật khó có thể tưởng tượng trung tâm đầu não của Chính phủ CMLTCHMNVN chỉ cách biển Đông chừng 20 cây số theo đường chim bay, trong khi những năm tháng chiến tranh trên mặt biển luôn túc trực những hạm đội của giặc được trang bị đầy đủ vũ khí tối tân nhất. Thêm vào đó, ở phía Nam cũng không xa là khu căn cứ quân sự Đà Nẵng, nơi cất cánh của lũ “thần sấm”, “con ma” “pháo đài bay B52”. Song khu Trụ sở vẫn tồn tại vững chắc và hoạt động cho đến ngày đất nước sạch bóng quân thù.
Khu trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN được Bộ Văn hóa Thông tin (VHTT) xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia ngày 25/1/1991.
Sau năm 1975, khi Chính phủ CMLTCHMNVN kết thúc vai trò lịch sử của mình thì toàn bộ khu trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý. Tháng 9/1985, do cơn bão số 8 tàn phá nên công trình khu trụ sở bị hủy hoại hoàn toàn.
Với giá trị to lớn của di tích, vào đầu năm 2007, nơi đây được Bộ VHTT đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục quan trọng: Phục dựng Nhà Chính phủ, nhà nghỉ của các Đại sứ và đến năm 2018, Bộ VH,TT&DL tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà bia di tích và các công trình phụ trợ khác.