51 năm Hiệp định Paris: Nhớ cuộc trao trả tù binh Mỹ ở Khoán Tiều
Cuộc trao trả kết thúc thắng lợi. Máy bay của phái đoàn Liên hợp Quân sự 04 bên cất cánh lên bầu trời Duyên Hải trong xanh, mang theo niềm vui khôn tả của viên tù binh Mỹ, thiếu tá phi công Rô-Bét Oai-Tơ và gia đình từ bên kia, nửa vòng trái đất.Hôm đó cũng là ngày người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris.
Sau gần 05 năm hội đàm Paris, từ phiên họp đầu tiên ngày 13/5/1968, cuối cùng, chiến dịch 12 ngày đêm (từ ngày 18 - 29/12/1972), dùng máy bay B52 ném bom hủy diệt miền Bắc (theo cách gọi của không quân Mỹ là: Linebacke II - Lai bách cơ II), vẫn không thực hiện được mưu đồ xấc xược của Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Richard Nixon lúc bấy giờ rằng: “Cho miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”, trước ý chí sắt đá của Nhân dân Việt Nam vì một lập trường bất di bất dịch mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã chỉ ra rằng: “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một”, buộc Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam cộng hòa phải đặt bút ký kết Hiệp định Paris (Pháp) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/01/1973.
Trong các điều khoản của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/01/1973 có quy định hai bên thực hiện trao trả tù binh. Địa điểm trao trả binh được các bên liên quan ấn định, đó là Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (Sài Gòn), Thạch Hãn (Quảng Trị) và Sân bay Lộc Ninh (sân bay thuộc vùng kiểm soát của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam).
Thế nhưng, trong danh sách tù binh Mỹ được trao trả chuyến cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 29/3/1973, được công bố, không có tên người tù binh Mỹ tên Rô - Bét Oai - Tơ (theo phiên âm), thiếu tá phi công lái máy bay Mô-hốc (người dân địa phương gọi máy bay ba đuôi) bay tuần tiểu vùng ven biển Nam Bộ bị dân quân du kích xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải bắn hạ và phi công bị bắt làm tù binh vào năm 1970. Trong kháng chiến, bình quân mỗi người dân xã Trường Long Hòa hứng chịu 01 quả bom Mỹ, có 04 máy bay Mỹ bị dân quân du kích xã này bắn rơi.
Để bày tỏ thiện chí và chính sách nhân đạo của dân tộc ta, phái đoàn ta trong Ban liên hợp Quân sự 04 bên thông báo cho phía Mỹ sẽ trao trả bổ sung thêm 01 quân nhân Mỹ cho phía Mỹ vào ngày 29/3/1973, nhưng địa điểm trao trả phải tại ấp Khoán Tiều, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, chính ngay nơi viên phi công Mỹ này bị bắt làm tù binh. Cuộc trao trả sẽ do Ủy ban nhân dân (UBND) cách mạng tỉnh Trà Vinh tổ chức dưới sự giám sát của đại diện Ban liên hợp Quân sự 04 bên.
Đồng chí Nguyễn Trọng Lai phóng viên Báo Anh Dũng, tỉnh Trà Vinh, đang hoạt động nghiệp vụ trong vùng trọng điểm bình định của địch tại xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, được lệnh của Tiểu ban Thông tấn báo chí Ban Tuyên huấn tỉnh, tháp tùng với đoàn UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh đến đưa tin trao trả tù binh Mỹ tại ấp Khoán Tiều, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải.
Trò chuyện với tôi, cựu Nhà báo Nguyễn Trọng Lai nhớ lại:
- Cùng đi với các đoàn đến theo dõi đưa tin cuộc trao trả viên tù binh Mỹ ngày 29/3/1973 tại ấp Khoán Tiều, xã Trường Long Hòa có 04 phóng viên nhà báo gồm: Thiếu tá Trần Quang Điện, phóng viên Báo Quân đội nhân dân; Nhà báo Trường Sinh, phóng viên Báo Quân giải phóng; Thiếu tá Đinh Công Chất và Trung úy Nguyễn Ngọc Nội, phóng viên Báo Tiền Tuyến (Sài Gòn) và tôi, phóng viên báo Anh Dũng, Tiểu ban Thông tấn báo chí, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh. Từ xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, qua một đêm hành quân bằng đường thủy ven Sông Hậu, rạng sáng hôm sau chúng tôi có mặt tại ấp Khoán Tiều.
