50 năm thống nhất đất nước: Nửa thế kỷ chuyển mình từ hòa bình đến phát triển

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, ký ức hào hùng của những người lính năm xưa vẫn in đậm trong tâm khảm các thế hệ hôm nay. Việt Nam – từ những năm tháng chiến tranh ác liệt đến vị thế biểu tượng của phát triển và hội nhập – đã trải qua một hành trình được viết nên không chỉ bằng máu và hy sinh, mà còn bằng ý chí kiên cường và khát vọng vươn lên.

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, trong ngôi nhà nhỏ tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội), chúng tôi có dịp lắng nghe câu chuyện đầy xúc động của Trung tá Nguyễn Văn Trang, 80 tuổi, nguyên cán bộ Trung tâm Kiểm nghiệm, Nghiên cứu Dược Quân đội, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Dịch Vọng Hậu. Ngồi trầm ngâm giữa không gian quen thuộc, ông Trang kể lại những ký ức hào hùng về thời khắc cùng đồng đội tiến vào tiếp quản Sài Gòn cách đây tròn 50 năm. Dù nửa thế kỷ đã trôi qua, ánh mắt ông vẫn ánh lên niềm tự hào và tinh thần chiến thắng như ngày nào.

Từ ký ức người lính quân y trong ngày Sài Gòn im tiếng súng

Ngồi bên cạnh Trung tá Nguyễn Văn Trang là người con trai - anh Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1975, đúng vào năm đất nước thống nhất. Anh như món quà của hòa bình mà người sĩ quan trẻ Nguyễn Văn Trang năm ấy nhận được sau hành trình dài đằng đẵng qua chiến tranh.

Khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975, đánh dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975, đánh dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

"Dù đã tròn 50 năm, nhưng bố vẫn nhớ từng khoảnh khắc của ngày hôm ấy," ông Trang lặng giọng kể. "Buổi sáng, xe tăng của ta tiến vào trung tâm Sài Gòn. Người dân hai bên đường vẫy cờ đỏ sao vàng, nhiều người không giấu nổi những giọt nước mắt. Không còn tiếng súng. Chỉ có tiếng reo mừng. Khi lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, bố biết rằng phần đời chiến đấu của mình không uổng phí."

Khi đó, đơn vị của ông thuộc Cục Quân Y (Tổng cục Hậu cần), được giao nhiệm vụ tiếp quản thành phố và chăm sóc thương bệnh binh. Khắp các ngả đường, người dân Sài Gòn đổ ra chào đón đoàn quân giải phóng, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam rực rỡ tung bay trên những chiếc xe tăng và xe quân sự, như biểu tượng sống động cho chiến thắng huy hoàng của cả dân tộc.

Ông Trang chia sẻ: Ngày tiếp quản Sài Gòn là ngày vừa thiêng liêng, vừa xúc động đến nghẹn lời. Không có cảnh đổ máu, chỉ có những ánh mắt, những cái bắt tay nồng ấm giữa những con người chung dòng máu Lạc Hồng.

Những ngày đầu tiếp quản, người lính nói chung và người lính quân y nói riêng không chỉ cầm súng, mà còn tất bật đủ việc: giữ gìn trật tự, chăm sóc thương bệnh binh, hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân. Là quân y, ông Trang và đồng đội miệt mài cứu chữa không chỉ thương binh của mình mà cả những người lính chế độ cũ. Ông bảo: "Chiến tranh kết thúc rồi, thì người với người phải đối xử với nhau bằng tình thương và sự khoan dung."

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Trang (Hàng đầu, thứ hai từ trái sang) trong một lần giao lưu giữa Hội cựu chiến binh Phường Dịch Vọng Hậu với các cháu học sinh trường THCS Dịch Vọng A.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Trang (Hàng đầu, thứ hai từ trái sang) trong một lần giao lưu giữa Hội cựu chiến binh Phường Dịch Vọng Hậu với các cháu học sinh trường THCS Dịch Vọng A.

"Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống ngay trong những ngày tưởng chừng hòa bình đã tới," người cựu chiến binh 80 tuổi nghẹn ngào chia sẻ. "Gian khổ, mất mát, hy sinh là những từ không thể thiếu khi nhắc đến thế hệ chúng tôi. Nhưng cũng chính nhờ những tháng năm đó, chúng tôi càng thêm quý trọng cuộc sống yên bình hôm nay."

