550 tỷ đồng 'hồi sinh' sông Tô Lịch: Lần 'N'... có 'sạch' ô nhiễm?
Theo các chuyên gia, Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào Tô Lịch với tổng mức đầu tư khoảng 550 tỷ đồng là giải pháp tình thế, quan trọng giải quyết triệt để tại nguồn.
Các chuyên gia, nhà khoa học về môi trường khi nêu ý kiến về việc Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào Tô Lịch với tổng mức đầu tư khoảng 550 tỷ đồng đều cho rằng, đây là giải pháp tình thế, điều quan trọng giải quyết triệt để tại nguồn để có thể hồi sinh dòng sông.
Đề xuất trên được Hà Nội đưa ra trong bối cảnh nước sông Tô Lịch hiện ô nhiễm nặng nề, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người dân khu vực ven sông. Hà Nội đã triển khai các dự án thoát nước giai đoạn 1,2 và đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Khi dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động, các nguồn nước bổ cập cho sông Tô Lịch được thu gom dẫn đến con sông này sẽ bị cạn, trơ lớp bùn đáy gây ô nhiễm môi trường.
Đã có khoảng 30.000 tỷ đồng đầu tư các dự án cũng như nhiều phương án làm làm sạch sông Tô Lịch đã được đưa ra trong thời gian qua, đến nay chưa đạt như kỳ vọng. Nhiều ý kiến quan ngại, dự án trên có thể giúp sông Tô Lịch “sạch” ô nhiễm?
PGS.TS Đào Trọng Tứ - Chuyên gia nghiên cứu sông ngòi Việt Nam: “Đừng để chỉ đổ nước vào sông Tô Lịch mà tốn nhiều tiền như vậy”
Tôi cho rằng, nói đến bổ cập nước cho các sông nội đô Hà Nội nên nhìn một cách tổng thể, cùng với sông Tô Lịch còn có các con sông Nhuệ, Tích, Lừ, Sét, Kim Ngưu…
Để thực sự hồi sinh sông Tô Lịch, tôi cho rằng, ngoài những giải pháp mang tính chuyên môn kỹ thuật như bơm nước sạch vào làm loãng nước sông, xây dựng hệ thống thu gom nước thải hai bên bờ sông…cũng cần phải tính đến việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân, đặc biệt là các hộ dân sống hai bên bờ sông Tô Lịch. Đồng thời, cần phát huy hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý những trường hợp vi phạm như lấn chiếm hành lang sông, đổ phế liệu, rác thải gây ô nhiễm.
GS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: “Không giải quyết triệt để tại nguồn, khó có thể hồi sinh dòng sông Tô Lịch”
Theo tôi, việc xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch sẽ giúp pha loãng, làm giảm ô nhiễm nước sông Tô Lịch. Tuy nhiên, sẽ không giải quyết triệt để tại nguồn để có thể hồi sinh dòng sông.
Hiện Hà Nội đã xây dựng hệ thống thu gom nước thải từ các nơi vốn đổ vào sông Tô Lịch thì giờ đi theo đường ống về nhà máy xử lý nước thải, sau đó khi xử lý xong đạt yêu cầu sẽ cho xả lại sông Tô Lịch, do đó sông Tô Lịch sẽ không phải là dòng sông chết mà có dòng chảy, có trao đổi oxy thì sẽ tốt lên.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT: Đây là giải pháp mang tính bổ trợ
Hà Nội chọn phương án bơm từ nước sông Hồng để tạo dòng chảy. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những biện pháp cần thiết để tạo dòng chảy môi trường, làm sạch sông Tô Lịch. Tuy nhiên, đây là giải pháp mang tính bổ trợ giúp bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Thực tế Hà Nội đã tốn mấy chục nghìn tỷ để thu gom, xử lý nước thải, cải thiện sông Tô Lịch.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam: “Đã làm phải nghiên cứu kỹ, làm đến nơi đến chốn”
Tôi cho rằng, phải đánh giá kỹ hơn với công trình này như ở tầm cỡ nào. Hiện, cơ quan chức năng chưa thông tin phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào Tô Lịch.
Từ đầu tháng 12, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã thí điểm hoạt động (dự kiến hoàn thành toàn bộ năm 2027), các nguồn nước bổ cập cho Tô Lịch được thu gom dẫn đến sông sẽ bị cạn. Cùng với đó, các dự án liên quan đến phòng chống ngập úng, cải thiện môi trường lưu vực sông Tô Lịch hiện mới chuẩn bị đầu tư như dự án trạm bơm Liên Mạc phòng chống ngập úng và lấy nước sông Hồng bổ cập sông Nhuệ, Tô Lịch; hệ thống thu gom, xử lý nước thải lưu vực S3 (về nhà máy xử lý nước thải Phú Đô)...
Do đó, việc bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch tất nhiên chỉ hữu ích khi vào mùa cạn. Bởi khi mùa khô lượng nước sông Tô Lịch rất ít, chất thải, nước thải vào không hòa loãng được. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần phải đánh giá kỹ, nếu không lại giống như các dự án dùng hóa chất cải tạo nước sông Tô Lịch như đã từng xảy ra. Khi đề xuất nói làm được nhưng sau đó lại không làm đến nơi đến chốn. Còn muốn làm đến nơi, đến chốn cần phải nghiên cứu kỹ dự án như lưu lượng bao nhiêu, tính toán hiệu quả kinh tế ra sao, chất lượng nước sẽ được cải thiện thế nào…Nếu không làm rõ ngay từ đầu thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả dự án.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng: “Bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch là giải pháp tình thế”
Theo tôi, việc xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch là giải pháp tình thế, có thể thau rửa được sông Tô Lịch và thích hợp trong giai đoạn này. Để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm trên sông Tô Lịch, giải pháp căn cơ nhất vẫn là thành phố Hà Nội phải hoàn thiện hệ thống đường ống thu gom nước thải hai bên bờ sông bảo đảm đồng bộ, thực chất, tránh việc để nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông. Đồng thời cần phải nạo vét và dùng cơ học kết hợp. Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là nhiệm vụ cấp bách, nhằm triệt tiêu nguồn nước thải chảy vào hệ thống sông Tô Lịch. Sau đó, triển khai các biện pháp công trình khác bổ cập nước sạch, tạo dòng chảy cho dòng sông.
Bà Nguyễn Thị Hà, người dân quận Cầu Giấy (Hà Nội): “Quan trọng là tính khả thi”
Là người dân Hà Nội sống ven sông Tô Lịch, ô nhiễm dòng sông này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như lo lắng về sức khỏe. Thời gian qua, Hà Nội đã đầu tư hàng chục tỷ, triển khai nhiều phương án làm sạch sông Tô Lịch, nhưng vẫn chưa khả thi. Ngay như hai dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và đường cống ngầm sông Tô Lịch hiện vẫn đang chậm tiến độ. Thực tế hiện nay, vẫn còn các cống xả thải trực tiếp xuống sông Tô Lịch khiến con sông này vẫn là nơi chứa nước thải, rác sinh hoạt, bốc mùi hôi thối. Do đó, dù triển khai phương án nào, xây dựng công trình nào cũng cần tính toán, nghiên cứu đến tính hiệu quả để dòng sông thực sự hồi sinh.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Khoảng 30.000 tỷ đồng đã "đổ" vào sông Tô Lịch
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 27/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm dành nhiều thời gian nói về 2 vấn đề rất quan trọng là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.
Từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp nhằm hồi sinh sông Tô Lịch nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, đã có khoảng 30.000 tỷ đồng đầu tư các dự án làm sạch sông Tô Lịch, nhưng đến nay chưa đạt kỳ vọng. Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mắt là xử lý ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là sông Tô Lịch. Ngay sau đó, Bí thư và Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đi kiểm tra thực tế và yêu cầu phải "hồi sinh" sông Tô Lịch trước ngày 2/9/2025.
Nhiều giải pháp cải tạo sông Tô Lịch nhưng chưa khả thi
Sông Tô Lịch có chiều dài hơn 14km, chảy qua 6 quận, huyện có mật độ dân cư đông đúc của Thủ đô Hà Nội, gồm: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàng Mai và Thanh Trì. Trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt, hầu hết không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn, đây là nguyên nhân chính khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, nước sông đen kịt, bốc mùi hôi thối trong suốt thời gian qua.
Từ năm 2000 đến nay, Hà Nội đã áp dụng nhiều phương án thử nghiệm, đề án cải tạo, làm sạch nước sông Tô Lịch các tổ chức quốc tế và trong nước nhưng chưa khả thi.
Cụ thể, năm 2008, đã có một số sở, ngành đề xuất phương án dùng nước sông Hồng pha loãng mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường không đồng tình bởi phương án này có nguy cơ làm biến đổi hệ sinh thái hồ Tây, phù sa bồi lấp dần lòng hồ. Mặt khác, nếu nước ô nhiễm đưa về cuối nguồn thì vẫn gây ô nhiễm các sông lớn khác.
Nhiều phương án làm sạch nước sông Tô Lịch cũng được triển khai, như: Tạo bè thủy sinh, xây dựng cống bao, thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản, xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm hóa học nhập ngoại Redoxy-3C…nhưng đều không thể cải thiện được chất lượng nguồn nước.