Buổi sáng ngày 29/3/1973, bầu trời vùng ven biển ấp Khoán Tiều trong xanh. Cảnh giác cao độ trước bản chất hiếu chiến của quân đội Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam yêu cầu chính quyền Sài Gòn chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris, ra lệnh ngưng các cuộc không kích, pháo kích vào tọa độ ấp Khoán Tiều, xã Trường Long Hòa. Để đảm bảo an toàn, viên tù binh Mỹ được trao trả, không được để gần địa điểm trao trả khi phái đoàn Liên hợp Quân sự 04 bên chưa chạm đất. Bí thư Huyện ủy Duyên Hải Trương Văn Ngà (Hai Lá), được cấp trên chỉ đạo, ra lệnh cho lực lượng vũ trang trong huyện và hướng dẫn Nhân dân sở tại, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, đề phòng ngụy quyền Sài Gòn tráo trở lật lộng, phá hoại Hiệp định Paris, phá hoại cuộc trao trả.
Đoàn công tác UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh do ông Lê Thọ Tường (Mười Lành), quê quán xã Ngũ Lạc, huyện Cầu Ngang (nay huyện Duyên Hải) dẫn đầu cùng đông đảo Nhân dân địa phương ấp Khoán Tiều đứng đón phái đoàn Liên hợp Quân sự 04 bên, bên rẫy dưa. Máy bay của phái đoàn Liên hợp Quân sự 04 bên xuất hiện trên bầu trời và từ từ hạ cánh.
Sau khi các đoàn vào lều bạt do đoàn công tác UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh và Nhân dân địa phương chuẩn bị chu đáo từ tối hôm trước, đồng chí Lê Thọ Tường, thay mặt đoàn UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh thông báo đến các đoàn cho biết, do viên tù binh Mỹ được ta trao trả đang còn ở xa địa điểm này; lại gặp lúc nước ròng sông cạn nên việc đưa viên tù binh ấy đến đây phải chờ nước lớn đầy sông, nên việc trao trả sẽ bị chậm trễ. Do vậy, đoàn UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh đề nghị các đoàn trong lúc chờ đợi đi tham quan khu vực xung quanh. Gió biển lồng lộng thổi vào làm ai cũng cảm thấy khoan khoái nên khi nghe vậy các đoàn đều hài lòng và đi theo sự hướng dẫn của phái đoàn UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh.
Khi các đoàn rời lều bạt chưa xa, bắt gặp ngay những hình ảnh nhà cháy, hoa màu bị trốc gốc héo khô, nhiều hố bom pháo còn nám khói - đó là những hình ảnh để lại của quân đội Sài Gòn sau một trận càn vào đây cách đó chưa lâu. Chứng kiến hình ảnh vi phạm Hiệp định Paris của quân đội Sài Gòn, hai phóng viên nhà báo phía chính quyền Sài Gòn Đinh Công Chất, Nguyễn Ngọc Nội và 02 phái đoàn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn vô cùng bối rối. Các phái đoàn càng đi càng thấy thêm nhiều tội ác của quân đội Sài Gòn.
Cùng lúc đó người dân địa phương gát việc ruộng rẫy, rời hầm trú ẩn kéo đến mỗi lúc một đông thêm và như thân thiện kể lại tội ác của quân đội Sài Gòn trước các đoàn liên quan trong cuộc trao trả. Trong quý I/1973, từ sau khi có Hiệp định Paris, ngụy quyền Sài Gòn tại tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, tăng cường bắt lính, đôn quân, tăng quân số địch toàn tỉnh lên hơn 1.000 tay súng so với cuối năm 1972, liêp tiếp mở các cuộc hành quân vào các vùng giải phóng, lấn đất, giành dân, gây nhiều tội ác với Nhân dân ta, chúng đóng thêm 177 đồn bót…
Trước tình thế đó, hai phóng viên Đinh Công Chất, Nguyễn Ngọc Nội nhiều lần do dự không muốn đi thêm. Đoàn phía Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn buộc phải đề nghị phía ta xin được trở lại lều bạt với lý do không quen đi bộ, để không phải tiếp tục chứng kiến hành động tội ác, vi phạm Hiệp định Paris của đồng bọn.