Hai tháng sau ngày giải phóng miền Nam, khi nhịp sống thành phố dần trở lại bình thường, ông Nguyễn Văn Trang cùng đồng đội được lệnh trở ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Ông tiếp tục công tác trong quân đội, tham gia giảng dạy tại Trường Trung cấp Quân y 1 (nay thuộc Học viện Quân y), sau đó chuyển về Trung tâm Kiểm nghiệm, nghiên cứu Dược Quân đội cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1993. Ngừng nhiệm vụ quân đội, ông tiếp tục gắn bó với công tác địa phương, lần lượt giữ chức Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, cho đến khi nghỉ hẳn vào năm 2017.

Cả cuộc đời ông Nguyễn Văn Trang là hành trình bền bỉ của lý tưởng, kỷ luật và lòng trung thành với Tổ quốc. Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, là con trai của Liệt sĩ Nguyễn Văn Đài – người đã hy sinh trong những ngày Hà Nội khói lửa năm 1947 – ông Trang thấm nhuần tinh thần yêu nước từ tấm bé. Dù là con độc nhất được miễn nghĩa vụ quân sự, vừa tốt nghiệp cấp III năm 1964, ông đã tự nguyện viết đơn xin nhập ngũ với khát khao "bảo vệ Tổ quốc, trả thù cho cha, và để bằng bạn, bằng bè".

Trong suốt thời gian công tác, ông được quân đội cử đi học Đại học Dược để phục vụ cứu thương nơi chiến trường, từng tham gia các chương trình hợp tác quân sự tại Lào và Campuchia, đào tạo cán bộ quân y cho nước bạn. Với ông, bảo vệ thành quả cách mạng trong thời bình cũng thiêng liêng không kém những tháng ngày chiến đấu trên chiến trường.

Chia sẻ với VnBusiness anh Nguyễn Tuấn Anh – con trai ông Trang – xúc động nói: "Bố tôi luôn nhắc: Hòa bình không phải là kết thúc, mà là điểm khởi đầu cho một hành trình mới. Một hành trình làm sao để đất nước mạnh lên, nhân dân được sống sung túc, và con cháu mãi mãi không phải cầm súng. Để Việt Nam vững bước hòa bình, phát triển và sánh vai cùng thế giới."

Đến một Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ

Câu chuyện của người cựu chiến binh già Nguyễn Văn Trang không chỉ là hồi ức riêng của một con người, mà còn là đại diện cho hàng triệu cựu chiến binh và gia đình Việt Nam. Từ những năm tháng chiến tranh khốc liệt đến hòa bình lập lại, từ những gian khó chồng chất đến những thành tựu rực rỡ, từ chia cắt đến hội nhập quốc tế – hành trình ấy đã được viết nên bằng máu, nước mắt, niềm tin và tình yêu bất diệt với quê hương, đất nước.

Nửa thế kỷ sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã làm nên điều kỳ diệu: không chỉ hồi sinh từ đống tro tàn chiến tranh mà còn vươn lên thành một quốc gia đang phát triển năng động, ngày càng khẳng định vị thế trong cộng đồng quốc tế.

Thành quả này được thể hiện rõ nét qua những con số biết nói. Nếu như năm 1990, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ vỏn vẹn 98 USD, thì đến năm 2024, con số đó đã vượt ngưỡng 4.500 USD, theo thống kê từ Cục Thống kê.

Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực như dệt may, thủy sản, điện tử, đồ gỗ…

Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực như dệt may, thủy sản, điện tử, đồ gỗ…

Việt Nam hiện cũng nằm trong nhóm những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về dệt may, thủy sản, điện tử, đồ gỗ... với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 405,53 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đóng góp 114,59 tỷ USD (tăng 19,8%), còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 290,94 tỷ USD (tăng 12,3%).

Cùng với đó, những tập đoàn công nghệ hàng đầu như Samsung, Intel, LG, Apple… đều đã chọn Việt Nam làm mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khẳng định niềm tin quốc tế vào môi trường đầu tư của đất nước.

Không chỉ bứt phá về xuất khẩu, Việt Nam còn trở thành quốc gia tích cực ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, mở rộng không gian kinh tế và tăng cường hội nhập sâu rộng với thế giới.

Dù đã nghỉ hưu, mỗi ngày ông Nguyễn Văn Trang vẫn đều đặn theo dõi thời sự. Ngồi bên con trai, ánh mắt ông rạng ngời niềm tin: “Bố không rành về kinh tế, nhưng bố biết, đất nước mình đang đi đúng hướng. Giờ đây, không ai còn gọi Việt Nam là ‘nước nghèo’ nữa. Việt Nam hôm nay là đối tác đáng tin cậy, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư quốc tế,” ông mỉm cười tự hào.

