50 năm rực rỡ tên vàng
Năm 1911, Nguyễn Tất Thành đặt chân vào Sài Gòn và bắt đầu bôn ba năm châu bốn bể đi tìm đường cứu nước. Gần 115 năm sau, vùng đất cuối cùng trước khi người thanh niên yêu nước này ra đi đã gắn với tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố đầy năng động và không ngừng phát triển.
Việt Nam năm 1908, Toàn quyền Đông Dương là Louis Alphonse Bonhoure khá bận rộn với việc tìm cách triệt hạ cho bằng được nghĩa quân Yên Thế của Đề Thám. Cũng trong năm này, vụ án Hà Thành đầu độc để đánh úp quân Pháp thất bại, 13 nghĩa sĩ yêu nước đã bị thực dân Pháp chém và bêu đầu. Giữa bối cảnh xã hội thực dân Pháp bảo hộ, nhà vua và triều đình như bù nhìn, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy) được Triều đình Huế cử vào coi thi ở trường thi Bình Định, ông dắt theo 2 người con trai là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Tất Đạt. Khi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm Tri huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), thì chỉ một thời gian ngắn bị bãi chức và triệu hồi về kinh đô Huế vì “phạm tội” khích lệ tinh thần yêu nước, trừng trị nghiêm khắc bọn cường hào, ác bá.
Giữa những biến cố của gia đình và xã hội, Nguyễn Tất Thành đã đi dần vào phương Nam. Cuối tháng 8/1910, được người bạn đồng liêu cũ của cha giới thiệu, Nguyễn Tất Thành đến dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận), từ tháng 9/1910 - 02/1911. Sau khoảng hơn 5 tháng dạy học tại đây, tháng 02/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời trường Dục Thanh với giấy thông hành tên Văn Ba để vào Sài Gòn. Ngày 05/6/1911, Nguyễn Tất Thành lên tàu ở cảng Nhà Rồng để đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước.
Những thuyền trưởng và ông chủ tàu Amiral Latouche Tréville hãng Chargeurs Réunis đều không hề biết rằng, người bồi trên tàu là một thanh niên đang nung nấu ý chí đi khắp thế giới để một ngày nào đó trở về giải phóng Tổ quốc mình. Trong 10 năm, từ 1911 đến 1920, Nguyễn Tất Thành đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục (Âu, Á, Phi, Mỹ) và khoảng 30 quốc gia. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Đâu đâu Người cũng chịu đựng mọi gian khổ, hòa mình vào cuộc sống của những người lao động, sẵn sàng làm mọi nghề như nấu bếp, làm vườn, vẽ thuê... không chỉ để kiếm sống mà là để trải nghiệm, thấu hiểu hơn về cuộc sống của người dân lao động trên khắp thế giới.

Bác Hồ với thiếu nhi trong Đoàn Dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, ngày 13/02/1969
Người dân cùng cực ở xứ An Nam và nhiều nhà yêu nước biết đến Nguyễn Ái Quốc khi người thanh niên này viết cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la colonisation française) và xuất bản tại Paris vào năm 1925. Cuốn sách này kể rất chi tiết với người dân ở Pháp về sự tồi tệ của bọn thực dân ở thuộc địa nhưng che đậy bằng cái tên mỹ miều là khai hóa văn minh. Trong sách có các chương: Thuế máu, Việc đầu độc người bản xứ, Các quan thống đốc, Các quan cai trị, chính sách ngu dân…
Rồi đến vụ án Nguyễn Ái Quốc với cái tên mới là Tống Văn Sơ bị bắt tại Hồng Kông (thuộc địa của Anh) vào năm 1931 với tội danh “gián điệp quốc tế Cộng sản của Liên Xô”. Vụ án vừa thả rồi lại tiếp tục bắt giữ người đã khiến tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc lại càng nổi tiếng. Mùa xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước và để lại dấu ấn qua Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ bảo hộ từng tuyên án tử hình Tống Văn Sơ thì giờ đã phải đón Hồ Chí Minh với tư cách là chính khách. Tiếp đến là chiến thắng Điện Biên Phủ, kết liễu sức mạnh huyền thoại của quân đội Pháp ở Đông Dương.
Năm 1957, Bác từng công tác vào thăm một số tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Rồi Bác nói câu này: “Từ bao giờ, mình bắt đầu rời Sài Gòn ra đi, đi mãi mãi, về đến Pác Bó, rồi bây giờ mới vào tới Đồng Hới. Còn từ Đồng Hới, vào tới Sài Gòn, không biết bao giờ mình mới khép được trọn vẹn cái vòng tròn này”. Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng. Sự nghiệp giải phóng đất nước còn dang dở và đang gặp nhiều cam go. Tuy nhiên những học trò của Hồ Chí Minh đã tiếp tục chặng đường cách mạng và 6 năm sau đó đã thống nhất đất nước.

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh vui mừng đón đoàn tàu Thống Nhất xuất phát từ Hà Nội vào
Ngày 12/5/1975, tạp chí Time dành gần như toàn bộ số báo để viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc, bìa của tờ báo của Mỹ đăng bức họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản đồ Việt Nam màu đỏ và dòng tít lớn: “The Victor” - “Người chiến thắng”. Tại vị trí của Sài Gòn được chú thích: “Ho Chi Minh City”. Nhưng từ năm 1954, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ Ta đi tới, trong đó cũng nhắc tới thành phố Hồ Chí Minh: “Ai đi Nam Bộ/ Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai vô Thành phố Hồ Chí Minh/ Rực rỡ tên vàng”. Ngày 02/7/1976, khi quyết nghị chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã căn cứ vào 2 cơ sở: Một là “nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người” và hai là “trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm giải phóng vẫn luôn là đầu tàu kinh tế của đất nước. Thành phố đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP lên 2 con số, đạt mức tăng 10% năm 2025. Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm gần đây nhất đã phát biểu đề nghị biến quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ thành phố về việc xây dựng “Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo” như tinh thần Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra thành những việc làm, thành quả trong thực tiễn, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thực sự là thành phố văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/50-nam-ruc-ro-ten-vang_177413.html