Trở lại lều bạt thì trời đã quá trưa, tất cả thành viên của các phái đoàn ai cũng thấy đói bụng. Biết vậy, nhiều người dân địa phương mang những quả dưa hấu cuối mùa đến lều bạt để đoàn UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh tiếp đãi thành viên các phái đoàn ăn cho đở đói. Cử chỉ ấy của người dân Trường Long Hòa trong chiến tranh càng thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tình người, thực hiện chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và cách mạng.
Hơn 13 giờ ngày 29/3/1973, viên tù binh Mỹ được người của đoàn UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh đưa đến. Sau khi hoàn tất thủ tục kiểm tra sức khỏe, nhân thân viên tù binh Mỹ này thì các bên tiến hành thủ tục trao trả.
Đến lúc này một tình huống lắc léo mới phát sinh - đó là phía Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đề nghị lập 05 bộ tờ biên bản có cùng nội dung như tại các lần trao trả trước tại các địa điểm được Hiệp định Paris ấn định. Như vậy có nghĩa là phía đoàn UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh không có bộ tờ biên bản trao trả. Bên phía ta đề nghị lập 06 biên bản có cùng nội dung để phía đoàn UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh - đơn vị tổ chức trao trả giữ một bản lưu khố. Tình huống trên được các bên thảo luận với lý do trước đây làm 05 bản, nên nay vẫn cứ làm 05 bản. Cuộc thảo luận kéo dài gần một tiếng đồng hồ mà vẫn không có kết quả. Cựu nhà báo Nguyễn Trọng Lai nhớ lại:
- Lúc này, thấy tình huống thiếu thiện chí của phái đoàn Mỹ, nhà báo Trần Quang Điện (Báo Quân đội nhân dân) khều nhẹ tôi ra khỏi lều bạt, anh ta nói nhỏ: “Đồng chí vào nói với đoàn tỉnh Trà Vinh, vì đây là trao trả tù binh không có trong danh sách trao trả, không nằm trong địa điểm Hiệp định Paris quy định, mà do UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh đề nghị trao trả vì lòng nhân đạo, nên phải có thêm 01 bộ biên bản để phía đoàn UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh lưu lại trong hồ sơ. Nếu phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn chưa thỏa thuận được thì các bên trở về Sài Gòn bàn bạc thêm, chừng nào thống nhất thì hẹn ngày trao trả lại. Phía đoàn UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh tiếp tục giữ viên tù binh Rô-Bét Oai-Tơ ở đây.
Sau khi các đoàn nghe ông Lê Thọ Tường, đoàn UBND cách mạng Trà Vinh trình bày nội dung theo ý kiến đề xuất của nhà báo Trần Quang Điện, do nhà báo Nguyễn Trọng Lai truyền đạt lại, đại diện phái đoàn của Mỹ đứng lên phát biểu không một chút do dự, đồng ý thực hiện yêu cầu lập 06 bộ biên bản mà đoàn UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh yêu cầu.
Cuộc trao trả kết thúc thắng lợi. Máy bay của phái đoàn Liên hợp Quân sự 04 bên cất cánh lên bầu trời Duyên Hải trong xanh, mang theo niềm vui khôn tả của viên tù binh Mỹ, thiếu tá phi công Rô-Bét Oai-Tơ và gia đình từ bên kia, nửa vòng trái đất.
Hôm đó cũng là ngày người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris.
Lòng nhân đạo của Nhân dân Trà Vinh được phi cơ của phái đoàn Liên hợp Quân sự 04 bên chắp cánh bay cao trên bầu trời xanh hòa bình.
TRẦN ĐIỀN
(Cựu phóng viên Báo Anh Dũng Trà Vinh biên khảo).