55% vụ tai nạn giao thông với học sinh THPT do xe điện

Xe đạp - máy điện với thiết kế gọn, nhẹ, giá phải chăng… là phương tiện cho con đến trường được nhiều phụ huynh lựa chọn. Tuy nhiên, do không cần giấy phép lái xe (GPLX) và ít bị kiểm tra dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông.

Lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Học sinh THPT liên quan tới 90% vụ tai nạn giao thông

Thời gian qua, số lượng xe đạp - máy điện tăng nhanh. Người dưới 18 tuổi sử dụng khá lớn. Luật Giao thông đường bộ quy định, người từ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được phép điều khiển xe máy dưới 50 phân khối không cần có GPLX.

Chính vì vậy, thay vì đưa đón con đến trường, phụ huynh mua sắm xe máy điện, xe đạp điện để con tự tham gia giao thông đến trường. Tuy nhiên, nhiều em không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông.

Theo Thiếu tá Phạm Ngọc Thành, Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), hàng ngày có khoảng vài trăm phương tiện được đăng ký mới thì xe máy điện và xe đạp điện chiếm số lượng không nhỏ. Xe đạp điện được quy định là 25 km/giờ. Xe máy điện từ 20 – 50 km/giờ.

Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ cửa hàng xe đạp - máy điện tại Hà Nội cho biết, giá bán tương đương với xe máy dù độ bền không bằng. Nhưng nhiều người vẫn tin dùng vì đang là mốt. Chỉ sau 1 hoặc 2 năm sử dụng, những chiếc xe này sẽ mất giá. Buôn bán xe cũ đang là nghề cho thu nhập cao.

Trung tá Trần Quang Vinh, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, học sinh THPT sử dụng xe đạp điện, xe máy điện rất phổ biến. Học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông của trẻ em. Nhóm này nằm trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn là đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát.

Tỷ lệ tai nạn giao thông của nhóm đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất, khoảng 0,5 vụ/học sinh. Có tới 55% số vụ tai nạn giao thông xảy ra với học sinh THPT là do xe máy điện, xe đạp điện.

“Để giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội…”, Trung tá Trần Quang Vinh nói.

Học sinh vi phạm gửi thông báo về trường

Mới đây (ngày 9/9), Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa ra Văn bản số 820/QLTTHN-NVTH về việc kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh mặt hàng xe điện.

Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời gian gần đây xuất hiện trở lại tình trạng kinh doanh xe điện nhập lậu. Có dấu hiệu giả mạo, gian lận nguồn gốc, nơi sản xuất, không bảo đảm chất lượng. Vi phạm về nhãn hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Không bảo đảm an toàn cho người sử dụng, nhất là đối với học sinh, sinh viên…

Quản lý thị trường Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Bao gồm cả bộ phận ắc quy nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo, gian lận thương mại.

Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) từ tháng 3 đến nay đã xử lý 5.095 trường hợp vi phạm giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện. Phạt thành tiền 695,590 triệu đồng, tạm giữ 25 phương tiện và 123 bộ giấy tờ…

Để giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến loại phương tiện này, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho rằng, ngoài việc xử phạt hành chính theo quy định, cần tổng hợp, gửi thông báo về UBND phường, xã, thị trấn nơi cư trú của người điều khiển để có biện pháp giáo dục, răn đe.

Trường hợp người vi phạm là học sinh thì gửi thông báo cho sở, phòng GD&ĐT và nhà trường nơi học sinh theo học để làm căn cứ xếp loại hạnh kiểm cuối năm. UBND phường, xã, thị trấn tổ chức thống kê, rà soát số lượng xe đạp điện của người dân trên địa bàn để có biện pháp quản lý phù hợp. Tổ chức giáo dục các trường hợp vi phạm khi có thông báo của cơ quan chức năng. Quan trọng nhất cần gắn trách nhiệm của cha mẹ, người nuôi dưỡng khi có con cái, người thân vi phạm.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam hiến kế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng (cảnh sát kinh tế, hải quan, thuế, quản lý thị trường,…) trong kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh xe đạp điện.

Các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện. Chỉ được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe đạp điện khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng.

Theo ông Hùng, để bảo đảm an toàn, người sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, đặc biệt là học sinh cần chấp hành luật. Người điều khiển phương tiện cần tập trung khi lưu thông. Không chở quá số người quy định, không di chuyển với tốc độ cao. Phải đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn, cài quai đúng quy cách… Có vậy mới tránh tai nạn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/55-vu-tai-nan-giao-thong-voi-hoc-sinh-thpt-do-xe-dien-BnuPf2FGg.html