55 năm quan hệ Việt Nam-Sri Lanka: Nhiều tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực

Năm 2025 có nhiều ý nghĩa quan trọng với hai nước Việt Nam và Sri Lanka, là năm đánh dấu cột mốc hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/7/1970-21/7/2025).

55 năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam-Sri Lanka không ngừng phát triển và mở rộng trên nhiều lĩnh vực.

55 năm tăng cường sự tin cậy và gắn kết

Mặc dù quan hệ ngoại giao chính thức được thiết lập vào ngày 21/7/1970 nhưng Việt Nam và Sri Lanka đã có những mối liên kết sâu đậm từ trong lịch sử, bắt nguồn từ sự tương đồng về Phật giáo và các giá trị tư tưởng chung, cùng có khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dừng chân tại Sri Lanka và đây cũng là nơi Người nhiều lần thăm sau này. Sử sách ghi lại ít nhất 3 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới Sri Lanka vào các năm 1911, 1928 và 1946.

Các thế hệ lãnh đạo và người dân Sri Lanka luôn dành tình cảm khâm phục, kính trọng và yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là một trong số ít lãnh tụ nước ngoài có tượng đặt ở Thủ đô Colombo.

Năm 2013, Sri Lanka đã xây dựng và khánh thành công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng không gian Việt Nam-Hồ Chí Minh tại thủ đô Colombo. Đây là biểu tượng sinh động và trường tồn của mối quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc.

Trải qua 55 năm kể từ khi thiết lập quan hệ đến nay, Việt Nam và Sri Lanka luôn củng cố tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp và tăng cường hợp tác nhiều mặt vì lợi ích của nhân dân hai nước. Chính phủ hiện nay của Sri Lanka coi Việt Nam là hình mẫu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế thành công để học tập. Sri Lanka đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Mối quan hệ bền chặt giữa Việt Nam và Sri Lanka được đánh dấu bằng các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao của lãnh đạo hai nước. Có thể kể các chuyến thăm nổi bật như: Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Sri Lanka (tháng 3/1978); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Sri Lanka (tháng 10/2011); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Sri Lanka (tháng 2/2013); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025 (WGS 2025) tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) (tháng 2/2025); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thăm chính thức Sri Lanka (tháng 3/2025); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thăm, làm việc tại Sri Lanka (tháng 6/2025)…

Phía Sri Lanka có các chuyến thăm Việt Nam của: Tổng thống Mahinda Rajapaksa (tháng 10/2009); Chủ tịch Quốc hội Chamal Rajapaksa (tháng 7/2013); Thủ tướng D.M.Jayaratne dự Đại lễ Phật đản (tháng 5/2014); Thủ tướng Ranil Wickremesinghe thăm chính thức (tháng 4/2017), dự Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 3 tại Hà Nội (tháng 8/2018), dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (tháng 9/2018); Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya (tháng 4/2018); Phó Chủ tịch Quốc hội Chandima Weeerakkody thăm Việt Nam và dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 (tháng 3/2015); Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam và dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2025 (tháng 5/2025)…

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka tham quan trưng bày ảnh về quan hệ hợp tác giữa hai nước do Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chiều 5/5/2025. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka tham quan trưng bày ảnh về quan hệ hợp tác giữa hai nước do Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chiều 5/5/2025. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam và dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2025 của Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka từ ngày từ ngày 4 đến 6/5/2025 càng góp phần củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các mặt đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Dissanayaka trên cương vị Tổng thống (từ tháng 11/2024), diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa khi năm 2025 hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/7/1970-21/7/2025).

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung, nhất trí về các phương hướng lớn đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới; đồng thời ký kết các văn kiện hợp tác về kinh tế, thương mại, nông nghiệp, hải quan, khoa học-công nghệ, đầu tư và chuyển đổi số... Điều này mở ra cơ hội đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD và phát triển các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, du lịch, giáo dục và công nghệ cao.

Đến nay, Việt Nam và Sri Lanka đã thiết lập ba cơ chế hợp tác song phương, gồm: Ủy ban Hỗn hợp cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Tiểu ban Hỗn hợp Thương mại cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Các cơ chế này được duy trì khá đều đặn, góp phần rà soát và thúc đẩy hợp tác.

Trên cơ sở tình hữu nghị và hợp tác bền chặt, hai nước tiếp tục phối hợp tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Sri Lanka ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025; ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Ủy ban Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2023-2027.

Việt Nam ủng hộ Sri Lanka vào Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2025-2027; ủng hộ ứng cử viên của Sri Lanka vào vị trí Tổng Thư ký Kế hoạch Colombo nhiệm kỳ 2022-2026; ủng hộ Sri Lanka ứng cử vào Ban Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2023-2027.

Tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Quan hệ chính trị tốt đẹp cũng mở ra nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước. Sri Lanka là một đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Nam Á, có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương, sở hữu nhiều tiềm năng về logistics, công nghiệp nhẹ, chế biến nông sản và dịch vụ.

Kim ngạch thương mại song phương hàng năm đạt khoảng 200 triệu USD, trong đó chủ yếu là hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Sri Lanka. Hai nước đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1 tỷ USD.

 Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka chứng kiến trao Bản ghi nhớ về hợp tác chế tạo máy giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp và Phát triển doanh nghiệp Sri Lanka ngày 5/5/2025. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka chứng kiến trao Bản ghi nhớ về hợp tác chế tạo máy giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp và Phát triển doanh nghiệp Sri Lanka ngày 5/5/2025. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Việt Nam xuất khẩu sang Sri Lanka chủ yếu là hàng thủy sản, hạt tiêu, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, cao su, sợi dệt các loại, hàng dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và các loại linh kiện... và nhập khẩu từ Sri Lanka các mặt hàng như da, nguyên liệu thô, thực phẩm, rau củ...

Quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước thời gian tới được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn nữa, đóng góp tích cực vào sự gắn kết giữa Việt Nam và khu vực Nam Á, cũng như đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.

Về đầu tư, tính đến tháng 5/2025, Sri Lanka có 32 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu đầu tư đăng ký đạt 43,07 triệu USD, đứng thứ 62/148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Tính đến tháng 5/2025, Sri Lanka có 32 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu đầu tư đăng ký đạt 43,07 triệu USD, đứng thứ 62/148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Dự án tiêu biểu của Sri Lanka tại Việt Nam là Dự án đầu tư thành lập Nhà máy sản xuất đồ bơi của nhà đầu tư Linea Aqua (Private) Limited, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 30/1/2015 tại tỉnh Hưng Yên, tổng vốn đầu tư đăng ký là 20 triệu USD.

Hợp tác trong các lĩnh vực khác như tài chính, nông nghiệp, giáo dục, giao thông vận tải, văn hóa, du lịch, tôn giáo, giao lưu nhân dân... có nhiều tiềm năng.

Mới đây, tháng 3/2025, Sri Lanka đã thành lập Hội Nghị sỹ Hữu nghị Sri Lanka-Việt Nam, ghi một dấu mốc mới trong quan hệ hai nước nói chung và giữa hai Quốc hội nói riêng. Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Sri Lanka-Việt Nam luôn duy trì mối quan hệ hữu nghị khăng khít giữa Nghị viện Sri Lanka và Quốc hội Việt Nam.

 Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Disanayaka và đoàn công tác dâng hương tại khuôn viên trồng cây Bồ đề Vĩ Đại Cát Tường trong chùa Bái Đính. (Ảnh: Đức Phương/ TTXVN)

Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Disanayaka và đoàn công tác dâng hương tại khuôn viên trồng cây Bồ đề Vĩ Đại Cát Tường trong chùa Bái Đính. (Ảnh: Đức Phương/ TTXVN)

Đặc biệt, hợp tác văn hóa, Phật giáo và giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng phát triển, trở thành trụ cột trong quan hệ hai nước. Với việc đề cao các giá trị hòa bình, từ bi, Phật giáo chính là sợi dây tâm linh gắn kết tình cảm và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Sri Lanka.

Mới đây, trong bài phát biểu tại Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2025 được tổ chức tại Việt Nam ngày 6/5/2025, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka đã nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa Sri Lanka và Việt Nam, được gắn kết bởi Phật giáo, đồng thời khẳng định Sri Lanka mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia Phật giáo, trong đó có Việt Nam, để cùng nhau đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng toàn cầu, qua đó phát huy giá trị nhân văn của đạo Phật trong thế kỷ 21.

 Cán bộ nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tham gia phục vụ gian hàng lưu niệm và phở tại Lễ hội Văn hóa 2024 tại thủ đô Colombo. (Ảnh: TTXVN phát)

Cán bộ nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tham gia phục vụ gian hàng lưu niệm và phở tại Lễ hội Văn hóa 2024 tại thủ đô Colombo. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Trịnh Thị Tâm, trên nền tảng thuận lợi của 55 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội tích cực tại cả Việt Nam và Sri Lanka, quan hệ hai nước sẽ ngày càng phát triển bền vững.

Nhân kỷ niệm 55 năm quan hệ Việt Nam-Sri Lanka, Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka đã tổ chức nhiều hoạt động như: phát động cuộc thi tìm hiểu kiến thức về quan hệ Việt Nam-Sri Lanka (diễn ra từ tháng 1 đến tháng 6/2025), cuộc thi thiết kế logo về quan hệ hai nước (kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5/2025), giới thiệu bài hát ca ngợi quan hệ hai nước do nhạc sỹ Sri Lanka Mohomed Iqbal sáng tác, tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh hợp tác Phật giáo, văn hóa giữa hai nước…

Với sự tin cậy lẫn nhau, tình cảm gắn bó thân thiết giữa người dân hai nước sẽ tạo nên nền tảng vững chắc để Việt Nam và Sri Lanka tiếp tục thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước./.

 Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các thành viên trong đoàn và đại diện Thư viện công cộng Colombo chụp ảnh lưu niệm bên cạnh tượng đài Bác Hồ ở thủ đô Colombo. (Ảnh: Ngọc Thúy/TTXVN)

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các thành viên trong đoàn và đại diện Thư viện công cộng Colombo chụp ảnh lưu niệm bên cạnh tượng đài Bác Hồ ở thủ đô Colombo. (Ảnh: Ngọc Thúy/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/55-nam-quan-he-viet-nam-sri-lanka-nhieu-tiem-nang-hop-tac-tren-cac-linh-vuc-post1050764.vnp