50 phút điện đàm căng thẳng giữa TT Biden và TT Putin
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 30-12 cảnh báo nhau về Ukraine nhưng thể hiện sự lạc quan nhất định về các cuộc đàm phán ngoại giao sắp tới.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 50 phút, theo Reuters, Tổng thống Biden yêu cầu Nga xuống thang căng thẳng gần Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Putin nhấn mạnh lệnh trừng phạt của Washington và đồng minh có thể khiến các mối quan hệ rạn nứt.
"Tổng thống Biden tái khẳng định tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán chỉ có thể đạt được trong môi trường xuống thang căng thẳng, không phải leo thang căng thẳng" – thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tiết lộ.
Phụ tá Điện Kremlin Yuri Ushako cho biết cuộc điện đàm nêu trên tạo ra "bối cảnh tốt" cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Cuộc điện đàm này, diễn ra theo yêu cầu của Tổng thống Putin, tạo tiền đề cho đối thoại ngoại giao cấp thấp hơn giữa 2 nước, bao gồm cuộc gặp an ninh Nga-Mỹ vào ngày 9 và 10-1-2022, theo sau bởi cuộc họp Nga-NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) vào ngày 12-1-2022 và một hội nghị quy mô lớn hơn có sự tham gia của Washington, Moscow và những quốc gia châu Âu khác vào ngày 13-1-2022.
Washington và Moscow khẳng định cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden diễn ra căng thẳng.
Ông chủ Nhà Trắng tiếp tục đe dọa Moscow về các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt chưa từng thấy nếu họ tấn công Ukraine.
"Tổng thống Biden đề ra 2 lộ trình", trong đó có ngoại giao, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden cho biết.
"Lộ trình còn lại tập trung vào khía cạnh răn đe, bao gồm hậu quả và cái giá đắt đỏ mà Nga phải trả nếu xâm lược Ukraine" – vị này nói thêm.
Theo giới chức Mỹ, lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhằm vào Nga có thể bao gồm các biện pháp tách Nga khỏi hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu.
Đáp lại, Tổng thống Putin cảnh báo mọi biện pháp trừng phạt lúc này hoặc sau này đều có thể khiến quan hệ Moscow - Washington sụp đổ hoàn toàn.
Moscow 2 tháng qua qua khiến phương Tây bất an khi tập trung hàng chục ngàn binh sĩ gần Ukraine.
Nga phủ nhận cáo buộc lên kế hoạch tấn công Ukraine, nói rằng họ có quyền điều binh sĩ theo ý muốn trong lãnh thổ của mình và những động thái quân sự như trên là để đối phó với mối đe dọa đến từ NATO.