55 sinh viên y khoa có nguy cơ bị cấm thi vì nợ học phí hơn 4 tỉ đồng

55 sinh viên được tỉnh Bình Thuận ký hợp đồng đào tạo đang nợ học phí Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Y dược Cần Thơ hơn 4 tỉ đồng.

Ngày 19-8, nguồn tin của PLO cho biết Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định liên quan đến việc nợ học phí của 55 sinh viên tại tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM.

 Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận đang thực hiện ca mổ.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận đang thực hiện ca mổ.

Chấm dứt hỗ trợ đào tạo

Theo đó, có 55 sinh viên được tỉnh Bình Thuận ký hợp đồng đào tạo và hỗ trợ kinh phí đang theo học tại 2 trường trên đến năm 2027. Những sinh viên này sau khi tốt nghiệp bác sĩ phải về Bình Thuận phục vụ 10 năm theo hợp đồng cam kết đã ký.

Tuy nhiên, tháng 10-2022, Kiểm toán nhà nước khu vực XIII có thông báo nêu: “Giao UBND tỉnh kiểm tra, xử lý đối với từng trường hợp cụ thể đúng với quy định pháp luật hiện hành; đồng thời chấm dứt việc hỗ trợ kinh phí đào tạo sinh viên ngành y đối với đối tượng không đủ điều kiện tuyển sinh; dừng tuyển sinh mới sinh viên ngành Y đào tạo theo địa chỉ đối với các đối tượng không đủ điều kiện tuyển sinh; các sinh viên không đúng đối tượng đã hỗ trợ kinh phí chỉ tuyển dụng và quyết toán kinh phí khi đã vượt qua kỳ thi tuyển viên chức theo quy định hiện hành”.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng UBND tỉnh Bình Thuận đã thực hiện chưa đúng với Quyết định số 153/2006 về “Cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long”.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Thuận, tất cả chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành Y tế của tỉnh khi ban hành đều không căn cứ hoặc áp dụng Quyết định số 153/2006.

Cụ thể, đối tượng áp dụng không phải cử tuyển riêng con em đồng bào các dân tộc thiểu số theo Quyết định số 153 mà các chính sách này được ban hành xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của tỉnh Bình Thuận. Theo đó, cử tất cả các đối tượng là con em của tỉnh Bình Thuận đáp ứng yêu cầu về điểm tuyển sinh đầu vào của cơ sở đào tạo để xây dựng được đội ngũ bác sĩ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ trong nhiều năm qua.

“Việc cử sinh viên ngành Y đi đào tạo theo địa chỉ được thực hiện theo trình tự chặt chẽ, đảm bảo khách quan, công khai. Hằng năm, căn cứ mức điểm chuẩn trúng tuyển và hồ sơ đăng ký của sinh viên, Sở Y tế lập Hội đồng họp xét tuyển sinh và báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh sách đủ điều kiện tham gia đào tạo chuyên ngành Y theo địa chỉ…” - UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định.

 Sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh minh họa.

Sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh minh họa.

“Từ năm 2008 đến 2021, những sinh viên ngành Y được cử đi đào tạo theo địa chỉ của tỉnh sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng và bố trí công tác tại các cơ sở y tế công lập của tỉnh. Những trường hợp bác sĩ đào tạo theo địa chỉ khi nghỉ công tác tại tỉnh vì lý do cá nhân thì phải thực hiện đền bù kinh phí theo đúng hợp đồng đã ký kết. Đến nay, chưa có xảy ra việc thất thoát kinh phí trong đào tạo sinh viên ngành Y theo địa chỉ của tỉnh. Nhưng kể từ năm 2022, sau khi có thông báo của Kiểm toán Nhà nước, Sở Nội vụ và Sở Y tế đã dừng việc tuyển sinh mới sinh viên ngành y” - UBND tỉnh Bình Thuận cho biết.

Trường đại học liên tục đòi nợ học phí

Do thông báo nói trên của kiểm toán, đến nay, tỉnh Bình Thuận vẫn còn nợ kinh phí cho các khóa đào tạo đang dở dang của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024 hơn 4 tỉ đồng.

Các trường đại học này đã nhiều lần đề nghị chi trả nợ học phí theo hợp đồng đào tạo đã ký kết và từ năm 2022, Sở Y tế đã có văn bản cam kết sẽ chuyển trả kinh phí.

Đến năm 2023, hai trường trên tiếp tục có công văn đề nghị tỉnh Bình Thuận chi trả học phí đang còn nợ và Sở Y tế nhiều lần làm việc, tiếp tục đề nghị cho nợ đến khi có chủ trương giải quyết của tỉnh.

Đầu năm 2024, Sở Y tế đã mời phụ huynh của 55 sinh viên trên họp bàn phương án tạm thời thực hiện chi trả học phí đang nợ các cơ sở đào tạo vì theo quy chế, trường hợp nợ học phí lâu dài sẽ bị cấm thi học kỳ, thi hết môn, thi tốt nghiệp…

Mong muốn của gia đình và cá nhân sinh viên đều đề nghị tỉnh xem xét, tiếp tục hỗ trợ kinh phí đào tạo vì hiện nay gia đình cũng đang rất khó khăn về kinh tế nên không thể chi trả kinh phí học tập cho con em mình.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, ngoài số nợ học phí 4 tỉ đồng thì tổng số kinh phí dự kiến chi trả học phí cho 55 sinh viên đến năm 2027 khoảng 3 tỉ đồng nữa.

 Tỷ lệ bác sĩ về công tác tại Bình Thuận rất ít.

Tỷ lệ bác sĩ về công tác tại Bình Thuận rất ít.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, các bác sĩ, nhất là bác sĩ tốt nghiệp chính quy, rất ít người có nguyện vọng về tỉnh Bình Thuận công tác nên có những địa phương trong thời gian dài, khoảng trên 10 năm trở lại đây, không tiếp nhận được bác sĩ chính quy về công tác.

Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân ở một số địa phương rất thấp nên để đảm bảo số lượng bác sĩ phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách tập trung đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cho ngành Y tế.

Do đó, tỉnh đã liên tục kiến nghị kiểm toán xem xét. Ngày 21-5-2024, Kiểm toán Nhà nước mới có công văn trả lời, thống nhất với điều chỉnh kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận.

Cụ thể: “Chấm dứt việc tuyển sinh mới sinh viên ngành Y đào tạo theo địa chỉ đối với các đối tượng không đủ điều kiện tuyển sinh. Các trường hợp đã ký hợp đồng hỗ trợ kinh phí đối với các sinh viên, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

Từ điều chỉnh này của Kiểm toán Nhà nước, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương cấp kinh phí chi trả cho 55 sinh viên ngành y đang học tập tại các cơ sở đào tạo nợ học phí nhiều năm nói trên.

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/55-sinh-vien-y-khoa-co-nguy-co-bi-cam-thi-vi-no-hoc-phi-hon-4-ti-dong-post805975.html