Niềm tự hào được nối dài qua thế hệ

Người con trai – anh Nguyễn Tuấn Anh – chia sẻ, chính từ những câu chuyện của cha mình, anh thấm thía sâu sắc giá trị của độc lập, tự do và ý nghĩa lớn lao của sự phát triển hôm nay.

“Tôi sinh ra đúng vào năm đất nước thống nhất, hòa bình. Nhưng tôi lớn lên trong những câu chuyện của bố về những năm tháng chiến tranh. Mỗi lần nghe bố kể, tôi như được sống lại một thời kỳ mà sự hy sinh, gian khổ vượt xa sức tưởng tượng của thế hệ chúng tôi. Hòa bình ngày nay là điều tưởng như hiển nhiên, nhưng thực ra, đó là thành quả xương máu của hàng triệu người con Việt Nam đã ngã xuống,” anh Tuấn Anh xúc động nói.

Nhân dân Sài Gòn ra đường đón quân giải phóng.

Nhân dân Sài Gòn ra đường đón quân giải phóng.

Những người như cựu chiến binh Nguyễn Văn Trang là hình ảnh thu nhỏ của cả một thế hệ từng đi qua chiến tranh với tất cả những mất mát, đau thương và lòng kiên cường. Họ không chỉ chiến đấu, mà còn miệt mài xây dựng lại đất nước trong những năm tháng khó khăn nhất. Và hôm nay, ở tuổi xế chiều, họ vẫn dõi theo từng bước đi của dân tộc bằng niềm tự hào lặng lẽ.

Khi nhắc đến những đồng đội đã không trở về, ánh mắt người lính già chùng xuống: “Nhiều người bạn của tôi đã hy sinh ngay khi hòa bình chỉ còn cách vài giờ đồng hồ. Chúng tôi sống được đến hôm nay, mỗi ngày đều là một ngày tưởng nhớ họ.” Đối với ông, mỗi thành tựu của đất nước không chỉ là niềm vui, mà còn là một nén tâm hương tri ân dành cho những người đã khuất.

Ông coi việc kể lại ký ức chiến tranh cho thế hệ trẻ không chỉ là hoài niệm, mà còn là trách nhiệm: truyền lại tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và niềm tin vào tương lai.

Năm mươi năm sau ngày thống nhất, Việt Nam không còn những dòng sông chia cắt, không còn những tuyến đường bị chiến tranh phong tỏa. Từ Hà Nội, Đà Nẵng đến TP. Hồ Chí Minh, đất nước đã nối dài những con đường phát triển: là hành lang kinh tế, là trung tâm công nghệ, là những thành phố năng động đang vươn ra thế giới.

Thế hệ của những người lính như ông Trang đã đi qua chiến tranh, vượt qua đói nghèo, và giờ đây trao lại cho thế hệ trẻ một Việt Nam hòa bình, mạnh mẽ, tự tin. Họ có quyền tự hào khi nhìn thấy giấc mơ của cả một thế hệ trở thành hiện thực: một đất nước năng động, thịnh vượng, đầy triển vọng.

Những thế hệ sinh ra từ hòa bình hôm nay không chỉ ghi nhớ những hy sinh của cha ông, mà còn hiểu rằng: trách nhiệm lớn nhất chính là tiếp tục đưa Việt Nam vươn xa, để tương lai rạng rỡ không chỉ dừng lại ở ký ức, mà được hiện thực hóa bằng hành động mỗi ngày.

Ngày 30/4/2025 không chỉ là cột mốc lịch sử ghi dấu một chiến thắng, mà còn là biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần quật cường. 50 năm trôi qua, hành trình từ chiến tranh đến hòa bình, từ đổ nát đến phồn vinh, từ chia cắt đến hội nhập, chính là bản anh hùng ca sống động cho bản lĩnh Việt Nam.

Hòa bình không phải món quà ban tặng, mà là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ. Phát triển không tự nhiên mà có, mà là thành quả của cả một dân tộc kiên cường, bền bỉ vươn lên.

Việt Nam – từ một đất nước anh hùng trong chiến tranh, đang viết tiếp khúc tráng ca thịnh vượng trong thời đại mới.

Quốc Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-nua-the-ky-chuyen-minh-tu-hoa-binh-den-phat-trien-1106455.html