50 năm thành lập Tổng Công ty Điện lực miền Bắc: 'Sinh ra để thành công'
Sau 50 năm thành lập, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đạt nhiều thành tựu quan trong trong xây dựng và phát triển kinh tế doanh nghiệp.
Được thành lập vào ngày 6/10/1969, Công ty Điện lực, tiền thân của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) được thành lập với sứ mệnh chiến lược trong phát triển kinh tế.
Với ngành điện, sự ra đời của Công ty Điện lực là một bước chuyển quan trọng về cơ chế, nhằm tạo ra những bước phát triển mới gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của một ngành kinh tế quan trọng với hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, với ngành kinh doanh năng lượng đặc thù, EVNNPC chính là nền tảng để xây dựng và phát triển tất cả các ngành nghề khác trong nền kinh tế Việt Nam.
Tất cả vì dòng điện thân yêu
Vào thời kỳ đầu xây dựng và phát triển, lịch sử của EVNNPC gắn liền với cuộc chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược. Mọi tầng lớp cán bộ, công nhân của EVNNPC mang trong mình 2 sứ mệnh, vừa là công nhân xây dựng doanh nghiệp, vừa là một “người lính” chiến đấu với quân xâm lược.
Trong những năm 1969 - 1972, chiến sự trở lên ác liệt, Đế quốc Mỹ điên cuồng bắn phá, ném bom phá hoại miền Bắc. Các cơ sở của Công ty Điện lực phải đương đầu với 1.634 trận đánh.
Tuy nhiên, cán bộ, công nhân viên của Công ty Điện lực không hề nản lòng, tranh thủ một khoảng thời gian Đế quốc Mỹ ngừng đánh bom, mọi tầng lớp cán bộ, công nhân của Công ty Điện lực lại bắt tay xây dựng lại lại từ đầu, hồi sinh từ đống tro tàn.
Đến cuối năm 1973, đã đưa 12 lò hơi, 11 tổ máy vào vận hành nâng công suất từ 181MW khi tiếp nhận lên 231MW, phục hồi toàn bộ hệ thống lưới điện, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt đời sống cho nhân dân miền Bắc.
Mặc dù vậy, 123 cán bộ, công nhân viên của Công ty Điện lực đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta.
50 năm một chặng đường
Sau khi kết thúc chiến tranh, EVNNPC đã bước vào thời kỳ mới với chủ trương khôi phục, củng cố hoàn chỉnh, mở rộng các cơ sở điện sẵn có ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội.
Hàng loạt các dự án trọng điểm được xây dựng như đường dây 220kV đầu tiên ở miền Bắc, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Năm 1980, nguồn và lưới điện đáp ứng phụ tải của công nghiệp Trung ương tăng hơn 1,6 lần; công nghiệp địa phương tăng hơn 1,4 lần; bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng 1,2 lần so với năm 1976.
Bước vào thập niên 90, EVNNPC tiếp tục xây dựng và hoàn thiện để đưa điện vào miền Trung, giải quyết một phần tình trạng thiếu điện ở khu vực này.
Năm 1976, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ngành Điện lực Việt Nam được chia thành 3 Công ty Điện lực quản lý tương ứng với 3 miền.
Đồng thời, EVNNPC cũng bắt đầu vận hành hàng loạt đường dây đường dây 110kV tới các tỉnh miền núi phía Bắc, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa địa phương.
Giai đoạn từ năm 2000-2009, Công ty Điện lực 1 luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch, không ngừng phát triển hệ thống lưới điện phân phối, đảm bảo cung ứng điện với mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10,3%-13%.
Giai đoạn 2010-2014, EVNNPC thực hiện tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp khu vực nông thôn, trực tiếp bán điện đến các hộ dân, đảm bảo người dân được hưởng giá bán điện theo đúng quy định của Chính phủ.
Trong giai đoạn này, EVNNPC đã làm rất tốt việc đưa điện đến các thôn bản, miền núi, biên giới và hải đảo phục vụ đời sống nhân dân góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Trong 4 năm trở lại đây (20014 - 2018), EVNNPC đã trải qua rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế doanh nghiệp. Một số vấn đề vẫn còn tồn đọng như năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tổng cầu tăng chậm; số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoặc thu hẹp hoạt động còn lớn.
Trước những khó khăn đó, Ban Lãnh đạo Tổng công ty đã luôn bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị để đưa ra những định hướng chung sát với thực tế, chỉ đạo kiên quyết, triệt để, kịp thời, toàn diện các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu so với kế hoạch EVN giao, mang lại lợi nhuận cao.
EVNNPC vượt qua khó khăn như thế nào để bước tới thành công?
Trong vài năm trở lại đây, EVNNPC đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục một số vướng mắc còn tồn tại.
Cụ thể, EVNNPC đã điều hành phương thức vận hành mới, đưa ra các giải pháp kỹ thuật như thay đổi kết cấu lưới điện nhằm giảm tình trạng quá tải cục bộ.
Để tăng doanh thu hằng năm, EVNNPC đã tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm vào các danh mục hiệu quả, có khả năng thu được lợi nhuận cao như chống quá tải lưới điện đặc biệt là lưới điện 110kV, cấp điện cho các khách hàng công nghiệp, cải tạo tối thiểu lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận,….
Ngoài ra, EVNNPC tập trung phân tích tài chính trong doanh nghiệp từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý cho từng thời kỳ để tăng doanh thu giảm chi phí, đồng thời quản lý dòng tiền, đẩy mạnh việc thu hồi công nợ trong đó bao gồm cả công nợ bên ngoài và công nợ nội bộ, xác định chính xác giá trị đầu tư; xác định và xử lý nhanh, đúng quy định các khoản nợ về khối lượng và tư vấn trong đầu tư xây dựng.
Để nâng cao năng suất lao động, EVNNPC chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại số lao động theo công việc khoa học hơn, bố trí lại lao động, giảm thiểu tình trạng thừa - thiếu cục bộ, bố trí lại lực lượng lao động gián tiếp để tiết kiệm lao động.
Ngoài ra, EVNNPC còn áp dụng nhiều nền tảng khoa học kỹ thuật, áp dụng các công nghệ mới để hiện đại hóa ngành điện như hóa đơn điện tử, Triển khai hệ thống CMIS 3.0, triển khai cung cấp dịch vụ điện mức độ 4,...
Tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc do EVNNPC quản lý, số xã có điện đạt 100% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,3%.
EVNNPC luôn là đơn vị có tốc độ tăng thương phẩm và doanh thu cao nhất trong Tập đoàn Điện lực với mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm của các Công ty Điện lực tăng từ 12 đến hơn 14%.
Cụ thể, sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 64,27 tỷ kWh với tốc độ tăng trưởng 12,1%, vượt 370 triệu kWh so với kế hoạch giao; sản lượng điện thương phẩm khối Công nghiệp Xây dựng chiếm tỷ trọng 65,02%, tăng trưởng 13,43% tương ứng 4,95 tỷ kWh; sản lượng điện thương phẩm khối quản lý tiêu dùng chiếm tỷ trọng 28,51%, tăng trưởng 8,19% tương ứng 1,4 tỷ kWh.
Có thể nói, trải qua 50 xây dựng và phát triển, EVNNPC được hun đúc từ truyền thống anh hùng và được kế thừa qua nhiều thế hệ, gánh vác sứ mệnh lịch sử Đảng và Nhân dân giao phó, tin cậy là một ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam.