56.000 chứng chỉ IELTS không hợp lệ: Cần đảm bảo quyền lợi cho thí sinh
Sau khi Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận hơn 56.000 chứng chỉ IELTS do Công ty TNHH Giáo dục IDP cấp từ ngày 1/1/2022 đến ngày 16/11/2022 chưa hợp lệ, sinh viên, trường đại học (ĐH) có liên quan trực tiếp tới nội dung này đều hoang mang, lo lắng, bày tỏ mong muốn Bộ có hướng giải quyết đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, từ tháng 1 đến 9/2022, Công ty TNHH Giáo dục IDP (gọi tắt là IDP) chưa được phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài nhưng đã tự ý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ cho 46.643 người.
Từ tháng 9-11/2022, công ty này chưa được phép tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam nhưng đã tự tổ chức thi và cấp 9.687 chứng chỉ.
Con số trên 56.000 chứng chỉ ngoại ngữ được IDP cấp không hợp lệ trong thời gian trên ảnh hưởng tới thí sinh xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh ĐH trong các năm 2022, 2023 và cả 2024.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có gần 47.000 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ tốt nghiệp THPT năm 2023; năm 2022, con số này là trên 35.000 thí sinh. Năm nay, thí sinh vẫn đang trong thời gian đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT nên chưa có số liệu.
Kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT cho thấy, năm 2022, IDP đã liên kết tổ chức thi cho 67.195 lượt thí sinh. Với số tiền là 4,6 triệu đồng/lượt thi thì tổng số tiền mà IDP thu được trong năm 2022 từ kì thi này là trên 309 tỷ đồng. Riêng số chứng chỉ không hợp lệ có tổng mức phí là trên 250 tỷ đồng.
Về tuyển sinh ĐH, số lượng trường ĐH xét chứng chỉ ngoại ngữ lên đến hàng trăm. Những trường có số lượng thí sinh sử dụng chứng chỉ IELTS xét tuyển đông đảo gồm có: Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại ngữ, Học viện Ngoại giao, Trường ĐH Hà Nội.
Tính riêng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, năm 2023, số lượng sử dụng chứng chỉ IELTS để đăng kí xét tuyển lên đến trên 11.000 hồ sơ với trên 70% đạt từ 6.5 trở lên.
Các trường khối Y dược vốn có truyền thống xét tuyển tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) cũng bắt đầu mở rộng xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ và con số thí sinh tham gia xét tuyển cũng tăng lên hằng năm. Năm 2023, Trường ĐH Y dược TPHCM nhận được gần 3.000 hồ sơ xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh.
Hậu quả của việc chứng chỉ IETLS của IDP không được thừa nhận không chỉ ảnh hưởng đến thí sinh, sinh viên đã được xét tốt nghiệp, trúng tuyển ĐH mà còn có thể ảnh hưởng tới nghiên cứu sinh làm tiến sĩ, học viên thạc sĩ, du học sinh hay người lao động xét thăng hạng.
Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT
Nghị định 86 quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục được Chính phủ ban hành tháng 6/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2018. Nhưng đến ngày 22/7/2022 Bộ GD&ĐT mới ban hành thông tư hướng dẫn và thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/9/2022, tức trên 4 năm sau khi Nghị định 86 có hiệu lực, các đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới có thông tư hướng dẫn thực hiện.
Vấn đề chứng chỉ IELTS không hợp lệ từng gây hoang mang dư luận trong mùa thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Khi đó, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn việc xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài (chứng chỉ) để miễn thi bài thi môn ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong đó yêu cầu các địa phương chỉ chấp nhận xét (hoặc miễn thi) với thí sinh có chứng chỉ cấp trước ngày 10/9/2022 và sau ngày 11/11/2022. Bởi khoảng thời gian từ ngày 10/9 - 10/11/2022, các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh đều chưa được Bộ GD&ĐT cho phép vì liên quan đến những điều chỉnh theo Thông tư hướng dẫn Nghị định 81/2018.
Văn bản này lập tức bị phụ huynh, thí sinh phản ứng gay gắt. Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT ngay sau đó đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT nêu rõ: “Thí sinh đã đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được sử dụng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài thi và cấp sau ngày 10/9/2022 để xét miễn bài thi ngoại ngữ theo quy định”.
Câu chuyện trên 56.000 chứng chỉ IELTS do IDP cấp không hợp lệ cũng tương tự như tình huống không chấp nhận rồi lại chấp nhận của Bộ về miễn thi ngoại ngữ năm 2023.
PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết hằng năm, số lượng thí sinh đăng kí xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS khá lớn nhưng số lượng nhập học lại không nhiều. Vì xét tuyển sớm nên thí sinh có nhiều lựa chọn vào các trường ĐH khác.
Từ góc độ nhà quản lí và người học, bà Kim Anh cho rằng, thực tế, bài thi IELTS của IDP luôn đảm bảo chất lượng. Vì vậy, mong muốn Bộ GD&ĐT đưa ra hướng giải quyết đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Lãnh đạo một trường ĐH lớn tại Hà Nội cũng nêu đề xuất Bộ GD&ĐT nên chấp nhận 56.000 chứng chỉ này. Dù có thông tư mới nhưng bản chất bài thi không thay đổi, năng lực của học sinh vẫn thể hiện được qua bài thi. Nếu hủy các chứng chỉ này thì hệ lụy xã hội rất lớn.
Chiều 9/5, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin về vụ việc. Cục này khẳng định các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.
Thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có), bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học và người dự thi, đúng quy định của pháp luật.
Kết luận Thanh tra Bộ được đưa ra trong bối cảnh thí sinh đang đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2023, Bộ GD&ĐT đã chấp nhận những chứng chỉ này, tại sao không có thông tin chuẩn bị cho thí sinh, phụ huynh để chống “sốc”, nhiều người đặt câu hỏi.