55% doanh nghiệp FDI báo lỗ: Cần xem xét lại chính sách ưu đãi thuế
Bộ Tài chính cũng thừa nhận, bên cạnh những tác động tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vẫn còn một số tồn tại như còn hiện tượng chuyển giá, trốn thuế.
Nhiều doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh đang dấy nên lo ngại về tình trạng chuyển giá, trốn nộp thuế gây thất thoát ngân sách.
Trong năm 2019, doanh thu sản xuất kinh doanh, doanh thu từ hoạt động tài chính của Formosa Hà Tĩnh đạt 72.030 tỷ đồng, số lỗ trong năm hơn 11.500 tỷ đồng, số lỗ này gấp 4,2 lần cùng kỳ năm 2018. Số tiền nộp ngân sách năm 2019 của Formosa Hà Tĩnh là 51,6 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần thép Posco Yamoto Vina (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng có lỗ lũy kế hơn 8.900 tỷ đồng. Năm 2019, công ty này báo lỗ là 2.780 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 1.094 tỷ đồng của năm trước. Số nộp ngân sách năm 2019 là 41 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đánh giá, năm 2018 và 2019, đây là hai doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong nhóm ngành sản xuất sắt, thép và kim loại khác. Bộ Tài chính đánh giá hai công ty có tình hình tài chính không lành mạnh, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm, đóng góp vào ngân sách nhà nước rất hạn chế.
Không chỉ hai doanh nghiệp nói trên, Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy có đến 55% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước đã báo lỗ trong năm 2019. Đáng chú ý, doanh thu của 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ này được ghi nhận khoảng 846.800 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều chuyên gia nhận định, đây là con số là đáng báo động và khó chấp nhận. Cần tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vì sao lại để xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp báo lỗ như vậy.
“Hiện tượng nhiều doanh nghiệp FDI luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm, có doanh nghiệp báo lỗ nếu tính ra đã hết cả vốn nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế-tài chính cấp cao Học viện Tài chính nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng cần đặt ra vấn đề phân chia doanh nghiệp báo lỗ ra các loại khác nhau. “Có doanh nghiệp mới đưa vào sản xuất kinh doanh thì lỗ do hoạt động đầu tư chưa đạt mong muốn. Nhưng cũng có những doanh nghiệp báo lỗ mà cơ quan chức năng phải phân tích đầy đủ hơn, tránh hiện tượng chuyển giá," ông Thịnh nói.
Bộ Tài chính cũng thừa nhận, bên cạnh những tác động tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như còn hiện tượng chuyển giá, trốn thuế ở một số doanh nghiệp FDI.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp FDI ngày càng khó kiểm soát. Bởi những doanh nghiệp này thường dùng những thủ thuật tinh vi, rất khó phát hiện và xử lý như nâng giá tài sản cố định khi góp vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, nâng giá nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất của doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp kê khai lỗ và không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam. Hay như hình thức chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình, thường là công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, nhãn mác, kỹ thuật quản lý, điều hành và quản trị doanh nghiệp…
Kiểm toán Nhà nước cũng vừa phát hiện ra một hình thức chuyển giá nữa là công ty FDI ở Việt Nam nhưng bán hàng công ty mẹ ở chính quốc giá thấp hơn giá thành; lỗ lũy kế qua nhiều năm trong khi quy mô hoạt động và doanh số của doanh nghiệp FDI vẫn ổn định, thậm chí tăng trưởng qua các năm; có lãi trong thời gian được miễn thuế, nhưng sau đó báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế…
Do đó, chuyên gia cho rằng, cách biến lãi thành lỗ, hoặc sắp đặt mức lãi thấp, các doanh nghiệp FDI không thể làm việc riêng lẻ mà thường phối hợp, liên kết trong cùng tập đoàn hoặc từng nhóm. Nhiều doanh nghiệp đã có ý đồ chuyển giá và dùng các “chiêu trò” khác nhau để thực hiện hành vi chuyển giá.
“Trước hiện tượng báo lỗ nhưng tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh cần được tiến hành kiểm tra cụ thể từng trường hợp để làm rõ”, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT nêu ý kiến.
Đặc biệt, chuyên gia đánh giá chính sách ưu đãi thuế đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần điều chỉnh để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cụ thể, mức ưu đãi cao, diện ưu đãi còn rộng và dàn trải (đặc biệt là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp) làm suy giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong khi ngân sách nhà nước đang rất thiếu để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giá, đặc biệt là hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI.
“Tuy kê khai lỗ liên tục, song nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, cơ quan Thanh tra thuế đã chứng minh hành vi chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI với số tiền truy thu lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn như đã truy thu Metro Việt Nam 507 tỷ đồng, Hualon Corporation Việt Nam 78,1 tỷ đồng”, PGS.TS Lê Xuân Trường cho hay.
Do đó, chuyên gia nhấn mạnh, cần thiết phải có một bộ phận chuyên trách về thanh tra, kiểm soát chống chuyển giá, hay còn gọi là “đặc nhiệm chống chuyển giá” thay vì kiêm nhiệm như hiện hành. Hiện những giải pháp liên quan đến việc xây dựng một luật dành riêng cho chống chuyển giá hay lập cơ quan chuyên trách về chống chuyển giá chưa được tiến hành, vì vậy cần xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc và sớm nghiên cứu.
Theo enternews.vn