Tiến độ trồng rừng 'chững' vì khô hạn

Bài đăng ký nộp 29/4/2025

- Những tháng đầu năm 2025, chứng kiến tình hình khô hạn kéo dài và giá cây giống lâm nghiệp tăng đột biến, tạo ra thách thức không nhỏ cho mục tiêu phủ xanh 9.000 ha rừng của tỉnh trong năm nay. Thay vì không khí khẩn trương trồng rừng thường thấy như những tháng đầu các năm trước, những tháng đầu năm nay nhiều khu vực đất rừng khô cằn, khiến chủ rừng và người dân phải tạm dừng các hoạt động trồng mới.

Tại Lộc Bình, một trong những huyện có diện tích quy hoạch trồng rừng lớn của tỉnh, với mục tiêu bình quân mỗi năm trồng mới từ 1.200 ha trở lên. Tình hình khô hạn gay gắt kéo dài từ sau cơn bão số 3 (Yagi) vào tháng 9/2024 đến nay, cùng với giá cây giống (keo, thông, bạch đàn) tăng cao gấp đôi so với năm ngoái đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ trồng rừng của doanh nghiệp và người dân.

Bà Hoàng Thị Điểm, thôn Bản Quang, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình không giấu nổi lo lắng: “Mọi năm, tầm này gia đình tôi đã trồng rừng xong. Năm nay không có mưa to, đất khô quá, đào hố còn khó, nói gì đến cây sống. Mấy trận mưa nhỏ vừa qua chỉ đủ ẩm chút bề mặt đất. Hiện tại, gia đình tôi đã dọn xong mặt bằng trồng rừng nhưng chưa cuốc được hố trồng cây. Chờ mưa xuống, đất ẩm, gia đình tôi sẽ cuốc hố để trồng gần 1 ha bạch đàn.

Người dân xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình chuẩn bị điều kiện để trồng rừng mới

Người dân xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình chuẩn bị điều kiện để trồng rừng mới

Không chỉ khô hạn mà giá cây giống tăng cao cũng khiến chủ rừng e ngại đầu tư. Cụ thể, giá keo giống đã tăng từ 600 đồng lên 1.500 đồng/cây, thông từ 700 đồng lên 1.100 đồng/cây, cây bạch đàn cũng dao động từ 2.900 - 5.000 đồng/cây. Giá cây giống tăng cao là do sau cơn bão số 3 (Yagi), nhiều diện tích rừng trong toàn tỉnh bị thiệt hại khiến nhu cầu trồng rừng tăng gấp khoảng 10 lần so với kế hoạch năm. Do đó, nhu cầu về cây giống tăng cao dẫn đến nguồn cung hiếm, giá càng đội giá đội lên cao hơn.

Chính vì đất đai khô hạn, giá cây giống tăng nên từ đầu năm 2025 đến nay, các doanh nghiệp, người dân chưa thể tiến hành trồng rừng. Tại một số địa bàn, tranh thủ sau những cơn mưa nhỏ, các doanh nghiệp, các công ty lâm nghiệp, người dân cũng đã tranh thủ trồng các loại cây thông, keo, bạch đàn nhưng khô hạn đã và đang khiến nhiều diện tích cây bị chết. Riêng tại địa bàn huyện Đình Lập, từ đầu năm đến nay đã có 500 ha rừng sau khi trồng mới bị chết vì khô hạn.

Bà Vũ Thị Hương, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đình Lập cho biết: Với tình hình này, nếu cố trồng, nguy cơ cây chết rất cao, kéo theo bao nhiêu công sức, tiền của của người dân “đổ sông đổ biển”. Vì vậy, nhiều chủ rừng ở trong huyện vẫn đang chờ đợi những cơn mưa lớn để đất đủ ẩm mới dám mua cây giống về trồng.

Cán bộ kiểm lâm huyện Lộc Bình hướng dẫn người dân kỹ thuật cuốc hố trồng cây thông thông

Cán bộ kiểm lâm huyện Lộc Bình hướng dẫn người dân kỹ thuật cuốc hố trồng cây thông thông

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới chỉ trồng được khoảng 2.500 ha rừng, đạt gần 28% kế hoạch năm. Trong đó, một số huyện có diện tích trồng mới đạt thấp như Cao Lộc (20 ha), Chi Lăng (60 ha), Đình Lập (100 ha), Lộc Bình (150 ha).

Trước tình hình khó khăn này, các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh đã và đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục và đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Chúng tôi đã rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khu vực có khả năng trồng rừng và sẽ phân kỳ kế hoạch theo mùa, tập trung vào thời điểm dự báo có thời tiết thuận lợi, độ ẩm đất đảm bảo. Công tác tuyên truyền, vận động người dân chuẩn bị cây giống chất lượng, chịu hạn tốt như keo lai, bạch đàn lai và các giống cây bản địa thích ứng cao cũng được chú trọng. Cùng với đó, thời gian gần đây, cán bộ kiểm lâm tăng cường hướng dẫn người dân về các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trong điều kiện khô hạn như đào hố sâu hơn, bón phân hữu cơ để giữ ẩm.

Thời gian này, chính quyền cấp huyện và các cơ quan liên quan cũng phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn để nắm bắt tình hình thực tế, động viên người dân và có những hướng dẫn cụ thể, sát với từng địa phương. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo vệ diện tích rừng đã trồng và hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc để giảm thiểu thiệt hại do khô hạn gây ra.

Cán bộ kiểm lâm huyện Đình Lập hướng dẫn người dân xã Bắc Lãng chăm sóc diện tích rừng mới trồng để tránh bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn

Cán bộ kiểm lâm huyện Đình Lập hướng dẫn người dân xã Bắc Lãng chăm sóc diện tích rừng mới trồng để tránh bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn

Ông Hoàng Như Bách, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định chia sẻ: Năm 2025, Tràng Định phấn đấu trồng mới 1.260 ha rừng, chủ yếu là các loại cây: quế, keo, hồi, bạch đàn và thông. Đến thời điểm này, các tổ chức và người dân mới trồng được 350 ha, đạt 27,7% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 40%. Nguyên nhân cũng bởi khô hạn kéo dài. Để đảm bảo tiến độ trồng rừng của năm nay, UBND huyện đã và đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn đánh giá lại tình hình từng khu vực, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Giải pháp ưu tiên là vận động bà con theo dõi sát diễn biến thời tiết và chuẩn bị sẵn các điều kiện trồng rừng (dọn bề mặt rừng, đào hố, tập kết sẵn cây giống, lựa chọn giống cây chịu hạn tốt…) để khi có mưa, đất ẩm sẽ tiến hành trồng ngay.

Tình hình khô hạn và giá cây giống tăng cao đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho mục tiêu phủ xanh rừng của tỉnh năm 2025. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và sự chủ động, nỗ lực của người dân, cùng với những giải pháp ứng phó linh hoạt và phù hợp với thực tế, hy vọng rằng thời gian tới, các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành diện tích rừng trồng mới đúng tiến độ đề ra.

Minh Đức

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tien-do-trong-rung-chung-vi-kho-han-5045531.html