Từ vụ tài xế say rượu lái xe gây tai nạn nghiêm trọng ở Hà Nội: bài học đắt giá

Chất cồn có trong rượu, bia sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, gây ảo giác, làm hệ thần kinh mất đi khả năng tự chủ, giảm khả năng định hướng và điều khiển vận động. Song, không ít tài xế vẫn cố ý điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Tài xế Lê Minh Giáp và hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người tử vong ở Hà Nội. Ảnh: T.A

Tài xế Lê Minh Giáp và hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người tử vong ở Hà Nội. Ảnh: T.A

Hệ lụy không đáng có

Thời gian vừa qua, mặc dù người vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã giảm, ý thức dần được nâng cao, thế nhưng điều đáng buồn là chúng ta vẫn phải chứng kiến những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do lỗi là những tài xế sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông. Rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam.

Mặc dù đã áp dụng chế tài xử lý rất nghiêm khắc cùng với công tác tuyên truyền về ý thức uống rượu, bia không lái xe cũng được đẩy mạnh; dù đã có rất nhiều bài học đắt giá được rút ra sau mỗi vụ tai nạn liên quan đến sử dụng rượu, bia. Song, nỗi ám ảnh những chiếc xe “điên” do người đã sử dụng rượu, bia điều khiển gây tai nạn thì vẫn hiện hữu. Biết là sai, là nguy hiểm nhưng một bộ phận người tham gia giao thông vẫn uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện giao thông.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội đã khởi tố bị can Lê Minh Giáp (SN 1984, trú tại phường Yên Nghĩa, Hà Nội) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bị can này là người điều khiển ô tô mang BKS 30K- 730.XX di chuyển trên đường Nguyễn Trác theo hướng từ Lê Trọng Tấn đi Khu đô thị Đô Nghĩa đã va chạm với 2 ô tô, 5 xe máy vào tối 16/7. Hậu quả vụ tai nạn khiến 1 người tử vong, hai người khác bị thương nặng, nhiều tài sản bị hư hỏng nặng.

Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng trên là do tài xế Lê Minh Giáp điều khiển xe ô tô sau khi đã sử dụng rượu, bia dẫn đến buồn ngủ và gây tai nạn liên hoàn. Kiểm tra nồng độ cồn của Giáp cho kết quả là 0,861ml/01 lít khí thở và âm tính với ma túy. Do say rượu trong khi điều khiển phương tiện, Lê Minh Giáp ngủ gật nên đã đâm vào 1 xe mô tô đi cùng chiều phía trước. Sau va chạm, Giáp tỉnh dậy, hoảng loạn nên đạp nhầm vào chân ga làm xe ô tô tăng tốc, đi nhanh về phía trước rồi tiếp tục đâm vào 4 xe mô tô, 2 xe ô tô dừng đỗ ở sát lề đường phải theo hướng di chuyển thì xe dừng lại.

Rượu bia sẽ ảnh hưởng tới người lái xe

Các chuyên gia y tế đánh giá, sử dụng rượu, bia sẽ ảnh hưởng rất lớn tới người điều khiển phương tiện giao thông và cũng rất dễ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Lái xe sau khi sử dụng rượu, bia là hành động nguy hiểm. Chất cồn có trong rượu, bia sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, gây ảo giác, làm hệ thần kinh mất đi khả năng tự chủ, giảm khả năng định hướng và điều khiển vận động. Khi uống rượu, bia, khả năng phối hợp giữa các bộ phận trên cơ thể như: mắt, tay, chân cũng bị ảnh hưởng. Những dấu hiệu của tình trạng này bao gồm: đi đứng loạng choạng, ngồi không vững, thậm chí còn khó khăn để ngồi lên xe. Việc uống rượu, bia dù ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến khả năng tập trung của người lái xe, mất tập trung khi lái xe rất dễ gây tai nạn. Mặt khác, uống rượu, bia có thể làm tổn thương các mô của mắt từ giác mạc, kết mạc đến võng mạc và thần kinh thị giác gây giảm thị lực, thậm chí không điều khiển được mắt. Khi thị lực giảm khiến người lái xe không nhìn thấy rõ các vật thể xung quanh, từ đó dễ gây ra tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, việc sử dụng rượu, bia cũng làm giảm khả năng phán đoán khi lái xe. Khả năng phán đoán khi lái xe đóng vai trò rất quan trọng để giúp tài xế đưa ra các quyết định xử lý tình huống. Tuy nhiên, sau khi uống rượu, bia thì khả năng phán đoán của tài xế sẽ giảm và dễ dẫn đến sự cố khi gặp tình huống bất ngờ.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia là một hành vi nguy hiểm, có thể gây tai nạn chết người. Hành vi uống rượu, bia và vẫn lái xe là một hành vi cố ý khinh thường mạng sống của chính mình và người khác, khi xảy ra hậu quả làm chết người thì không khác gì một hành vi giết người với lỗi cố ý. Việc tăng nặng mức hình phạt trong Bộ luật Hình sự hiện hành và việc xử phạt hành chính thật nặng các lái xe say xỉn mà vẫn lái xe hoàn toàn là một biện pháp khả thi để phòng, chống và giảm bớt các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xuất phát từ nguyên nhân này.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tu-vu-tai-xe-say-ruou-lai-xe-gay-tai-nan-nghiem-trong-o-ha-noi-bai-hoc-dat-gia-425217.html