55 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ: Hiện thực hóa khát vọng của Người lập quốc
Trước khi về với thế giới người Hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản di chúc ngắn gọn, chỉ hơn ngàn từ. Đoạn cuối của di chúc Người bày tỏ: 'Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới'.
55 năm qua, thực hiện Di chúc của Người, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Từ một đất nước bị chia cắt hai miền Nam - Bắc, chìm ngập trong khói lửa chiến tranh, ra khỏi cuộc chiến tranh với đầy thương tích, mất mát, ngập ngụa trong nợ nần để đến nay đã trở thành một đất nước hòa bình, thống nhất, nhân dân được sống trong độc lập, tự do, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực sống của thế giới.
1. Những thành tựu phát triển kinh tế toàn diện
Từ hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của mình, Việt Nam đã chọn lối đi riêng để tái thiết đất nước, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó phải gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; Phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Khẳng định bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…
Hơn nửa thế kỷ qua, dẫu thế giới có những biến động phức tạp, khó lường nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện và ngày càng được nâng cao.
Ra khỏi cuộc chiến tranh, Việt Nam là nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra gay gắt, tỷ lệ lạm pháp có lúc lên đến 774,7%, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, thiếu lương thực triền miên, khoảng ¾ dân số sống ở mức nghèo khổ. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng cao, trung bình khoảng gần 7% mỗi năm.
Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt 430 tỷ USD, vượt qua Philippine trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 4.620 USD, tăng 19 lần so với năm 1975; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008.
Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt trên 681 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 355 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 110 tỷ USD vào năm 2023.
Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, tính lũy kế đến ngày 20/12/2023, cả nước có tổng vốn đăng ký 468,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 297,2 tỷ USD.
Việc phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển đã giúp cho văn hóa, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống và chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Năm 2023, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,726 và thuộc nhóm các nước có trình độ phát triển con người ở mức cao của thế giới.
2. Kinh tế tư nhân, động lực cho nền kinh tế
Để có những thành tựu to lớn và toàn diện ấy, kinh tế tư nhân đã thể hiện vai trò tiên phong trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, sự linh hoạt của tư nhân đã cho thấy lợi thế quan trọng trên thị trường của khối kinh tế này. Những thế hệ doanh nhân đầu tiên của nền kinh tế hầu hết xuất thân từ anh “Bộ đội Cụ Hồ” từ chiến trường bước thẳng vào thương trường. Họ không chỉ anh hùng trong chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc mà còn anh hùng trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Những cái tên như Lê Văn Kiểm, Nguyễn Đăng Giáp, Phan Văn Quý… là những con người như thế.
Sau gần 40 năm đổi mới, từ vị trí không được thừa nhận, bị hạn chế phát triển, kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể, với việc từng bước được “cởi trói” và dần trở thành một thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trải qua nhiều thăng trầm, khu vực kinh tế tư nhân đã được công nhận là “động lực quan trọng để phát triển kinh tế”. Đến nay, khu vực này đã chiếm tới hơn 42% GDP và phấn đấu tăng tỷ trọng lên khoảng 55% GDP năm 2025, khoảng 60-65% GDP đến năm 2030.
Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp 30% ngân sách nhà nước (NSNN). Thu NSNN từ sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh hơn 15%/năm, cao khoảng gấp hai lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi nộp NSNN từ sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước suy giảm.
Với hơn 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và 5,4 triệu hộ kinh doanh, khu vực tư nhân đã trở thành một lực lượng hùng hậu đóng góp lớn nhất vào đầu tư và tăng trưởng GDP của đất nước, gấp đôi khu vực FDI, gấp rưỡi khu vực kinh tế nhà nước. Khu vực kinh tế tư nhân cũng tạo ra 45 triệu việc làm, chiếm 85% tổng số việc làm trong nền kinh tế.
Sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân được thể hiện rất rõ khi Việt Nam ngày càng có nhiều tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào rất nhiều các công trình hạ tầng quy mô lớn, có cả những dự án sân bay, cảng biển, đường cao tốc hay những lĩnh vực khó như hạ tầng năng lượng, sản xuất ôtô, điện thoại thông minh...
Ở mỗi lĩnh vực kinh tế - xã hội đều có dấu ấn của những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Sun Group, Vin Group, Thaco, Masan, FPT… Những doanh nghiệp lớn này được coi là “rường cột” của đất nước, có vai trò đầu tàu dẫn dắt và tạo bệ phóng nền kinh tế.
Có lẽ chưa bao giờ kinh tế tư nhân lại thể hiện sức vóc lớn như giai đoạn hiện nay. Doanh nghiệp tư nhân đã sẵn sàng tham gia những “cuộc chơi” mà trước đây vốn chỉ nhà nước mới đầu tư như: Xây dựng sân bay, cao tốc, cảng tàu khách quốc tế; sản xuất ô tô, tham gia vào lĩnh vực hàng không... Bất cứ lĩnh vực nào có dấu ấn của kinh tế tư nhân đều ghi nhận chất lượng và đẳng cấp vượt trội.
Trong lĩnh vực hàng không, kể từ khi ra đời đến nay, hãng hàng không tư nhân Vietjet Air đã đem cơ hội bay tới hàng triệu người dân có mức thu nhập trung bình, góp phần gia tăng cơ hội cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không.
Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, Thaco, VinGroup đã biến khát vọng sản xuất ô tô “made in Vietnam” thành hiện thực - điều mà kinh tế nhà nước chưa thể làm được. Thậm chí, ô tô VinFast còn xác lập 3 kỷ lục thế giới, gồm: Chỉ cần 21 tháng để hoàn tất việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất để đi vào sản xuất hàng loạt; cho ra xe mẫu chỉ sau 11 tháng từ khi khởi công nhà máy; cho ra xe thương mại sau chưa đầy 2 năm và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Dẫu không nói ra nhưng họ đều là người có công để biến khát vọng “sánh vai với các cường quốc năm châu” của Bác Hồ trở thành hiện thực.
3. Xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh
Mới đây, một ngày sau khi được bầu làm người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong đó có đoạn: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng với phương châm “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Điều này cho thấy, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang được cả hệ thống chính trị và toàn dân hưởng ứng sôi nổi hơn bao giờ hết, đó là một minh chứng cho thấy rất rõ tình cảm thiết tha của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Bác.
Nhìn lại 55 năm thực hiện Di chúc của Người, chúng ta không khỏi tự hào, phấn khởi, vui mừng với những điều đã làm được theo căn dặn của Bác và cũng là dịp để khẳng định lại việc xây dựng một đảng trong sạch, vững mạnh, của dân, vì dân và do dân là con đường duy nhất để đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như nguyện ước của Bác Hồ. Trong sự nghiệp vẻ vang đó, doanh nghiệp, doanh nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.