50 năm thống nhất đất nước: Việt Nam tự hào vững bước, lòng người hân hoan

Ngày 30/4 không chỉ là cột mốc lịch sử thiêng liêng, mà còn là dịp để nhìn lại chặng đường phát triển đầy ấn tượng của Việt Nam. Từ một đất nước trải qua chiến tranh, Việt Nam ngày nay đã vươn mình mạnh mẽ trở thành một trong những 'ngôi sao đang lên' tại khu vực Đông Nam Á, được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiềm năng đầu tư và môi trường kinh doanh ổn định.

Tại TP.HCM - trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước, những tuyến phố rực rỡ cờ hoa, không khí lễ hội tràn ngập từ sáng sớm. Hàng ngàn người dân và du khách tham gia các sự kiện diễu hành, chương trình nghệ thuật, thắp sáng cả thành phố bằng niềm tự hào dân tộc.

Không khí hân hoan đang tràn ngập khắp TP.HCM trong ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Việt Nam – từ ký ức chiến tranh đến khát vọng vươn xa

"Tôi sống ở Tp. Hồ Chí Minh mấy chục năm, nhưng chưa bao giờ thấy không khí hào hùng, phấn khởi như hôm nay. Mọi công tác chuẩn bị đều rất hoành tráng và công phu," anh Đoàn Hồng Cư xúc động chia sẻ.

Ngày 30/4/1975 đã mở ra một chương mới cho Việt Nam - từ chiến tranh đi tới hòa bình, từ đổ nát tiến tới phát triển. 50 năm sau, Việt Nam không chỉ ghi nhớ chiến thắng hào hùng mà còn tự hào về hành trình bền bỉ dựng xây đất nước, từng bước khẳng định vị thế trong cộng đồng quốc tế.

Hiện nay, với độ tuổi trung bình dưới 35, phần lớn người Việt Nam không còn ký ức trực tiếp về chiến tranh. Đối với thế hệ trẻ, ký ức lịch sử giờ đây gắn liền với những khái niệm mới: đổi mới, hội nhập, tăng trưởng kinh tế. "Xung đột" ngày nay với thế hệ trẻ thường được liên tưởng nhiều hơn tới các cuộc cạnh tranh thương mại toàn cầu, thay vì bom đạn của quá khứ.

TP.HCM, trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước.

TP.HCM, trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước.

Ở Việt Nam hiện tại, những quán cà phê Starbucks rất đông giới trẻ, trong khi các sản phẩm "Made in Vietnam" ngày càng phổ biến trong đời sống của người tiêu dùng toàn cầu, từ đôi giày Nike, iPhone lắp ráp tại Việt Nam, đến các linh kiện điện tử trong những thiết bị tối tân nhất.

Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Năm 2024, GDP đạt mức tăng trưởng hơn 7%, kim ngạch xuất khẩu vượt 400 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, điện tử.

Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lớn, thu hút dòng vốn FDI và trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhiều nền kinh tế lớn. Những con số ấn tượng này phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước sau hàng thập kỷ nỗ lực không ngừng, từ đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ cho đến mở rộng các ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngày 30/4 hôm nay không chỉ là ngày hội của lịch sử, mà còn là ngày hội của một Việt Nam hiện đại, năng động, tràn đầy khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới.

Người dân háo hức đón mừng ngày hội lớn

Tại trung tâm TP.HCM, các tuyến đường như Đồng Khởi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ... rực rỡ cờ hoa và chật kín người dân đổ về chiêm ngưỡng lễ hội. Từ các em nhỏ trong sắc áo đỏ sao vàng, đến những người cao tuổi từng đi qua chiến tranh, tất cả cùng chung nhịp đập tự hào.

"Tôi rất ấn tượng với cách đất nước tổ chức các sự kiện đầy xúc động, khơi gợi lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc," chị Trần Thị Minh Anh, một nhân viên ngân hàng 28 tuổi, chia sẻ. "Âm nhạc, ánh sáng và hình ảnh những thành tựu hôm nay khiến tôi cảm thấy tràn đầy hy vọng vào tương lai."

Không chỉ là lễ hội, sự kiện còn là dịp để các thế hệ ôn lại truyền thống, trân trọng giá trị của hòa bình. Đối với những thế hệ đã trải qua thời khắc lịch sử của dân tộc, niềm vui và cảm xúc càng trọn vẹn hơn. Ông Phạm Quý Hiển, 69 tuổi, xúc động kể: "Ngày xưa, trong chiến tranh, việc đi lại bị hạn chế bởi các trạm kiểm soát. Giờ đây, tôi tự do vi vu khắp đất nước, chứng kiến sự phát triển không ngừng từng ngày."

Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay đang mang trong mình khát vọng khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay đang mang trong mình khát vọng khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Không chỉ những người cao tuổi, thế hệ trẻ Việt Nam cũng đang có những cách riêng để kết nối với lịch sử và cảm nhận giá trị của hòa bình. Anh Lê Quang Minh, 24 tuổi, một nhà thiết kế đồ họa tại Hà Nội, cũng chia sẻ: “Tôi cảm thấy may mắn vì được sống trong thời đại hòa bình, nơi mà cơ hội học tập, lập nghiệp rộng mở hơn bao giờ hết. Ngày 30/4 không chỉ là ký ức lịch sử, mà còn là lời nhắc nhở thế hệ trẻ phải trân trọng, phải tiếp nối và phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.

“Thật vui và xúc động! 50 năm trước, tôi chỉ là một cô bé học sinh được diễu hành ăn mừng chiến thắng. Nay, tôi được sống lại không khí ấy, nhưng trong tâm thế tự hào của một công dân đất nước phát triển,” cô Nguyễn Thị Thúy Vân, 63 tuổi, chia sẻ.

Ngày lễ 30/4 không chỉ gợi nhắc quá khứ hào hùng mà còn phản chiếu một Việt Nam hiện đại, năng động và hội nhập. Tại các tuyến phố lớn, các trung tâm thương mại, khu vui chơi, đâu đâu cũng thấy sự sôi động của các chương trình khuyến mãi, lễ hội mua sắm, sự kiện văn hóa chào mừng, cho thấy sức sống của nền kinh tế tiêu dùng nội địa đang lớn mạnh từng ngày.

Trong dòng chảy phát triển đó, Việt Nam cũng không ngừng mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế. Những nỗ lực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy tầm nhìn chiến lược để đưa đất nước vững bước vào nhóm nền kinh tế có thu nhập cao trong tương lai gần.

Ngày hôm nay, niềm tự hào không chỉ là ký ức về lịch sử, mà còn được tiếp nối bằng những thành tựu cụ thể về kinh tế, xã hội và đời sống, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cả dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Thùy Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-viet-nam-tu-hao-vung-buoc-long-nguoi-han-hoan-1106491.html