59% người tiêu dùng thường xuyên ăn rau xanh, ngũ cốc
59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên; 61% ưu tiên tận dụng dụng ánh sáng tự nhiên nhiều nhất có thể, 44% tái sử dụng quần áo cũ… Người tiêu dùng đang ngày càng coi trọng yếu tố bền vững trong lối sống và khi mua sắm, chuyển sang mua sắm trên thương mại điện tử.
Đó là những xu hướng tiêu dùng không thể đảo ngược và là xúc tác cho doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ chuyển đổi thích ứng.
Những thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2023 với chủ đề Xu hướng và thị trường bán lẻ Việt Nam, do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức tại Hà Nội, ngày 28-6.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Lam Giang
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc miền Bắc NielsenIQ Việt Nam nhận định, theo thời gian, người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố bền vững. Các yếu tố quan trọng khi lựa chọn thương hiệu của người tiêu dùng là: Giá thành hợp lý, bảo đảm an toàn và vệ sinh, tốt cho sức khỏe, thương hiệu tin cậy, sự bền vững và thân thiện môi trường… 55% người tiêu dùng được NielsenIQ Việt Nam khảo sát ngay trong năm 2023 đánh giá cao yếu tố bền vững trong tiêu dùng.
Để minh chứng, bà Hà nêu con số: 49% người tiêu dùng mang túi riêng hay sử dụng túi tái chế khi mua sắm, 47% chỉ mua đồ cần thiết và tránh lãng phí. Khi ở nhà, 45% có ý thức tiết kiệm điện và 45% phân loại rác tái chế…
Đánh giá cụ thể từ nghiên cứu riêng về người tiêu dùng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bà Trịnh Nguyễn Ngọc Linh, Quản lý cấp cao dự án Intage Việt Nam cho biết, 95% người tiêu dùng 2 thành phố lớn này có ý thức về việc bảo vệ môi trường; 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 61% ưu tiên tận dụng ánh sáng tự nhiên nhiều nhất có thể, 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới không cần thiết…
Nghiên cứu này cũng chỉ ra các phân khúc người tiêu dùng nhận thức về tiêu dùng xanh, trong đó 24% cho biết, sống xanh để tiết kiệm, 22% tiêu dùng xanh để tập trung cho sức khỏe.
Ông Đỗ Văn Việt, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn thương mại điện tử là kênh mua sắm thường xuyên bởi sự tiện ích nhiều mặt. Hiện, thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng 2 con số/năm. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, người bán hàng chuyển mạnh sang thương mại điện tử để tiếp cận người tiêu dùng, nhất là trên các kênh như mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo.
Dẫn ví dụ về việc Tỉnh đoàn Bắc Giang đang triển khai bán trái vải thiều trên TikTok Shop Việt Nam, ông Đỗ Đức Việt cho biết, nhiều phiên bán hàng livestream, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, có thể bán hàng tấn quả vải với hàng nghìn đơn hàng.
“Doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng, có giải pháp tiếp cận các kênh thương mại điện tử và cần triển khai đa kênh để tạo nhiều điểm chạm với khách hàng”, ông Việt khuyến nghị.
Gợi ý tới các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ, bà Đặng Thúy Hà đưa ra các giải pháp phát triển mô hình bán lẻ mới gắn với trải nghiệm sản phẩm xanh, thành lập câu lạc bộ khách hàng tiêu dùng bền vững, thưởng điểm khi mua sản phẩm bền vững… Hoặc là thay thế, giảm thiểu nhựa trong bao bì; phát triển nhà máy, trang trại trung hòa carbon như cách mà Vinamilk đang làm nhằm cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027; sử dụng phương tiện vận tải chạy điện, phát triển nông nghiệp tái sinh…
Hệ thống WinMart vừa đưa vào mô hình siêu thị trải nghiệm mới mang phong cách châu Âu tại Hà Nội. Ảnh: Thu Trang
Trước xu hướng tiêu dùng sản phẩm an toàn, đặc biệt là sản phẩm hữu cơ với doanh số tại Việt Nam đạt 208 tỷ USD năm 2022, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chất lượng nông sản trên thị trường, nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người sản xuất sạch thấy được giá trị của việc sản xuất theo tiêu chuẩn, người tiêu dùng hiểu được giá trị của nông sản sạch. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực sản xuất nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường…