Đồng bộ các giải pháp, tạo thuận lợi cho giao thương

Càng gần đến Tết Nguyên đán 2025, tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội càng diễn biến phức tạp. Để hạn chế tình trạng này, cơ quan chức năng thành phố cần thực hiện các biện pháp trước mắt kết hợp với giải pháp căn cơ, lâu dài. Thời điểm đầu năm 2024, toàn thành phố có 33 điểm ùn tắc trong giờ cao điểm. Trong năm, các cơ quan chức năng đã xử lý được 13/33 điểm, nhưng lại phát sinh 16 điểm, nâng tổng số thành 36 điểm ùn tắc. Nhiều tuyến đường, nút giao thông có mật độ phương tiện tham gia lớn, nhất là vào khung giờ cao điểm.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo thông tin, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân khoảng 4-5%/năm, gấp 10 lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (khoảng 0,35%/năm), khiến mật độ giao thông trên nhiều tuyến vượt quá lưu lượng thiết kế… Trong khi đó, mạng lưới đường sắt đô thị vốn được coi là phương tiện di chuyển “xương sống” trong đô thị vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới chỉ có hai tuyến được đưa vào khai thác... Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới chỉ đạt 19,5%.

Để xử lý các điểm ùn tắc này, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan thống nhất phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, phân loại để xử lý những vị trí ùn tắc theo các nhóm nguyên nhân. Trong đó, có 8 điểm do rào chắn phục vụ thi công công trình; 28 điểm do chậm triển khai đầu tư dự án theo quy hoạch và quá tải kết cấu hạ tầng giao thông.

Sở Giao thông vận tải vừa đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng mới 5 cầu vượt nhẹ bằng thép tại một số nút giao có lưu lượng phương tiện lớn nhằm giảm ùn tắc và tăng khả năng kết nối giao thông. Dự kiến, 5 cầu vượt nhẹ sẽ được xây dựng tại các nút giao: Châu Văn Liêm-Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm); Cổ Linh-Thạch Bàn (quận Long Biên); Hoàng Minh Giám-Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân); Cổ Bi-Ngô Xuân Quảng (huyện Gia Lâm); Nguyễn Huy Nhuận-Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm). Trong đó, nút giao Cổ Linh-Thạch Bàn có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn vào giờ cao điểm, nhất là sau khi hoàn thành cầu Vĩnh Tuy 2.

Cùng với việc tăng nặng mức xử phạt hành chính về vi phạm giao thông tạo nên những chuyển biến nhất định trong ý thức của người dân, thì việc kết hợp nhiều biện pháp gồm: điều chỉnh tổ chức giao thông, điều chỉnh đèn tín hiệu, bố trí lực lượng chức năng ứng trực phân luồng và đề xuất thêm phương án chống ùn tắc như xây cầu vượt nhẹ, hy vọng trong năm 2025, Hà Nội sẽ kéo giảm các điểm ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi cho người dân trong di chuyển, giao thương và phát triển kinh tế-xã hội.

Nguồn QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-bo-cac-giai-phap-tao-thuan-loi-cho-giao-thuong-post855254.html