Thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho trí tuệ, đạo đức và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn kiên định mục tiêu độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân. Từ việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám 1945, cho đến những năm tháng kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đặt nền móng tư tưởng, chiến lược và phương pháp cách mạng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
MỤC TIÊU TỐI THƯỢNG: THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, khi đất nước chìm trong ách đô hộ của thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức rằng muốn cứu nước thành công, Việt Nam cần một con đường cách mạng đúng đắn. Qua hành trình bôn ba hơn 30 năm tìm đường cứu nước, Người đã tiếp cận và lựa chọn con đường cách mạng vô sản, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng.
Năm 1930, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - tổ chức tiên phong dẫn dắt cách mạng Việt Nam - soi đường cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", việc thống nhất đất nước là tất yếu lịch sử. Người nhấn mạnh độc lập chưa trọn vẹn nếu đất nước chưa thống nhất. Người từng nói đầy cảm xúc: "Miền Nam trong trái tim tôi. Một ngày chưa giải phóng được miền Nam là một ngày tôi không ăn ngon, ngủ yên". Những bức thư, lời căn dặn, thông điệp của Người gửi tới đồng bào miền Nam luôn chất chứa tình cảm sâu sắc và quyết tâm sắt đá cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Không chỉ thể hiện bằng tình cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chủ động hoạch định chiến lược lâu dài cho công cuộc giải phóng miền Nam thông qua quá trình đẩy mạnh xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn vững chắc; củng cố lực lượng cách mạng miền Nam, đặc biệt là việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960); kiên trì đấu tranh chính trị, kết hợp đấu tranh vũ trang nhằm tạo thế, lực và thời cơ cho ngày thống nhất non sông.
Quyết tâm giải phóng miền Nam của Người trở thành tuyên ngôn hành động, là khẩu hiệu bất diệt của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ".
Khi qua đời, Người để lại bản Di chúc lịch sử - kết tinh tư tưởng, đạo đức và khát vọng cách mạng của Người. Di chúc không chỉ là lời tiễn biệt mà còn là lời căn dặn, là "lời thề non sông" đối với toàn Đảng, toàn dân. Đặc biệt, ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được nhấn mạnh như một sứ mệnh thiêng liêng, không thể chậm trễ.
Trong Di chúc, Người viết: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thǎm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta".
Tư tưởng, tình cảm, khát vọng thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành động lực tinh thần to lớn cho nhân dân cả nước. Sau khi Người mất, phong trào "biến đau thương thành hành động" đã dấy lên khắp hai miền Nam, Bắc. Lực lượng cách mạng miền Nam, được hun đúc bởi tinh thần Di chúc, đã liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến dịch mang tên Người - "Chiến dịch Hồ Chí Minh" được lựa chọn cho chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn - Gia Định vào tháng 4-1975 không chỉ là một quyết định mang tính chiến lược mà còn mang giá trị chính trị, tinh thần to lớn, minh chứng cho tầm vóc lịch sử và công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dù không còn sống để chứng kiến ngày chiến thắng nhưng chiến thắng ấy mang dấu ấn tư tưởng, chiến lược và tinh thần của Người một cách sâu đậm. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: "Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh, là sự hiện thực hóa Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ".

Chương trình nghệ thuật “Bài ca thống nhất” tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, trình diễn nhiều tiết mục ca ngợi công lao, tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh Ảnh: TẤN THẠNH
DẤU SON RỰC RỠ
Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn - Gia Định là "Chiến dịch Hồ Chí Minh", thể hiện ý chí, quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hoàn thành tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tên "Hồ Chí Minh" được gắn với chiến dịch cuối cùng, trở thành biểu tượng thiêng liêng, khích lệ tinh thần quân và dân, như một lời thề quyết thắng thiêng liêng trước anh linh của Bác. Tên gọi này cũng mang tính tập hợp lực lượng, khơi dậy khí thế "biến đau thương thành hành động cách mạng", sau ngày Bác mất (1969).
"Thưa Bác, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng!" là lời được nhắc sau ngày 30-4-1975, phản ánh thắng lợi này là kết quả trực tiếp của việc vận dụng đúng đắn tư tưởng, chiến lược và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng, khát vọng của Người là kim chỉ nam cho đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài.
Thắng lợi của "Chiến dịch Hồ Chí Minh" là thành quả tổng hợp của các nhân tố: sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ; là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"; là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; là sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và hòa bình trên thế giới.
"Chiến dịch Hồ Chí Minh" không chỉ là sự tôn vinh Người - lãnh tụ tối cao của dân tộc, mà còn là biểu tượng của quyết tâm và niềm tin tất thắng, là lời hứa được giữ trọn với Bác về sự nghiệp thống nhất non sông. "Chiến dịch Hồ Chí Minh" là dấu son rực rỡ trong lịch sử dân tộc và lịch sử quân sự thế giới.
Ngày 30-4-1975, Sài Gòn được giải phóng, đất nước hoàn toàn độc lập, Bắc - Nam sum họp một nhà. Đây không chỉ là một chiến thắng về mặt quân sự mà còn là kết tinh cao nhất của cả một quá trình đấu tranh trường kỳ vì lý tưởng độc lập, thống nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp suốt cuộc đời mình.
Như vậy, ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định mục tiêu chiến lược là "Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập" và độc lập dân tộc không thể tách rời với thống nhất Tổ quốc. Người khẳng định: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, ý chí thống nhất Tổ quốc của nhân dân cả nước không bao giờ lay chuyển" và "Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam".
Sau năm 1954, khi đất nước tạm chia cắt, một lần nữa Người khẳng định: "Nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, vì nước ta là một khối, không ai chia cắt được... đó là nguyện vọng thiết tha của toàn thể nhân dân ta từ Bắc đến Nam". Vì thế, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa non sông về một mối vào mùa xuân năm 1975, không chỉ cần thiết về chính trị mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng của một dân tộc.
Mãi mãi trong tim
Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đang trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, bài học về ý chí độc lập dân tộc, đoàn kết toàn dân và khát vọng hòa bình, thống nhất vẫn mãi là kim chỉ nam cho mọi hành động. Công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc và trong trái tim của hàng triệu người con đất Việt.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thang-loi-cua-tu-tuong-ho-chi-minh-196250428203449744.htm