50 năm thống nhất: Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế
Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), nhiều chuyên gia, học giả quốc tế, nhà ngoại giao đã có những nhận định, đánh giá cao về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Trung tướng Vongsone Inpanphim, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)
Theo TTXVN, Trung tướng Vongsone Inpanphim, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào, Thứ trưởng Quốc phòng Lào khẳng định, chiến thắng 30/4/1975 có ý nghĩa lịch sử mạnh mẽ và sâu sắc, kết thúc ách thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và kiểu mới tại ba nước Đông Dương; đồng thời tạo tiền đề để cách mạng Lào giành thắng lợi, thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ngày 2/12/1975.
Đây là thắng lợi to lớn của hai nước Lào và Việt Nam. Trung tướng Vongsone Inpanphim nhấn mạnh, thắng lợi chung ấy là minh chứng cho tình đoàn kết đặc biệt, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc, quân đội hai nước Lào và Việt Nam.
Theo Trung tướng Vongsone Inpanphim, dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc không chỉ đối với quân đội và nhân dân Việt Nam, mà còn là niềm tự hào chung của Đảng, Nhà nước và quân đội nhân dân Lào.
Việc quân đội Lào tham gia diễu binh theo lời mời của phía Việt Nam thể hiện sinh động tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác gắn bó giữa hai quân đội và nhân dân hai nước. Điều này đồng thời phản ánh sự trưởng thành, lớn mạnh cũng như tinh thần quốc tế trong sáng của quân đội Việt Nam-Lào, hai đội quân anh hùng của hai dân tộc anh hùng.
Ông Eric Coudray, giáo viên sử địa tại thành phố Annecy, chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương và Tiến sĩ lịch sử đương đại tại Đại học Paul-Valéry Montpellier (Pháp) đánh giá cao nỗ lực tái thiết đất nước của Việt Nam sau chiến tranh.
Theo ông, chiến thắng năm 1975 đã mở ra cơ hội để chính quyền mới tập trung xây dựng một quốc gia thống nhất, từng bước khôi phục những vùng đất bị tàn phá nặng nề, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Ông Coudray cũng ghi nhận sự linh hoạt và khéo léo của Việt Nam trong việc mở rộng quan hệ đối tác quốc tế, từng bước vươn lên trở thành một quốc gia hiện đại, có vai trò nổi bật trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đúc kết bài học từ chiến thắng lịch sử 30/4/1975, ông nhấn mạnh: Sự thống nhất dựa trên đồng thuận dân tộc chính là nguồn sức mạnh cốt lõi, bền vững nhất cho sự trường tồn và phát triển của mỗi quốc gia.
Nhà báo Massimo Loche, từng là phóng viên chiến trường tại Việt Nam trong thập niên 1970, cựu Phó Giám đốc kênh truyền hình tin tức Rainews24 (Italia) đã nhớ lại cảm xúc gần gũi, gắn bó với người dân Việt Nam. Ông kể rằng, vào thời điểm đó, tại Italia, phong trào đoàn kết với nhân dân Việt Nam và vì hòa bình diễn ra vô cùng mạnh mẽ, thu hút sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp xã hội, nhiều đảng phái chính trị, phong trào xã hội, công đoàn và hợp tác xã.
Nhà báo Loche khẳng định, chiến thắng 30/4/1975 là một chiến thắng hoàn toàn xứng đáng cho nhân dân Việt Nam. Sau những gian khổ, mất mát và hy sinh quá lớn, người dân Việt Nam đã hiện thực hóa điều tưởng chừng chỉ là một giấc mơ, đó là: Độc lập, thống nhất và tự do.
Giáo sư Masina Pietro Paolo từ Đại học Phương Đông Napoli (Italia) nhấn mạnh, trong suốt 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đã vượt qua những tàn dư nặng nề của chiến tranh để vươn lên trở thành một câu chuyện thành công nổi bật trên trường quốc tế.
Nửa thế kỷ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất, Việt Nam không ngừng phát huy thành quả của công cuộc đổi mới và hội nhập, quyết tâm thực hiện các đột phá chiến lược cùng những chính sách lớn, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới. Dù trước mắt vẫn còn nhiều thách thức, song những thành tựu đã đạt được đã đưa Việt Nam trở thành một tấm gương thành công đáng tự hào trên trường quốc tế.